Chùm phóng sự ảnh dưới đây cho thấy phần nào của “tảng băng chìm” và các hệ lụy từ sự “siêu lợi nhuận” do buôn bán động vật hoang dã mà có.
Sau loạt bài liên tiếp, các hồ sơ điều tra gửi lên cơ quan chức năng đề nghị bắt giữ một cách hiệu quả các đường dây lớn và lớn đến độ “nhất trong lịch sử Việt Nam”, nhóm PV Lao Động mới băn khoăn tự đặt một câu hỏi: Tại sao khi hóa trang xâm nhập, “thực khách” (nhà báo) nào cũng vô tư gọi được “đồ nhậu” là các loài hoang thú và động vật quý hiếm được Luật pháp và Công ước Quốc tế bảo vệ; vậy mà cơ quan chức năng vẫn cứ mãi không bắt giữ hoặc báo cáo là không bắt giữ được các “ông bà trùm”? Phía sau sự vô lý này là gì?
Có thể thấy phần nào của “tảng băng chìm” và các hệ lụy từ sự “siêu lợi nhuận” do buôn bán động vật hoang dã mà có, qua các bức ảnh sau đây.
Tại các tỉnh Đắk Nông và Lai Châu, người ta đi thành nhóm, bẫy, giết thú hoàng loạt, khiêng chúng vượt rừng ra quốc lộ, treo cổ cả lũ thú rừng lên bán, bày ven đường, máu me be bét. Bẫy thú bán tràn lan, súng tự không hiếm gặp.
Các “hàng cấm” này cứ tồn tại gần như công khai. Dân biết cả, tại sao các “nhà điều tra” không biết?





Cũng ở thủ phủ “hàng rừng” Đắk Nông, vào quán là người ta ném uỵch thú rừng đông lạnh ra bàn, xách cổ động vật trong “Sách đỏ Việt Nam” bỏ lên bàn cân ngã giá. Thuận mua vừa bán là cắt tiết, làm lông, làm đủ món xôm trò. Vậy tại sao Cảnh sát môi trường và Kiểm lâm không xử lý được những vi phạm bất kỳ ai cũng dễ dàng bắt “tận tay day tận trán” ấy?

Họ chặt đầu thú rừng để khi bị kiểm tra thì nói là tôi bán thú nhà. Tuy nhiên, cơ quan chức năng giám định vài thao tác đơn giản là phát hiện ra được. Vấn đề là họ có muốn làm hay không!
Khi vào vai thực khách, chúng tôi được giới thiệu đủ thứ hàng rừng và tiếp tục ầm ĩ, thử hỏi tại sao cơ quan chức năng không thể “điều tra” nổi?
Chưa hết, ở Đắk Nông nói riêng và ở Tây Nguyên cũng như cả nước nói chung, chúng tôi chứng kiến không ít cảnh trưng bày các tiêu bản khỉ, gấu, voọc, hổ. Vi phạm này quá lớn, có thể khởi tố rất “nặng tội”. Tại Đắk Nông, chỉ một cuộc ra quân với sự hỗ trợ của một tổ chức về bảo tồn động vật, đã thu giữ hơn 300 tiêu bản động vật quý hiếm. Tuy nhiên, rất nhiều vi phạm khác thì vẫn được làm ngơ một cách khó hiểu.
Một suy nghĩ đơn giản: Nếu cho nhóm phóng viên chúng tôi được vinh dự làm thay trọng trách của các đồng chí kiểm lâm hay cảnh sát môi trường, vào vai dân đi nhậu, từ sáng đến chiều có khi “dẹp loạn” được ngay các điểm nóng buốt lòng mà báo chí đang rất tốn giấy mực kia.
Cho nên, đã đến lúc, cần một “bàn tay thép” quyết liệt hơn từ phía chính quyền. Cần minh bạch biểu dương các đơn vị làm tốt, thanh kiểm tra xử lý xứng tầm các cán bộ vô cảm hoặc có dấu hiệu “lờ đi” hay bảo kê các đường dây “đẫm máu thú hoang” đang tàn sát môi trường sống của tất cả chúng ta.









