Mỏi mòn chờ vốn bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Theo Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 51/2012/TT-BNNPTNT ngày 19/10/2012 của Bộ NN-PTNT, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được Nhà nước đầu tư kinh phí bảo vệ 200.000 đồng/ha/năm.

Cuộc sống của hàng trăm lao động hợp đồng phụ thuộc vào tiền BVR
Cuộc sống của hàng trăm lao động hợp đồng phụ thuộc vào tiền BVR

Đây là nguồn chính để các đơn vị BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nông-lâm trường ở Nghệ An chi trả lương, đóng bảo hiểm và nâng cao đời sống cho lao động hợp đồng.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, nguồn đầu tư này chi trả muộn khiến các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, gần 400 lao động sống lay lắt. Một số đơn vị nợ lương, nợ bảo hiểm hoặc vay tiền ngân hàng để trang trải…

BQL Rừng phòng hộ Thanh Chương tiền thân là Lâm trường Thanh Chương hiện có 62 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 14 định biên hưởng lương từ ngân sách. Số còn lại do đơn vị tự trang trải lương, bảo hiểm xã hội. Số lao động hợp đồng này có thâm niên công tác cao do chuyển từ công nhân lâm trường sang.

Tuy nhiên, nguồn chính để chi trả chế độ từ nhiều năm nay lại chỉ phụ thuộc vào tiền bảo vệ trên 16.500ha rừng. Ngoài ra, có trên 5.000ha rừng tự nhiên là rừng SX chưa được giao cho các đối tượng cũng do lực lượng lao động hợp đồng này bảo vệ nhưng không có kinh phí từ hàng chục năm nay.

Ông Lê Phùng Thiều, Trưởng BQL rừng phòng hộ Thanh Chương cho biết: “Đây là những lao động hợp đồng nằm trong chỉ tiêu của UBND tỉnh, lại có thâm niên công tác, hệ số lương cao hơn ở các đơn vị khác. Dù khó khăn đến đâu cũng phải bằng mọi cách đảm bảo lương, đời sống cho anh chị em. Những năm trước, khoảng tháng 3 – 4 là đã có nguồn kinh phí BVR “rót” về.

Nhưng năm nay, đến giữa tháng 7, nguồn này vẫn chưa có nên đời sống anh em công nhân rất khó khăn. Với tổng kinh phí bảo vệ rừng được duyệt khoảng trên 3,2 tỷ đồng, chi cho lương, bảo hiểm, đời sống anh chị em hợp đồng cũng tạm đủ. Nhưng nay chưa có nguồn, ban đã phải vay trên 600 triệu đồng tại ngân hàng để trang trải. Lãi suất được trả từ nguồn tiền lãi SX cây giống nhưng cũng không ăn thua; tiền gốc thì đang chờ ngân sách rót về. Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài tháng thì đời sống công nhân sẽ rất khó khăn”.

Theo tính toán của ông Thiều, nếu tính lương bình quân của lao động hợp đồng 5 triệu đồng/người thì mỗi tháng, đơn vị phải trả cho người lao động trên 200 triệu đồng bao gồm tiền lương, bảo hiểm, hỗ trợ đời sống. Vì vậy, số tiền vay từ ngân hàng chưa đủ trả tiền lương 3 tháng cho lao động hợp đồng.

Tình cảnh tại BQL rừng phòng hộ Anh Sơn cũng không kém phần bi đát. Trong số 30 lao động hợp đồng thì chỉ có 5 lao động phụ trách vườn ươm là có thể tự trang trải từ nguồn thu này. Còn lại 25 lao động, từ đầu năm đến nay chưa được nhận một đồng lương nào.

Ông Nguyễn Tất Hòa, Trưởng BQL rừng phòng hộ Anh Sơn cho biết: “Tổng số tiền nợ lương, bảo hiểm đã lên đến trên 800 triệu đồng. Biết là anh em đang rất cơ cực nhưng không có tiền thì đành chịu. Nếu vay ngân hàng không biết sẽ lấy gì để chi trả tiền lãi suất. Chẳng lẽ, đến khi nhận tiền BVR lại bắt anh em trích lương ra để trả? Chúng tôi thường xuyên làm công tác tư tưởng, ổn định tinh thần cho lao động nhưng không biết còn cầm cự được đến khi nào? Hy vọng sẽ sớm được cấp tiền ngân sách”.

Theo Sở NN-PTNT Nghệ An, toàn tỉnh có trên 91.000ha rừng được đầu tư kinh phí BVR theo Quyết định 57 và Thông tư 51. Diện tích này phân bố ở hầu khăp các huyện với tổng kinh phí BVR tương đương gần 20 tỷ đồng/năm. Với những đơn vị có nguồn thu khác như dịch vụ môi trường rừng hay nguồn thu từ khai thác nhựa thông thì đời sống của lao động hợp đồng còn được đảm bảo, còn những đơn vị chỉ có tiền BVR thì đời sống rất chật vật.