“Nóng” nạn ngà voi nhập lậu

Thông qua các container phế liệu hay được ngụy trang công phu, trong mấy năm gần đây, các lực lượng chức năm đã phát hiện nhiều vụ nhập lậu ngà voi. Ngà voi từ các nước châu Phi như Nigeria, Mozambich, Nam Phi… được nhập vào Việt Nam rồi chủ yếu trung chuyển sang quốc gia khác…

Ngà voi được chế biến thành các sản phẩm trang sức

Ngụy trang tinh vi

Chiều 4/10/2018, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung-Đội 2 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phối hợp với các lực lượng chức năng Đà Nẵng, Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) khám xét container phế liệu chứa ngà voi.

Do số lượng quá lớn nên việc kiểm đếm phải đến nửa đêm 4/10 mới kết thúc. Kết quả khám xét, lực lượng chức năng thu giữ được hơn 2 tấn ngà voi và khoảng 6 tấn vảy tê tê. Lực lượng chức năng cho biết, container chứa số hàng cấm nói trên được tàu Lindavia vận chuyển về cảng Đà Nẵng ngày 29/9/2018. Lô hàng có xuất xứ Nigeria, tên hàng trên vận đơn là phế liệu. DN đứng tên nhập khẩu trên vận đơn là Công ty TNHH Thiên Trường Sử (xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Tuy nhiên, đến ngày 4/10/2018, DN trên chưa mở tờ khai nhập khẩu và cũng chưa có văn bản từ chối nhận hàng.

Một điểm lạ là hầu hết các vụ án buôn lậu từ trước tới nay, hàng hóa đều bị kiểm tra, phát hiện khi chưa thông quan. Khi lực lượng chức năng liên hệ để xác minh thì chủ hàng có tên trên vận đơn đều từ chối nhận hàng. Vì vậy, lực lượng chức năng chỉ bắt giữ được hàng lậu, không bắt được chủ hàng.

Cách thức ngụy trang, cất giấu ngà voi được thực hiện tinh vi. Những chiếc ngà voi được cất giấu giữa các khúc gỗ rỗng ruột rồi chèn sáp, keo nhựa, cao lanh, mùn cưa… bên ngoài để tạo thành những khối đồng nhất khi đi qua máy soi chiếu, “bịt mắt” được máy soi.

Trên thị trường “chợ đen”, ngà voi đã cắt khúc ra để làm đồ trang sức, mỹ nghệ, phong thủy… giá khoảng 15-20 triệu đồng/kg. Còn ngà voi nguyên cặp đẹp giá bán lên tới cả tỷ đồng, thường được các đại gia săn tìm về trang trí trong các biệt thự riêng. Vì giá cả đắt đỏ và cũng không phải là thú chơi truyền thống, nên tại Việt Nam, ngà voi là sản phẩm không được sử dụng nhiều.

Cũng như một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ là điểm trung chuyển trong đường dây buôn lậu ngà voi xuyên quốc gia. Thực tế nhiều vụ việc do Hải quan Việt Nam bắt giữ trước đây đều liên quan đến các DN kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, nhất là tạm nhập tái xuất hàng hóa đi Trung Quốc.

Mới nhất, lúc 10h30 ngày 13/1/2019, tại khu vực Mốc 831/5 (Mốc 54 cũ), thuộc xóm Bản Mom, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Đồn Biên phòng Đàm Thủy chủ trì phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Cao Bằng đã bắt quả tang đối tượng Nông Văn Ky (SN 1993, trú tại Đội 3, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) về hành vi vận chuyển trái phép ngà voi sang Trung Quốc. Tang vật thu giữ gồm 25 chiếc ngà voi và 52 miếng ngà voi đã cắt khúc, tổng trọng lượng 51kg.

Sau khi bắt giữ đối tượng, Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã thông báo cho Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Trùng Khánh phối hợp với đơn vị tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Hiện Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã hoàn chỉnh thủ tục bàn giao người và tang vật cho Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối tượng Nông Văn Ky và tang vật vụ án

Sản phẩm chủ yếu được bán qua mạng

Ngày 27/3/2018, tổ công tác của Đội Chống buôn lậu (PC46) Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện Đinh Thị Việt Hà (SN 1987, tạm trú số18 đường Hải Triều, phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột) đang điều khiển xe máy vận chuyển một số hàng hóa nghi là ngà voi mang đi tiêu thụ nên đã tiến hành kiểm tra.

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm gồm: nhẫn, vòng đeo tay, mặt đeo cổ… với tổng khối lượng 4,7 kg nghi là làm từ ngà voi và Hà cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa này. Tiến hành kiểm tra tại nơi ở của Hà, cơ quan chức năng còn phát hiện có chứa nhiều máy móc để sản xuất ra các sản phẩm từ ngà voi và thu được thêm gần 3kg các loại sản phẩm nghi làm từ ngà voi.

Đây là một trong số ít ỏi các vụ buôn lậu trang sức làm từ ngà voi bị bắt giữ. Việc buôn bán đồ trang sức làm từ ngà voi chủ yếu được thực hiện qua mạng internet, các trang mạng xã hội.

Mặc dù, trong vòng 10 năm qua, đã có rất nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng, buôn bán và trao đổi các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam, nhưng kết quả khảo sát của Tổ chức bảo tồn ĐVHD WildAct trên mạng cho thấy, ngà voi vẫn được rao bán một cách rất công khai. Theo tổ chức Wildact, tổ chức này đã tiến hành khảo sát, phát hiện 45 tài khoản buôn bán ngà voi khác đã được phát hiện, với ước tính khoảng 35.000 sản phẩm từ voi đang được rao bán công khai.

Với nền tảng kinh doanh trên mạng miễn phí, dễ dàng liên lạc và có thể duy trì độ bảo mật danh tính, Facebook đã trở thành một thị trường mở và linh hoạt, ở đó, người mua chỉ cần đặt yêu cẩu, chuyển tiền vào tài khoản của kẻ bán và kẻ bán có thể vận chuyển những sản phẩm này qua đường bưu điện, hoặc thậm chí, sử dụng dịch vụ vận chuyển nhanh EMS và FedEx. Nhiều tài khoản buôn bán ngà voi trên Facebook là những người vừa khắc ngà voi, vừa trực tiếp buôn bán tại cửa hàng và sử dụng mạng xã hội Facebook để quảng cáo sản phẩm.

Ở Việt Nam, voi được bảo vệ theo mục IB của Nghị định 32 NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, ban hành ngày 30/3/2006 nhằm quản lý tình trạng buôn bán và sử dụng sản phẩm từ ĐVHD trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc buôn bán các sản phẩm trên mạng Internet tại Việt Nam được quản lý theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và Nghị định 52/2013/ND-CP về thương mại điện tử. Theo đó, những mặt hàng cấm buôn bán trên mạng bao gồm động, thực vật hoang dã nguy cấp được pháp luật bảo vệ. Những người vi phạm điều luật trên sẽ bị xử phạt theo điều luật áp dụng với hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại cửa hàng, cửa hiệu.

Nguồn: