Dự thảo Luật TN-MT biển và hải đảo: Chưa thuyết phục…

ThienNhien.Net – Cuối giờ chiều 27/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo. …

Dự án luật này lần đầu tiên được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật nên có nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến.

Quốc hội tán đồng việc cần thiết phải ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, do là lần đầu soạn thảo nên nhiều ĐBQH nhận thấy có một số nội dung trong dự thảo còn chung chung. Có nội dung trùng lắp với Luật TN-MT và Luật Biển Việt Nam.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị sửa tên gọi của luật này là Luật Tài nguyên, môi trường biển. “Tại sao lại thêm chữ và hải đảo”? – ĐB Nghĩa đặt câu hỏi. ĐB Nghĩa cho rằng chữ biển là đầy đủ, bao hàm tất cả rồi. Chứ thêm cái đuôi “và hải đảo” thì sẽ còn thiếu nhiều lắm.

Theo ĐB Nghĩa đã không liệt kê “phạm vi vùng trời, vùng biển, các đảo, quần đảo” thì thôi. Còn đã liệt kê như vậy thì nhất thiết phải bổ sung “đá, các bãi đá và các kiến tạo địa chất thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam. Vì trong biển không chỉ có đảo và hải đảo mà còn có đá và bãi đá. Những thứ đó cũng là tài sản và là chủ quyền quốc gia”.

Không đi sâu vào các nội dung điều khoản của dự thảo luật đang được thảo luận, ĐB Bùi Thị An (TP Hà Nội), kiến nghị Chính phủ nên giao Bộ TN-MT trực tiếp quản lý về vấn đề tài nguyên biển đảo. Quan điểm của ĐB An là cần tập trung một đầu mối để thống nhất quản lý và nâng cao trách nhiệm.

ĐB Bùi Thị An còn đề nghị Chính phủ giao cho Bộ TN-MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiến hành đánh giá, tập hợp các dữ liệu về thông số liên quan đến biển Việt Nam. Lập tất cả những thông số đó đưa vào một hệ thống ngân hàng dữ liệu. Khi đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề liên quan đến biển chúng ta chỉ việc vào ngân hàng dữ liệu này.

Đề cập đến những nội dung trong dự thảo luật còn chung chung, các ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Đỗ Ngọc Nhiên (Bình Thuận) đề nghị ban soạn thảo rà soát lại để làm rõ để khi ban hành luật sớm đi vào cuộc sống.

ĐB Trần Văn Minh cho rằng, về phân cấp ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển quy định như trong dự thảo là chung chung. Theo ĐB Minh cần phải được quy định cụ thể cho cơ quan nào chủ trì để xác định được trách nhiệm khi thực hiện.

Điều này cũng được ĐB Đỗ Ngọc Niên đồng quan điểm. ĐB Niên cho rằng, việc ứng phó với tràn dầu trên biển nên có quy định hai cấp độ báo cáo để vừa nhanh, vừa kịp thời và hiệu quả. Trong đó cấp độ 1 là báo cáo với cơ quan chủ quản và địa phương thuộc vùng xảy ra sự cố để chủ động ứng phó.

Hôm nay, Quốc hội làm việc tại hội trường. Ngoài biểu quyết thông qua một số Nghị quyết, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận dự án Luật Thú y. Buổi chiều, Quốc hội tiến hành phiên bế mạc kỳ họp.

Ảnh minh họa: petrotimes.vn
Ảnh minh họa: petrotimes.vn

200 tỷ đồng đầu tư tàu điều tra nghiên cứu TN-MT biển

Xét đề nghị của Bộ KH-ĐT, ý kiến Bộ Tài chính, Bộ TN-MT về việc bố trí vốn thực hiện Dự án Đầu tư tàu điều tra, nghiên cứu TN-MT biển, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ứng trước nguồn vốn ngân sách Trung ương số tiền 200 tỷ đồng cho Bộ TN-MT để triển khai Dự án này trong năm 2014. Số vốn ứng trước được thực hiện và thanh toán đến hết ngày 30/6/2015.

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TN-MT đề xuất nguồn vốn để hoàn trả số vốn ứng trước đó và bố trí đủ vốn cho Dự án trong 2 năm 2015 – 2016.