Chấn chỉnh khai thác khoáng sản – Bảo vệ tài nguyên cho đời sau

ThienNhien.Net – Tỉnh Hà Giang quyết tâm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản trên địa bàn, đồng thời quyết định bảo vệ các điểm mỏ, giữ lại tài nguyên cho đời sau. Đây là tín hiệu tích cực sau thời gian dài công tác quản lý có phần bị buông lỏng.

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). (Ảnh:Mạnh Trường)
Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). (Ảnh:Mạnh Trường)

Hà Giang hiện có hơn 250 điểm mỏ, điểm khoáng sản, trong đó bốn loại khoáng sản trữ lượng lớn như quặng sắt; mangan; angtimon; chì- kẽm, nhiều điểm mỏ trữ lượng hàng triệu tấn như: mỏ quặng sắt Sàng Thần (Bắc Mê), mỏ sắt Tùng Bá (Vị Xuyên); mỏ chì – kẽm Na Sơn (Vị Xuyên)… Hầu hết điểm mỏ, điểm khoáng sản phân tán, các dự án được cấp phép khai thác quy mô nhỏ lẻ nên quản lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình, tại xã Ngọc Minh (Vị Xuyên) có nhiều điểm mỏ quặng mangan lớn nằm rải rác do bảy doanh nghiệp (DN) cùng khai khoáng. Lợi ích khai thác chưa nhiều nhưng hệ lụy đã nhãn tiền, nhất là ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân…

Ngoài ra, do tài liệu địa chất, quy hoạch khoáng sản của tỉnh chưa đủ độ tin cậy, các DN lại không chú trọng đánh giá trữ lượng nên nhiều điểm mỏ trữ lượng khoáng sản không cao, chất lượng quặng thấp; chưa kể khoáng sản rớt giá dẫn đến dự án đầu tư không hiệu quả. Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, chỉ khoảng 10 trong gần 60 dự án khai khoáng được cấp phép đang hoạt động hiệu quả, còn lại đang khai thác cầm chừng hoặc dừng hoạt động. Nhiều DN xin cấp mỏ rồi chuyển nhượng mỏ cho chủ đầu tư khác, nhiều dự án dù chưa đủ các thủ tục sau cấp phép cũng “tranh thủ” khai thác tận thu dẫn đến khó quản lý, “chảy máu” nguồn tài nguyên; đặc biệt nhiều điểm mỏ không nghiêm túc thực hiện đánh giá tác động môi trường nên khai thác gây ô nhiễm nặng, khiến người dân bức xúc.

Nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả của các dự án khai thác khoáng sản được cấp phép cũng như gìn giữ nguồn tài nguyên không tái tạo cho tương lai, từ năm 2011, tỉnh Hà Giang thành lập Ban chỉ đạo Quản lý khoáng sản và ban hành các quy định về trách nhiệm quản lý khoáng sản. Tỉnh thành lập Đoàn Kiểm tra Liên ngành, khởi đầu là lần ra quân giải tỏa dứt điểm tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép trên sông Lô đã diễn ra trong khoảng thời gian dài. Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Giang Hoàng Văn Nhu nhấn mạnh, khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, tỉnh quản lý chặt, các dự án phải nghiêm túc đánh giá tài liệu khoáng sản, hoàn thiện đủ thủ tục mới được cấp phép. Do đó, bốn năm qua chỉ có hơn 10 dự án khai khoáng được cấp phép, đây là những điểm mỏ có chủ trương cấp phép từ trước.

Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Minh Sơn của Công ty CP Đầu tư Khoáng sản An Thông. (Ảnh: noichinh.vn)
Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Minh Sơn của Công ty CP Đầu tư Khoáng sản An Thông. (Ảnh: noichinh.vn)

Nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc, tồn tại, các sở, ngành chức năng làm việc với các DN tìm biện pháp tháo gỡ. Qua rà soát, thời điểm năm 2011 có 21 dự án chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục sau cấp phép đã bị buộc dừng đầu tư, khai thác để hoàn thành thủ tục. Hầu hết các DN nghiêm túc thực hiện, tuy nhiên vẫn có bốn dự án bị thu hồi giấy phép khai thác do không hoàn thiện thủ tục trong thời gian quy định. Tỉnh cũng yêu cầu DN chấp hành nghiêm túc việc xây dựng và thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương tạm thời chưa quy hoạch và không khoanh định 175 điểm khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.

Sau những nỗ lực chấn chỉnh, hiện tại, các dự án khai khoáng cơ bản chấp hành quy định pháp luật; tuân thủ quy trình, quy phạm an toàn lao động, thiết kế mỏ và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Sự vào cuộc của các địa phương cũng khiến nạn khai thác lậu, ồ ạt chóng “hạ nhiệt”. Ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên khẳng định, “cơn sốt” khai khoáng không còn nóng bỏng, bà con không còn bất bình, bức xúc kiến nghị do huyện triển khai nhiều biện pháp “rắn”: tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các DN khai khoáng xả thải gây ô nhiễm môi trường (có trường hợp yêu cầu dừng khai thác), yêu cầu khắc phục hậu quả khi sự cố xảy ra; điều chuyển lãnh đạo xã nếu buông lỏng quản lý khai khoáng, tuyên truyền người dân không khai thác thổ phỉ, tích cực tố giác các trường hợp vi phạm, tịch thu phương tiện, tang vật khai thác lậu.

Hoạt động có hiệu quả của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế tỉnh Hà Giang: nộp gần 750 tỷ đồng tiền thuế giai đoạn 2011 – 2015 (tăng gần 700 tỷ so với giai đoạn 2005 – 2010); nhiều dự án tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Một hướng đi mới những năm gần đây chính là chủ trương của tỉnh khai thác gắn với chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị của ngành khai khoáng. Một số dự án khai thác, chế biến sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, tạo sản phẩm giá trị cao như dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất tinh quặng sắt vê viên 300.000 tấn/năm của Công ty CP Đầu tư Khoáng sản An Thông; dự án sản xuất Fero Mangan công suất 10.000 tấn/năm của Công ty TNHH Ban Mai… góp phần làm đổi thay “bộ mặt” công tác khai khoáng vốn dĩ ít ỏi điểm sáng trước đây.