Việt Nam đang thiếu năng lượng

ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh nguy cơ thiếu năng lượng đang hiển hiện dù mức sử dụng của nước ta còn thấp so với các nước, điện mới bằng nửa bình quân thế giới về số kWh, số dầu quy đổi mới bằng 20% bình quân thế giới. Có thể thấy, nhu cầu về năng lượng cho phát triển còn dài nhưng nguồn năng lượng đã thiếu…

Việt Nam cần tính đến năng lượng cho tương lai 50-100 năm nữa. (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn Online)
Việt Nam cần tính đến năng lượng cho tương lai 50-100 năm nữa. (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn Online)

Chặng đường đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước còn rất dài nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp đã cạn. Việt Nam đang thiếu năng lượng dù mức sử dụng năng lượng hiện nay còn thấp. Năm 2014, điện mới đạt gần 1.500kWh, cao hơn bình quân của châu Á nhưng mới bằng một nửa bình quân của thế giới về kWh điện. Lượng dầu quy đổi cũng chỉ bằng 20% bình quân dầu thế giới.

Trữ lượng dầu mỏ của thế giới chỉ có thể đủ để sử dụng trong 53 năm. Đá phiến chưa được tính đến nhưng trữ lượng cũng không lớn bởi bản chất nó vẫn là năng lượng hóa thạch. Khí cũng chỉ khoảng 70 năm. Uranium cũng chỉ khoảng 73 năm. Than tính là 200 năm nhưng con số này không còn chính xác, bởi phải tính được rủi ro khi thế giới thống nhất kiểm soát phát thải.

Ở nước ta, sử dụng than trong cơ cấu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, thủy điện và các dạng năng lượng khác ngày càng giảm. Vì vậy, tỷ lệ phát thải ngày càng lớn, tính riêng tỷ lệ phát thải của nhiệt điện than đến 2030 đã có thể lên đến 400 triệu tấn CO2, trong khi hiện nay đang phát thải dưới 4,5 tấn CO2/người, dưới mức bình quân thế giới.

Việt Nam không nằm trong danh mục buộc phải cắt giảm khí thải của Hiệp định Kyoto, nhưng tương lai sẽ rơi nhanh vào danh mục này vì không có năng lực giảm thải.

Theo ước tính, trữ lượng dầu khí có khoảng 3,8 tỷ – 4 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó lượng xác minh được mới có 1 – 1,1 tỷ tấn. Năm 2014, năm đầu tiên Việt Nam đã khai thác dầu từ thế giới đưa về nước 1,84 triệu tấn. Tới đây, sẽ phải tăng lên 5 – 7 triệu tấn vì trong nước đang thiếu.

Khí cũng tương tự, chỉ khoảng 14-15 tỷ m3/năm. Trước đây, chúng ta từng đưa vào quy hoạch điện 20 tỷ m3/năm, nhưng năm nay chỉ thu được 10 tỷ m3 và năm cao nhất, cũng chỉ được 14-15 tỷ m3/năm. Đến nay, theo số liệu của các nhà địa chất thì chưa có gì đột biến, dù chỉ mới khai được 1% trên 1 triệu km2 ở thềm lục địa.

Thủy điện về lý thuyết là 300 tỷ kWh nhưng thực tế khai thác chỉ khoảng 80-82 tỷ kWh. Ích lợi của thủy điện rất lớn, có cả lợi ích đa mục tiêu nhưng cũng có tác động trái chiều nên buộc phải chia sẻ lợi ích ấy với các mục tiêu khác. Ví dụ, khi thiếu nước, các hồ thủy điện phải vận hành theo

Quy trình liên hồ chứa mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, phải dành nước cho sinh hoạt, phải bảo đảm dòng chảy, môi trường cho hạ du. Như vậy, các nguồn thủy năng dành cho năng lượng giảm đi và thủy điện phải chấp nhận.

Với cơ cấu như vậy, Việt Nam đang thiếu điện nên phải đẩy các dạng năng lượng tái tạo lên. Nhưng điện gió hiện nay mới có 30 ngàn MW dù theo dự báo lý thuyết của Mỹ có khoảng 500 ngàn MW. Ngay cả khi chúng ta phấn đấu đến 2020 có 1000MW và 2030 có 6.200MW thì cũng chỉ đóng góp khoảng 18 – 19 tỷ kWh.

Điện từ phụ phẩm nông nghiệp từ bã mía, trấu, gỗ khoảng 300MW. Điện từ rác khoảng 200MW. Điện từ thủy triều khoảng 30 triệu kWh. Điện từ mặt trời khoảng 1.800MW, song tỷ trọng này cũng rất thấp.

Việt Nam cần tính đến năng lượng cho tương lai 50-100 năm nữa nhưng chỉ có hai cách: nhập khẩu ngay hay đợi cạn kiệt mới đi mua. Nhằm chủ động năng lượng cho tương lai, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt việc đẩy sớm nhập khẩu khí Energy. Tuy nhiên, việc nhập khẩu năng lượng cũng không đơn giản.

Giá khí cao, khoảng 19 – 20 USD/triệu BTU và không dễ mua bởi cân đối năng lượng chung của cả thế giới có vấn đề, thiếu năng lượng trong khi chưa có nguồn năng lượng mới.

Theo Quy hoạch phát triển ngành than ban hành theo Quyết định số 60/QĐ-TTg, sản lượng than thương phẩm đạt cao nhất vào năm 2030 khoảng 75 triệu tấn đang được Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) xem xét điều chỉnh giảm 20 triệu tấn.

Nhưng ngay cả khi quy hoạch được điều chỉnh, ngành than vẫn phải nhập khẩu 80 triệu tấn, mà việc nhập 80 triệu tấn than không hề đơn giản. Bảo đảm nguồn than cho phát triển đất nước trở thành nhiệm vụ trọng yếu nhưng đến nay, ngành than mới ký được hợp đồng 9 – 12 triệu tấn, trong khi khai thác khó khăn do các mỏ than ngày càng sâu trong lòng đất, khí nhiều, nước nhiều, áp lực mỏ lớn.

Theo Quy hoạch 60, dự án bể than Đồng bằng sông Hồng đã quyết định đi hướng Thái Bình – Tiền Hải và đang triển khai công tác thăm dò tìm kiếm, đánh giá trữ lượng, tìm kiếm đối tác để thực hiện thí điểm công nghệ khai thác khí hóa than ngầm. Đây là hướng mở cho bảo đảm năng lượng nhưng cần thúc đẩy nhanh hơn.

Dự án điện hạt nhân đang triển khai rất khẩn trương nhưng cũng không thể đốt cháy giai đoạn bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột. Một là luật pháp phải đầy đủ, bởi Việt Nam chuyển từ quốc gia không có điện hạt nhân sang quốc gia có điện hạt nhân. Thứ hai, đào tạo nhân lực phải trước.

Thứ ba xây nhà máy. Phát triển điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho dự án, không thể đẩy nhanh điện hạt nhân thay cho giải pháp năng lượng.