Đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP: Còn chờ thông tư hướng dẫn

ThienNhien.Net – Từ ngày 5/12/2015, Nghị định số 105/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường bắt đầu có hiệu lực. Đây là văn bản pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát môi trường từ trước đến nay. Tuy nhiên, do chưa có Thông tư hướng dẫn nên việc thực thi pháp luật của lực lượng chuyên trách này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP).

Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý

Nhìn lại thời điểm 29/11/2006 – ngày Bộ Công an ban hành Quyết định số 1899/2006/QĐ-BCA(X13) về việc thành lập Cục Cảnh sát môi trường trực thuộc Tổng cục Cảnh sát. Khi ấy, Cục Cảnh sát môi trường chỉ có 19 cán bộ làm việc trong điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn. Ngoài nhiệm vụ sơ lược được phác thảo là “phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về môi trường theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng; hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số hoạt động điều tra theo pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và xử lý các vi phạm quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”, chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, qui chế hoạt động, trình tự, thủ tục công tác…. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao, cán bộ Cảnh sát môi trường phải linh động và mềm dẻo trong quá trình công tác. Đơn cử, do chưa có chức năng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, cán bộ Cảnh sát môi trường sau quá trình trinh sát phát hiện ra vi phạm phải phối hợp với lực lượng thanh tra môi trường tiến hành kiểm tra, xử lý.

Phải đến ngày 04/02/2010, sau khi lực lượng Cảnh sát môi trường đã hoàn thiện bộ máy từ Trung ương (cấp Cục) xuống các địa phương (cấp Phòng) và đã đấu tranh thành công một số chuyên án lớn như: vụ Vedan, vụ buôn bán chất thải y tế tại 12 bệnh viện lớn tại Hà Nội, vụ 23 công ty thuộc Tổng công ty điện lực Việt Nam bán chất thải nguy hại (dầu PCBs trong máy biến thế, tụ điện cũ), vụ 80/281 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép tại Quảng Ninh…; Bộ Công an mới ban hành Quyết định 449/QĐ-BCA, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, thay thế Quyết định 1899/2006/QĐ-BCA(X13). Sau đó, ngày 08/7/2010, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 72/2010/NĐ-CP quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Từ đây, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các biện pháp nghiệp vụ của Cảnh sát môi trường mới được luật hóa và trở nên rõ ràng, cụ thể.

Theo Nghị định 72 và Quyết định 449, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường có nhiệm vụ, quyền hạn như sau: hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường của các tổ chức, cá nhân; khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường được quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, giải trình những vấn đề liên quan để làm rõ những hành vi vi phạm đó. Ngoài ra, lực lượng được sử dụng khoa học công nghệ, phương tiện kỹ thuật để theo dõi, giám sát, thu thập thông tin về hoạt động của các đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường; kiểm tra chỗ ở, nơi làm việc, phương tiện giao thông và các địa điểm khác có liên quan mà người có dấu hiệu phạm tội về môi trường sử dụng…

Ảnh minh họa: enternews.vn
Ảnh minh họa: enternews.vn

Từ khi có Nghị định 72 và Quyết định 449 (sau này được thay thế bằng Quyết định 2439/2015/QĐ-BCA) cùng một số quy định liên quan tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật xử lý VPHC năm 2013, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Thông tư 56/2012/TT-BCA…, lực lượng Cảnh sát môi trường đã có “hành lang pháp lý” khá đầy đủ để hoạt động. Tuy nhiên, trong lĩnh vực ATTP và tài nguyên khoáng sản, vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến phạm vi mà Cảnh sát môi trường được phép kiểm tra, xử lý. Chẳng hạn: theo Quyết định 449, Cảnh sát môi trường chỉ được xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường (nước thải, rác thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung), chứ không có quyền xử lý các hành vi vi phạm khác thuộc các lĩnh vực ATTP, tài nguyên khoáng sản như: sản xuất, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP; vi phạm trong thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, khoáng sản, biển, hải đảo… Hoặc tại Nghị định 72/2010, tuy cho phép Cảnh sát môi trường được kiểm tra chỗ ở, nơi làm việc, phương tiện giao thông có liên quan mà người phạm tội về môi trường sử dụng, được quyền tạm giữ người, tang vật, phương tiện vi phạm nhưng chỉ đề cập khái quát, chưa rõ quy trình và thẩm quyền người ban hành quyết định cũng như quy trình, các bước, biểu mẫu kiểm tra đối với cá nhân, tập thể có vi phạm. Chỉ đến khi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 ra đời và khi Bộ Công an ban hành Thông tư 56/2012 quy định chi tiết trình tự, thủ tục, biểu mẫu kiểm tra đi kèm khi tiến hành kiểm tra một cơ sở vi phạm về môi trường thì các quyền kể trên mới được thực thi và phát huy hiệu quả.

… đến những khó khăn hiện tại

Ngày 23/12/2014, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (hiệu lực thi hành từ 05/6/2015) và Nghị định số 105/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (hiệu lực thi hành từ 05/12/2015) lần lượt được ban hành. Hai văn bản này được kỳ vọng sẽ là một “bước ngoặt” cho hoạt động của Cảnh sát môi trường, một bước luật hóa cao hơn, đầy đủ hơn những văn bản pháp quy trước đó.

Điểm mới cơ bản của Nghị định 105 so với các văn bản trước nằm tại Điều 3, 6, 7 và 9 với nội dung quy định về thẩm quyền kiểm tra của Cảnh sát môi trường. Giờ đây, Cảnh sát môi trường không chỉ được xử lý vi phạm về môi trường trong lĩnh vực ATTP và tài nguyên khoáng sản mà còn được xử lý cả các vi phạm khác trong quá trình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng, biến đổi gen, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; xử lý vi phạm trong hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Quyền hạn của Cảnh sát môi trường cũng được quy định cụ thể hơn, thực chất là được tập hợp, chỉnh lý lại từ Thông tư 56 và Luật xử lý vi phạm hành chính 2013, bao gồm: quyền yêu cầu cơ sở bị kiểm tra hành chính về môi trường, ATTP, tài nguyên cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính; quyền yêu cầu các đối tượng bị kiểm tra giải trình về những hành vi có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính; quyền tiến hành kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm về môi trường, tài nguyên, ATTP.

Tuy nhiên, theo các cán bộ Cục Cảnh sát môi trường, vướng mắc lớn nhất hiện nay là sau gần 4 tháng Nghị định 105 có hiệu lực, Bộ Công an vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về quy trình, trình tự, thủ tục tiến hành việc kiểm tra vi phạm hành chính và các biểu mẫu liên quan trong quá trình xử lý vi phạm về ATTP. Đây là lý do cơ bản khiến Cảnh sát môi trường chưa thể chủ trì việc kiểm tra hành chính về lĩnh vực ATTP. Ngoài ra, một số khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất của các đơn vị trực thuộc lực lượng Cảnh sát môi trường như: không có trụ sở riêng biệt, không có nhà kho để chứa tang vật vi phạm, phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm… cũng rất đáng lưu tâm. Đây là trở ngại không hề nhỏ và nó sẽ trở thành vấn đề rất lớn khi Cảnh sát môi trường chính thức được giao quyền trực tiếp chủ trì việc kiểm tra, bắt giữ hàng hóa vi phạm về ATTP và tài nguyên khoáng sản.

Đại úy Tạ Yên Bình, Cán bộ Cục Cảnh sát PCTP về môi trường

Nguồn: