UBTVQH bổ sung cho 2 dự thảo luật

ThienNhien.Net – Chiều 15/04, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) và Luật An toàn thực phẩm (ATTP).


Điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện dự thảo Luật SDNLTK&HQ

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc ban hành dự thảo Luật SDNLTK&HQ là rất cần thiết trong tình hình thiếu hụt năng lượng hiện nay.

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ các điều khoản trong dự thảo Luật, các thành viên cho rằng có khá nhiều quy định trong dự thảo Luật mặc dù hoàn toàn đúng và cần thiết về lý thuyết nhưng lại rất khó thực hiện trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay.

Cụ thể, trong dự thảo Luật quy định cần phải dán nhãn năng lượng và tiết kiệm năng lượng cho phương tiện, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng; loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả thấp; hay như trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải là chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện loại bỏ các phương tiện giao thông vận tải quá thời hạn sử dụng, không đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu; giảm thiểu ùn tắc giao thông nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường…

Theo các thành viên UBTVQH, nếu thực hiện nghiêm túc những quy định này thì trong nhiều năm tới sẽ có rất nhiều máy móc, thiết bị phải thanh lý và điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải mất nhiều chi phí để mua phương tiện, máy móc thay thế. Hoặc như nếu quy định dán nhãn tiết kiệm năng lượng lên các phương tiện, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng thì sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề như: liệu có quá nhiều nhãn dán trên một sản phẩm hay không (vì trên sản phẩm còn có nhiều loại nhãn khác), kiểm soát tình trạng nhãn giả ra sao, nhãn dán năng lượng và nhãn dán tiết kiệm năng lượng khác nhau như thế nào…

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đây là một dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rất rộng, hơn nữa các quy định trong dự thảo Luật có thể bắt buộc sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nhưng cũng có thể kêu gọi, khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng. Vì thế, Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung để dự thảo Luật hoàn thiện hơn. Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được xem xét, thông qua ở kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Vi phạm ATTP, phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa

Liên quan đến Luật An toàn thực phẩm (ATTP), các đại biểu đã tập trung thảo luận về quy định liên quan đến thực phẩm biến đổi gen, cơ quan quản lý và mức xử đối với thực phẩm hàng hoá vi phạm…

Về cơ quan quản lý, dự luật chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khác với trước đây thường bị phân tán cho nhiều cơ quan cùng quản lý. Riêng lực lượng thanh tra chuyên ngành nên thuộc về Bộ Y tế.

Về thực phẩm biến đổi gen, UBTVQH nhất trí quy định, thực phẩm biến đổi gen hoặc nguyên liệu thực phẩm biến đổi gen phải được ghi rõ trên nhãn dòng chữ “biến đổi gen” và tỉ lệ biến đổi gen. Việc quy định ghi nhãn cụ thể đối với từng thực phẩm biến đổi gen sẽ do Chính phủ quy định, có thể linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với trong nước và quốc tế.

Đáng lưu ý, dự luật lần này bổ sung hẳn một chương (Chương XI) về quy định xử lý vi phạm pháp luật và bồi thường thiệt hại về ATTP. Theo đó, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ.

Dự luật cũng quy định người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi thực phẩm gây hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không đảm bảo ATTP. Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không đảm bảo ATTP.

Cũng tại cuộc họp, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm đã có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng sản phẩm hộp xốp chứa đựng thực phẩm, một vấn đề được báo chí phản ánh khá nhiều trong những ngày gần đây. Theo đó, người dân chỉ nên sử dụng hộp xốp, hộp nhựa chứa đựng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại hộp xốp chứa đựng thực phẩm chỉ dùng một lần. Đặc biệt, không dùng hộp xốp chứa đựng các loại thức ăn, đồ uống nóng trên 100°C, nhất là các loại thức ăn chiên nóng hay đồ uống chua.