Trà Vinh: Nguồn nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Một vài năm gần đây tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Đại An, Định An… xảy ra tình trạng sụt giảm lượng nước ngầm nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do thời gian qua, nhiều nông dân tại các vùng này ồ ạt đóng giếng khoan để lấy nước ngầm phục vụ cho trồng màu và nuôi thủy sản. Hàng ngàn giếng khoan bị bỏ hoang đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc ô nhiễm tầng mạch nước ngầm…

Anh Tâm dùng giếng khoan bơm nước ra ao tạm để tưới cho khoai môn. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Anh Tâm dùng giếng khoan bơm nước ra ao tạm để tưới cho khoai môn. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Báo động sụt giảm mực nước ngầm

Khoảng hơn 1 tuần nay, anh Dương Minh Tâm ở ấp Cà Tốc, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú lo lắng khi gần 1.000m2 khoai môn của gia đình đang thiếu nước để tưới, trong khi hơn 2 tháng qua ở khu vực này không có một hạt mưa nào. Năm 2013, gia đình anh Tâm có đóng 1 cây nước mô tơ 2kg (loại mạnh), nhưng chỉ khai thác được hơn 1 năm nguồn nước ngầm bỗng nhiên bị sụt giảm, vì vậy năm rồi anh phải đầu tư thêm một cục kích nước nhưng nguồn nước ngầm vẫn không mạnh mà có xu hướng giảm. Không chỉ riêng trường hợp của gia đình anh mà hàng trăm hộ dân ở xã Hàm Giang cũng phải lắp cục kích nước mới có nước để sử dụng.

Tình trạng thiếu hụt nguồn nước ngầm diễn ra nặng nhất vẫn là huyện Cầu Ngang. Bà Nguyễn Thị Hồng ở ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc lo lắng khi gần 8.000m2 đậu phộng đang thiếu nước để tưới, cho biết: Từ năm 2012 đến nay, hầu như giếng khoan nào cũng bị hụt nước. Mặc dù các giếng khoan này đóng xuống đất sâu cả 100m nhưng chỉ bơm được khoảng 2 tiếng đồng hồ là hết nước.

Xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang là vùng chuyên về trồng màu mùa khô khoảng 1.500ha. Theo thống kê của UBND xã hiện lượng giếng khoan trên địa bàn khoảng 5.000 cái, thì có khoảng 60% số giếng khoan phục vụ cho trồng màu. Ông Võ Văn Náo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc cho biết: Toàn bộ số giếng khoan người dân đóng để phục vụ cho trồng màu đã bị tụt nước, không thể bơm lên được khi vào lúc cao điểm buổi sáng. Điều đáng nói là khoảng 50% số giếng khoan phục vụ cho trồng màu sau khi không còn sử dụng được nhưng người dân không xử lý lấp các giếng khoan này. Đây sẽ là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

 Rất nhiều giếng khoan bị hụt nước bỏ hoang, nhưng người dân  không san lấp khiến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm là rất lớn. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Rất nhiều giếng khoan bị hụt nước bỏ hoang, nhưng người dân không san lấp khiến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm là rất lớn. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý

Vào thời điểm mùa khô từ cuối năm trước đến khoảng tháng 5 năm sau, nguồn nước mặn lấn sâu vào nội đồng, các địa phương phải đóng các cửa sông để ngăn mặn dẫn tới các tuyến kênh, rạch bị thiếu nước. Vì vậy, các địa phương nuôi thủy sản như Định An, Đại An, Hàm Giang, Hàm Tân (huyện Trà Cú), Vinh Kim, Mỹ Hòa (huyện Cầu Ngang), Phước Hảo (huyện Châu Thành)…buộc phải sử dụng lượng nước ngầm rất lớn để phục vụ nuôi trồng.

Theo tính toán của các ngành chức năng, nguồn nước ngầm để phục vụ trong trồng màu chỉ chiếm khoảng 30%, nhưng nguồn nước ngầm trong nuôi thủy sản chiếm tới 70%. Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nước ngầm nghiêm trọng ở xã Mỹ Long Bắc, ông Võ Văn Náo, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã khuyến cáo và động viên các hộ trồng màu từng bước chuyển sang các loại màu ít sử dụng nước tưới như chuyển từ cây đậu phộng (lạc) sang trồng dưa hấu, bí đỏ… đây là những loại màu ít sử dụng nước, kết hợp với dùng màng phủ nông nghiệp. Còn về lâu dài tỉnh cần có dự án xây hồ chứa nước hay đưa nước ngọt từ thượng nguồn về địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hoành, Trưởng phòng TN&MT huyện Cầu Ngang lo lắng: Thời gian qua, huyện đã xuất hiện hiện tượng tụt nước ở các giếng khoan. Lượng lớn nước ngầm bị sụt giảm đáng kể. Hiện nay, trên địa bàn người dân sử dụng nguồn nước ngầm bằng giếng khoan ồ ạt không xin phép nhưng vẫn chưa có chế tài xử lý, chỉ vận động và tuyên truyền người dân sử dụng tài nguyên nước ngầm sao cho có hiệu quả nhất, tránh lãng phí. Để tránh tình trạng ô nhiễm và hụt nước ngầm, huyện đã được Sở TN&MT tỉnh hỗ trợ tráng lắp tổng cộng được 65 giếng khoan. Nhưng lượng giếng khoan không còn sử dụng ở Cầu Ngang khá lớn, do kinh phí tráng lắp khá cao. Hiện phòng TN&MT huyện đang triển khai Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất và đề xuất biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước”. Đề án này thực hiện sẽ giúp cho huyện khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước ngầm một cách hiệu quả.