Xã hội hóa quản lý tài nguyên rừng – bài toán dang dở

ThienNhien.Net – Bắt đầu từ những năm 1990, cùng với việc thay đổi cơ chế quản lý kinh tế của nhà nước, nền lâm nghiệp chuyển đổi dần từ hình thức quản lý tập trung sang xã hội hóa. Tuy nhiên, cho đến nay mục tiêu xã hội hóa ngành lâm nghiệp cũng chỉ đạt được nửa vời khi mà quyền của cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân trong quản lý tài nguyên rừng vẫn còn hạn chế. Có thể ví von rằng, thể chế quản lý tài nguyên rừng hiện tại như một chiếc áo chật chội đang trùm lên một cơ thể dậy thì hừng hực khí thế phát triển.

Bàn luận về phân quyền trong quản lý tài nguyên rừng hiện nay, trước hết phải hiểu rằng, là chủ sở hữu nên Nhà nước có đủ 3 quyền đối với rừng, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Với quyền chiếm hữu, chủ sở hữu nhà nước được nắm giữ, quản lý và thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ tài sản hoặc uỷ quyền cho người khác chiếm hữu tài sản đó. Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu tài sản đó qua các hình thức bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, cho thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với cộng đồng, Nhà nước chỉ giao quyền chiếm hữu và quyền sử dụng, tức là quyền quản lý, và quyền hưởng dụng hoa lợi cho mục đích công cộng và gia dụng cho các thành viên trong cộng đồng. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, cho đến thời điểm này thì địa vị pháp lý của chủ rừng là cộng đồng chưa được chính thức công nhận như một chủ thể pháp lý (Luật Dân sự 2005).

Tại Khoản 4, Điều 3, Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng (BV&PTR) có ghi: “Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất để trồng rừng, cho thuê đất để trồng rừng, công nhận quyền sử dụng rừng, công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác”. Điều này có thể hiểu Luật này cũng chưa công nhận rõ ràng cộng đồng dân cư thôn là chủ rừng. Tại Mục 3, Điều 29 và 30 của Luật BV&PTF cũng nhắc đến hoạt động giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn bản, nhưng cộng đồng không có các quyền như chủ rừng khác: không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao. Cộng đồng được giao rừng cũng không được vay vốn của nhà nước như các chủ rừng khác trong khi chính sách hưởng lợi từ rừng lại không rõ ràng và không khả thi.

Ảnh: Nguyễn Đức Tố Lưu/PanNature
Ảnh: Nguyễn Đức Tố Lưu/PanNature

Đối với hộ gia đình, cá nhân, Nhà nước đã trao quyền chiếm hữu tài sản rừng, phù hợp với mục đích sử dụng rừng đã được xác định (đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất); trao quyền sử dụng rừng, tức quyền được khai thác, sử dụng rừng, tận thu lâm sản; và giao một phần lớn quyền định đoạt về rừng như: quyền chuyển chuyển đổi, để thừa kế (đối với rừng phòng hộ), và đối với rừng sản xuất còn thêm các quyền chuyển nhượng, quyền tặng cho, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng và giá trị quyền sử dụng rừng tăng thêm đối với rừng tự nhiên;Nhà nước chỉ giữ lại quyền bán tài sản rừng.

Thực tế, quyền sử dụng rừng của hộ gia đình và cá nhân còn hạn chế và không thường xuyên; bởi lẽ cũng như rừng được giao cho các cộng đồng, rừng giao hộ gia đình và cá nhân cũng là những diện tích rừng nghèo kiệt, ít trữ lượng, không mang lại lợi ích đáng kể. Thậm chí nếu có thể khai thác nguồn lợi thì các quy định khai thác gỗ từ rừng tự nhiên cũng không khả thi đối với các đối tượng này do thủ tục quá phức tạp và nhiêu khê. Việc nhận được hỗ trợ đầu tư trồng rừng của các chương trình, dự án chỉ nhỏ giọt 1-3 năm đầu tiên, trong khi đó cây trồng lại có chu kỳ kinh doanh quá dài; việc nhận khoán với giá trị 50.000 đồng/năm/ha nhưng diện tích mỗi hộ gia đình, cá nhân thì quá ít ỏi nên thu nhập chẳng là bao.

Quyền hưởng lợi này nếu bị xâm phạm thì cũng ít được chính quyền, toà án quan tâm bảo hộ, nhất là đối với lâm sản ngoài gỗ. Đó là chưa kể đến việc quy định quyền sử dụng rừng tự nhiên của hộ gia đình, cá nhân hẹp hơn so với quyền sử dụng đất. Nghĩa là, họ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng lại không được chuyển nhượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất trên mảnh đất đó, trong khi rừng luôn gắn liền với đất, đất rừng cũng là một yếu tố cấu thành của rừng.

Như vây có thể thấy rằng, khác với nông nghiệp, mặc dù hộ gia đình, cá nhân được giao đất giao rừng với những quyền hạn khá rộng rãi nhưngvẫn chưa tạo được động lực để họ phát triển sản xuất lâm nghiệpnhư khi họ được giao đất nông nghiệp. Chỉ khi nào quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng được giao có đóng góp quan trọng vào thu nhập của hộ gia đình thì khi đó người dân mới gắn bó với rừng được giao; các quyền chiếm hữu rừng và một phần lớn quyền định đoạt đối với rừng được giao chỉ có ý nghĩa khi nó làm tăng thêm quyền hưởng thu hoa lợi từ rừng cho họ; khi đó người dân mới thực sự làm chủ rừng.

Tóm lại, có thể nói rằng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa chấp nhận tài nguyên rừng là tài sản, nên các chính sách về giao rừng, cho thuê rừng thường đáp ứng mục tiêu bảo vệ tài nguyên rừng hơn là bảo hộ tài sản của chủ thể nhận rừng. Thêm vào đó, mặc dù đã có sự phân quyền từ Nhà nước cho các nhóm cộng đồng, cá nhân và hộ gia đình đã được luật hóa, nhưng quyền hưởng lợi chính đáng từ tài nguyên rừng khi họ tham gia quản lý lại chưa xác định rõ ràng nên hiệu quả từ việc xã hội hóa công tác quản lý tài nguyên rừng vẫn còn là bài toán dang dở.

Nguyễn Đại Anh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa thiên Huế