An Giang thiếu 2,3 triệu m3 cát/năm

ThienNhien.Net – Tổng trữ lượng cát có thể khai thác trên địa bàn tỉnh đến 2020 là 17 triệu m3, trung bình 5 triệu m3/năm. Đối chiếu với nhu cầu 44,3 triệu m3 cát trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, trung bình 7,5 triệu m3/năm thì khả năng đáp ứng đạt 66% nhu cầu…

Theo Sở TN-MT An Giang, trước việc Chính phủ chỉ đạo tạm dừng tất cả các dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa, kết hợp thu hồi sản phẩm cát, làm mất cân đối nguồn cung vật liệu cát sông, khiến giá cát thị trường cả nước và trên địa bàn tăng mạnh.

Khai thác cát ở An Giang

Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN- MT) trên cơ sở kiểm tra lại hết khả năng khai thác cát trên sông, cát núi và chú ý đến yếu tố tác động sạt lở bờ sông, kết quả cho thấy, trên địa bàn tỉnh còn 11 khu mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và 02 dự án nạo vét thông, luồng kết hợp thu hồi cát còn hiệu lực, với công suất khai thác 3,15 triệu m3/năm (công suất 11 mỏ cát là 2,33 triệu m3/năm).

Tuy nhiên, sản lượng thực tế khai thác tại 11 khu mỏ chỉ đạt 1,4 triệu m3/năm, nếu tính cả các dự án nạo vét thì đạt khoảng 1,8 triệu m3/năm. Với tình trạng các khu mỏ hết trữ lượng phải đóng cửa mỏ và dừng các dự án nạo vét, kết hợp thu hồi khoáng sản thì sản lượng khai thác tiếp tục giảm, chỉ ước đạt khoảng 1,2 m3/năm.

Từ nay đến cuối năm khả năng tự cân đối của An Giang được khoảng 600 ngàn m3 cát. Nếu tỉnh cho triển khai 3 dự án khai thác thuộc Tiểu dự án 1, nhánh trái cù lao Mỹ Hòa Hưng hoạt động vào quí 4 này thì tổng sản lượng nâng lên khoảng 1,2 triệu m3 cát và đến khi các dự án này hoạt động ổn định thì tổng sản lượng từ các khu mỏ khai thác cát sông là 3,6 triệu m3/năm.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch khoáng sản đến giai đoạn 2018-2020 của tỉnh An Giang có 2 khu vực quy hoạch khai thác cát núi, tổng trữ lượng 12 triệu m3, nếu triển khai đấu giá và đưa vào khai thác có thể bổ sung sản lượng trên 1 triệu m3/năm (cát xây dựng và san lấp). Đồng thời, nguồn từ các dự án nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản như các dự án nạo vét thông luồng và nạo vét chỉnh trị dòng chảy có khả năng triển khai trên địa bàn tỉnh tới đây gồm: Sông Cái Vừng, rạch cù lao Giêng, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, xã Châu Phong khả năng tổng trữ lượng cát khai thác khoảng 3,5 triệu m3, trung bình hàng năm đến 2020 là 600 ngàn m3/năm.

Sở TN-MT cũng đề xuất UBND tỉnh công bố khả năng đáp ứng nguồn cát để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ động tìm nguồn cát hoặc vật liệu khác thay thế. Các doanh nghiệp khai cát mỏ cát và thi công các dự án nạo vét phải cam kết ưu tiên cung ứng cho các công trình trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, tổng trữ lượng cát có thể khai thác trên địa bàn tỉnh đến 2020 là 17 triệu m3, trung bình 5 triệu m3/năm. Đối chiếu với nhu cầu 44,3 triệu m3 cát trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, trung bình 7,5 triệu m3/năm thì khả năng đáp ứng đạt 66% nhu cầu, thiếu 13 triệu m3, trung bình thiếu khoảng 2,3 triệu m3/năm. Cụ thể, năm 2017 thiếu 1,16 triệu m3, năm 2018 thiếu 2,5 triệu m3, năm 2019 thiếu 2 triệu m3 và năm 2020 thiếu 2,3 triệu m3 .

Để việc khai thác cát không tác động sạt lở bờ sông, bảo vệ môi trường, đáp ứng đủ nhu cầu cát của tỉnh, Sở TN- MT đã đề xuất UBND tỉnh tiếp tục khai thác các mỏ cát được cấp giấy phép còn hiệu lực; triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông tại 2 khu mỏ theo Kế hoạch; triển khai Tiểu dự án 1 (nhánh trái cù lao Mỹ Hòa Hưng) và các khu mỏ cát phục vụ các công trình trọng điểm vùng ĐBSCL và trong tỉnh; cho đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 2 khu vực cát núi.

Đồng thời khẩn trương hoàn thiện thủ tục gia hạn Dự án nạo vét Sông Cái vùng, Phú Tân và dự án nẹo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở sông Hậu, khu vực thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu…

Ngày 6/6, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh đã chủ trì cuộc họp xử lý các khó khăn về nguồn cát phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp, Sở TN- MT báo cáo trữ lượng còn lại của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác, các dự án nạo vét có tận thu khoáng sản. Ông Thạnh yêu cầu để việc khai thác cát không tác động sạt lở, bảo vệ môi trường, ưu tiên nguồn cát phục vụ nhu cầu của tỉnh, UBND tỉnh đồng ý tiếp tục tổ chức khai thác tại các mỏ cát được cấp giấy phép còn hiệu lực.