Vụ kiểm lâm Bắc Ninh bán 42 con tê tê cho nhà hàng lên báo chí Anh

ThienNhien.Net – Tờ Guardian cho hay, một số cán bộ kiểm lâm Việt Nam đã buôn bán 42 con tê tê quý hiếm cần được bảo vệ.

Tờ báo hàng đầu của Anh nhận định, vụ việc đã tạo sóng dư luận về loài động vật có vú bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới.

Một chú tê tê con và mẹ của mình được giải cứu (Ảnh: Corbris)
Một chú tê tê con và mẹ của mình được giải cứu (Ảnh: Corbris)

Bài báo của Guardian mở đầu bằng việc đề cập đến sự kiện Bộ Công an Việt Nam mới đây tịch thu được 42 cá thể tê tê Java còn sống và thuộc diện có nguy cơ tuyệt chủng cao. Cảnh sát Việt Nam cũng đã xử lý các lâm tặc và trao số thú hoang dã quý hiếm này cho các kiểm lâm để bảo vệ chúng.

Nào ngờ, các kiểm lâm này lại… làm ngược các hành động “quả cảm” của cảnh sát bằng cách bán thẳng số thú vật này cho các nhà hàng đặc sản địa phương. Họ thu được gần 12.000 USD từ việc bán thịt thú bất hợp pháp. Các con vật tội nghiệp đã bị cắt lưỡi và vặt hết vẩy.

Đó là số phận của loài tê tê bị săn bắt trộm. Những con thú này còn được biết đến với cái tên “loài ăn kiến có vảy”.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho hay loài động vật có vú trông như từ thời tiền sử này đang phải “lãnh đủ” từ nạn buôn lậu thú quý hiếm. Trong một thập kỷ qua, trên một triệu cá thể tê tê hoang dã đã bị săn bắt để cung cấp thịt cho các đầu bếp đặc sản, chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam.

Với sức ăn và khẩu vị không có giới hạn, loài người đã biến mọi bộ phận trên con thú này thành những món ăn cao cấp giá cao. Lưỡi tê tê được dùng để chế biến các món xúp đặc biệt, “tiết” tê tê pha rượu trở thành đồ uống. Một số con tê tê được “ngâm” toàn thân trong các chai rượu. Cuối cùng, đến cả lớp vảy đóng vai trò như lớp giáp nổi tiếng của loài này cũng bị đem bán ra chợ đen phục vụ nhu cầu làm thuốc Đông y hoặc đồ trang sức.

Các bộ phận của tê tê có giá hàng trăm USD một cân. Người ta tin rằng tê tê có nhiều tác dụng thần diệu (mặc dù điều này chưa được chứng minh về khoa học), như bổ thận, trị vẩy nến, và tất nhiên, cả khoản “tráng dương” nữa. Theo một báo cáo năm ngoái của IUCN về nạn săn bắt trộm tê tê, chính sở thích ăn thịt tê tê theo nghĩa đen đã khiến cho loài này bị tuyệt chủng dần.

Chính trong bối cảnh đó, sự kiện các cán bộ kiểm lâm Việt Nam nói trên khai thác triệt để ham muốn ăn thịt tê tê để thu lợi từ đó thay vì ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán và ăn thịt tê tê đã khiến nhiều người giật mình.

Tờ Guardian dẫn nguồn tin từ trang tiếng Anh của tờ Thanh Niên cho biết trưởng chi cục kiểm lâm Bắc Ninh đã tiếp tay cho các kiểm lâm viên bằng việc tuyên bố các con thú bị tịch thu đã quá yếu, nên có giải cứu cũng chẳng ích chi.

Bên cạnh đó, vị quan chức này còn lập luận rằng, trong lãnh thổ Việt Nam được phép buôn tê tê ở mức độ hạn chế. Tuy nhiên trên thực tế ông này lập lờ trích dẫn một đạo luật lỗi thời đã bị thay đổi hơn một năm trước đó.

Hai tấn vảy tê tê được hải quan Hong Kong thu giữ (Ảnh: EPA)
Hai tấn vảy tê tê được hải quan Hong Kong thu giữ (Ảnh: EPA)

Trước đó, vẫn là hợp pháp nếu bán đấu giá các con tê tê bị tịch thu từ lâm tặc. Tuy nhiên điều này đã thay đổi vào tháng 11/2013 khi một đạo luật mới ra đời để loại bỏ hoàn toàn việc săn bắt, buôn bán và tiêu thụ bất kỳ loài nào trong số 4 loài tê tê châu Á.

Dan Challender, đồng chủ tịch Nhóm Chuyên gia Tê tê của IUCN, cho biết giờ thì các chú tê tê đã có được mức độ bảo vệ cao nhất.

Không rõ động cơ chính nào thúc đẩy các kiểm lâm viên buôn lậu tê tê – sự thiếu hiểu biết hay là thói hám tiền. Ông Challender cho biết: “Không có bằng chứng cụ thể thì rất khó nói liệu các kiểm lâm có biết về luật mới hay không… Nhưng có khả năng các kiểm lâm viên đã biết về luật mới ban hành, và như vậy vụ này có thể hoàn toàn coi như là tham nhũng”.

Nguyễn Thị Phương Dung, phó giám đốc tổ chức bảo tồn thiên nhiên Giáo dục về Thiên nhiên Việt Nam lên tiếng phản đối hoạt động của các quan chức kiểm lâm ở Bắc Ninh.

Bà Dung nói: “Bất cứ sự xâm phạm nào đối với loài vật này đều phải bị xử lý hình sự. Chúng ta cũng không thể coi các con tê tê đơn giản chỉ là bằng chứng phạm tội rồi đem bán chúng đi”.

Tổ chức của bà Dung bày tỏ quan ngại việc “tiền đổi chủ” thông qua các kênh chính thức như vậy sẽ tạo ra mối liên kết giữa giới chức và bọn lâm tặc, khiến nghề buôn lậu thêm “phát đạt”.

Với số tiền 12.000 USD thu được trong vụ tê tê, rõ ràng đây không phải là món ăn bình dân. Trên thực tế  chỉ giới lắm tiền nhiều của mới đủ sức thưởng thức thịt, “tiết” và các đặc sản khác chế từ tê tê. Đây là một cách thể hiện đẳng cấp nhà giàu!

Challender đã quan sát thấy nhiều thực khách tại các nhà hàng sang trọng bỏ tới 700 USD chỉ để mua 2kg thịt tê tê. “Tại một số nhà hàng, đó có thể là món thịt đắt nhất trong thực đơn”, Challender nói.

Không những vậy, cách “ăn thịt” lũ tê tê tội nghiệp cũng là cả một bi kịch cho chúng. Có gì đó bệnh hoạn. Challender nhớ lại: “Tôi đã thấy cách hành xử của họ. Bọn họ sẽ đập con vật đến khi bất tỉnh. Sau đó họ sẽ dùng kéo cắt họng con vật”.

Challender nói thêm: “Đối với những khách hàng giàu có muốn khoe của, việc mua thịt động vật hoang giã giá cao là một cách thể hiện “đẳng cấp” tốt nhất.”

Hai loài tê tê châu Á là tê tê Java và tê tê vàng hiện đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất lớn vì chất lượng thịt của chúng được đánh giá cao. Khi lâm tặc săn gần hết số tê tê ở châu Á, chúng bắt đầu quay sang châu Phi để tìm nguồn hàng mới (ở châu Phi có 4 loài tê tê).

Mới chỉ tuần trước các quan chức hải quan ở Hong Kong đã phanh phui một vụ buôn lậu 1 tấn vảy tê tê từ Kenya. Đây là vụ lớn thứ 2 trong 5 tháng qua. Theo Challender, cần phải tập trung vào châu Phi tương tự như với châu Á.

Dẫu vậy vẫn có chỗ cho hy vọng. Challender cho biết, năm 2014, Nhóm Chuyên gia Tê tê của IUCN thực hiện kế hoạch bảo tồn toàn cầu đầu tiên cho loài tê tê. Kế hoạch đó hướng chú ý của công chúng vào cảnh ngộ của tê tê. Mục đích chính ở đây là giảm nhu cầu tiêu thụ tê tê và bảo vệ các vùng sinh sống chủ đạo của tê tê trong thiên nhiên.

Ngoài ra, Challender cho biết thêm, ngày 21/2 là Ngày Tê tê Thế giới, và đây là dịp để loài sinh vật quyến rũ và nhiều vẻ huyền bí này đón nhận thêm sự chú ý đáng lý phải có từ lâu rồi.