Khi dân ngán thủy điện

ThienNhien.Net – Chỉ một thời gian ngắn ngủi trong “cơn sốt” thủy điện vừa và nhỏ, hiện nay trên tỉnh địa đầu Tổ quốc Hà Giang đã có 72 dự án thủy điện lớn, nhỏ được phê duyệt. Nhiều nhà máy trong các dự án này đã đi vào hoạt động, nhưng người dân ở các vùng có thủy điện chưa kịp mừng thì đã lo, vì các khoản nợ về thủy điện của các nhà máy này tăng nhanh trong đó đáng chú ý nhất là việc nợ về tiền dịch vụ môi trường. Hậu quả của nó làm người dân đã khó càng khó thêm. Nhiều nơi cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ mọc lên nhưng người dân chưa được hưởng lợi. (Ảnh: Hà Giàng)
Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ mọc lên nhưng người dân chưa được hưởng lợi (Ảnh: Hà Giàng)

Nơm nớp lo toan

Là một tỉnh có tiềm năng về sông suối và lợi thế về độ dốc, như nhiều tỉnh thành khác ở khu vực miền núi phía Bắc, Hà Giang cũng nhanh chóng trở thành tỉnh được những người làm thủy điện nhòm ngó đến, trong đó có rất nhiều đại gia, các tổng công ty và công ty đến từ Hà Nội. Từ việc tìm hiểu, lên kế hoạch và làm hồ sơ, cũng như “cơn sốt” thứ hai khai khoáng dạo nào, được các ban ngành ủng hộ, thủy điện cũng đã nhanh chóng trở thành “cơn sốt” với tỉnh này.

Thực ra hệ lụy từ điện và thủy điện trên vùng đất này trước đó không được người dân quan tâm lắm. Mỗi khi có một thủy điện nào đó được phê duyệt thì người dân luôn chấp hành tốt các chủ trương như nhường rừng, nhường nương, nhường ruộng và thậm chí nhường cả nhà cho thủy điện. Người ta hy vọng những việc làm này sẽ giúp tỉnh giàu lên và dân sẽ mạnh dần. Nhưng khi các thủy điện bắt đầu tích nước, mở dòng và phát điện thì nhiều nơi cuộc sống người dân đã bị đảo lộn.

Cách đây 2 năm, nhiều hộ dân người Nùng ở xã Ngán Chiên huyện Xín Mần bỗng nhiên náo loạn về hậu họa của điện. Tìm hiểu được biết, cách đó nhiều năm, một công ty lạ hoắc, mãi tít dưới Hà Nội, có tên là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Sông Đà 5 đã lên đây thực hiện Dự án Thủy điện sông Chảy 5. Dự án này cũng được người dân ủng hộ lắm. Người ta hy vọng rằng chả mấy nữa, nước suối sẽ cho điện, nhà nước có cái thu còn người dân có cái để thắp sáng những căn nhà tối tăm của mình.

Nhưng niềm vui của họ chưa thành hiện thực thì hậu họa đã tới khi dự án này chính thức tích nước. Băng-giôn khẩu hiệu được căng lên, lãnh đạo nhiều ban ngành có mặt để khai trương, bắt tay và liên hoan thì ngay sau đó người dân đã phải đối mặt với những khó khăn của mình.

Đất nhão ra thành bùn và dẫn tới sạt lở. Những sạt lở mang tính kế tiếp nhau này đã đem đến sự biến mất của nhiều diện tích ruộng nương, vườn rừng của nhiều nơi trong khu vực xã Ngán Chiên. Tập trung lớn nhất của sự mất ruộng và sạt lở này phải kể đến 2 thôn là Na Mở, Ta Hạ. Chỉ trong một thời gian tích nước ngắn ngủi, đã có 3,5 ha ruộng của các hộ dân nơi nghèo khó này đã vĩnh viễn bị chôn trong lòng đất, không thể khắc phục nổi. Để an toàn, nhiều nhân khẩu nơi đây cũng phải di dời khẩn cấp, nhiều mồ mả của các hộ gia đình cũng vĩnh viễn bị đất vùi!

Không chỉ có dân, nhiều công trình nhà nước tại đây cũng bị ảnh hưởng mà trong đó không thể không kể đến Tỉnh lộ 177. Thủy điện tích nước, gây ra những hiện tượng bất thường, đã làm cho nhiều đoạn bị sạt lở, gây mất an toàn giao thông cho nhiều loại phương tiện cũng như cuộc sống người dân. Nhiều người bức xúc: Chưa biết cái thủy điện này đã cho tỉnh được cái gì nhưng hiện tại nó đang “ăn” của dân nhiều thứ quá!

Điện và thủy điện đang là nỗi lo của không ít người, (Ảnh: Hà Giang)
Điện và thủy điện đang là nỗi lo của không ít người Hà Giang

Dân thành con nợ

Khi chưa có thủy điện và chưa có “cơn sốt” về thủy điện ở mảnh đất Hà Giang, nhiều cánh rừng, nhiều diện tích đất đai nơi đây vốn được người dân coi như báu vật. Đất đai canh tác được người dân quý trọng và thực tế đã đem đến cho họ những nguồn mưu sinh và thu nhập. Nhưng từ khi có thủy điện, nhiều diện tích rừng, đất canh tác đã bị mất đi để nhường phần cho thủy điện. Tuy nhiên sự đánh đổi này đã nhanh chóng biến người dân trở từ vai trò làm chủ thành… con nợ.

Ước tính, để có nước cho các thủy điện hoạt động, đã có gần 90.000 hộ dân vùng phên dậu Tổ quốc tham gia bảo vệ rừng thuộc các lưu vực các nhà máy thủy điện. Việc tham gia bảo vệ rừng của người dân này đã góp phần điều tiết, cung cấp nước cho các nhà máy. Hàng chục nhà máy đã đi vào hoạt động, với rất nhiều lợi nhuận được thu về, nhưng có một điều trớ trêu là hiện nay rất nhiều người dân bị các nhà máy thủy điện biến thành con nợ trên chính mảnh đất của mình.

Huyện Quản Bạ của Hà Giang cũng là mảnh đất lý tưởng để cho các nhà làm thủy điện tìm tới. Trong các thủy điện được cấp phép tại đây thì Thủy điện Thái An là một nhà máy có tên tuổi, với công suất lắp máy lên đến 82 mê-ga-oát. Nhưng có một nghịch lý đang xảy ra tại đây là khi nhà máy đã có lợi nhuận về điện, do dòng nước từ những cánh rừng do dân bảo vệ tham gia trồng và bảo vệ thì hiện nay nhà máy này đang… quên dân. Chỉ tính riêng trong vòng 2 năm gần đây, nhà máy này đã nợ tiền dịch vụ môi trường của dân lên đến trên 15 tỷ đồng. Thủy điện muốn có điện thì phải cần nước, mà muốn có nước thì phải có rừng, để có rừng, có nước và có điện, hơn 9.000 hộ dân của huyện Quản Bạ và một phần dân huyện Yên Minh đã phải ngày đêm bỏ công, bỏ sức ra để bảo vệ 25,3 nghìn ha rừng. Tuy nhiên, khi đã có thu, nhà máy đã quên dân và không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ dịch vụ môi trường với họ.