Quản trị rừng và vai trò của các tổ chức phi chính phủ và dân sự

ThienNhien.Net – Quản trị (governance) không phải là khái niệm mới nhưng dễ bị nhầm lẫn với quản lý (management). Trong hai khái niệm này, quản trị có nội hàm rộng hơn. Mặc dù có nhiều cách hiểu, quản trị thường được xem là nghệ thuật “lèo lái”, đề ra phương cách để đạt được mục tiêu; còn quản lý nghiêng về phía giám sát thực thi để bảo đảm phương cách đó được thực hiện đúng trên thực tế. Vì vậy, quản trị là vấn đề mang tầm lãnh đạo, định hướng và cốt lõi hơn vấn đề quản lý.

Quản trị rừng ngày càng được xem là yếu tố trọng yếu trong sự thành công của ngành lâm nghiệp. Tại một hội thảo ở Anh[1], người ta cho rằng quản trị rừng tốt xoay quanh việc trả lời ba câu hỏi là: i) Ai đưa ra quyết định? ii) ai hưởng lợi? và iii) quyết định được xây dựng như thế nào? Theo quan điểm ở đây, quản trị tốt thì nguồn lực phải được sử dụng công bằng. Trên thế giới, quản trị rừng tốt là chủ đề quan trọng thu hút sự chú ý của rất nhiều bên liên quan chứ không riêng chính quyền. Ở nước ta, quản trị rừng bắt đầu được quan tâm nhiều qua hai sáng kiến được biết đến nhiều nhất và cùng có mục đích cải thiện quản trị rừng là Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và Đánh giá quản trị rừng có sự tham gia (PGA) dưới sự hỗ trợ của chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng toàn cầu (UN-REDD).

Quản trị rừng là một tiến trình mang tính xã hội cao đòi hỏi trách nhiệm và sự tham gia không chỉ của chính quyền mà còn của nhiều bên ở các cấp khác nhau. Kết quả nghiên cứu ban đầu[2] cho thấy ngoài các vấn đề mang tính kỹ thuật, việc tham gia của các bên liên quan, đặt biệt là của người dân sống phụ thuộc vào rừng, là vấn đề rất quan trọng giúp ngành lâm nghiệp phát triển bền vững. Vấn đề lớn hiện nay là truyền thống của cộng đồng trong sử dụng và sở hữu rừng chưa được thể chế hóa, mặc dù ở nhiều nơi họ vẫn xem mình như chủ rừng, chủ đất qua nhiều đời dẫn đến nhiều tranh cãi và mâu thuẫn tiềm tàng. Thêm vào đó, việc thảo luận, chia sẻ lợi ích từ rừng của các công ty, đơn vị có giấy phép quản lý sử dụng rừng với người dân sinh sống ở địa phương vẫn mang nặng tính xin-cho chứ chưa minh bạch, công bằng trên cả văn bản pháp luật cũng như trên thực tế, dẫn đến bức xúc, không bằng lòng. Việc loại bỏ người dân hay cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng ra khỏi các bên liên quan trong quản trị rừng tạo ra tình trạng bất ổn xã hội trong ngắn hạn và không bền vững về lâu dài.

Một chuyến đi thực địa (Ảnh: Hoàng Xuân Thủy/PanNature)
Một chuyến đi thực địa (Ảnh: Hoàng Xuân Thủy/PanNature)

Trong bối cảnh ấy, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và dân sự (NGO&CSO) có vai trò quan trọng trong nỗ lực giúp quản trị rừng tốt. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, NGO/CSO giúp tăng tiến trình có sự tham gia, tính tự chủ, tính minh bạch, và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong việc xây dựng và thực thi các chính sách có ảnh hưởng đến rừng và người dân.

Các vai trò quan trọng của NGO/CSO bao gồm: i) Làm cầu nối trong sự tham gia của người dân vào các quyết định liên quan của chính quyền các cấp, ii) Giúp cải thiện cơ chế chia sẻ, tiếp cận thông tin giữa người dân, chính quyền và các bên liên quan, iii) Hỗ trợ giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật có sự tham gia, và iv) Phát hiện, chỉ ra các vấn đề quan trọng và nguyên nhân của chúng, cũng như có phản hồi, hành động giúp giảm thiểu các vi phạm trong việc thực các chính sách, chương trình liên quan đến quản trị rừng ở thực địa.

Để hoàn thành các vai trò của mình, NGO/CSO có thể tham gia thực hiện các hoạt động/chiến lược sau: i) Thực hiện các nghiên cứu dựa trên bằng chứng ở thực địa (evidence-based research) để phát hiện các kết quả, các vấn đề quan trọng cung cấp cho đối thoại chính sách; ii) Xây dựng năng lực, nâng cao sự hiểu biết, đánh động tình cảm và thay đổi thái độ của cộng đồng, chính quyền và các bên liên quan đối với các vấn đề, chính sách quản trị rừng; iii) Liên minh, hợp tác để có tiếng nói và vị thế lớn hơn. Các NGO/CSO thường làm việc đơn lẻ, độc lập. Nếu họ có thể liên minh lại với các bên liên quan và người dân, và mạng lưới hóa trong hành động thì họ có thể tăng cường tiếng nói, vị thế và hiệu quả hơn trong truyền thông các vấn đề quan ngại đến các nhà hoạch định chính sách; iv) Phát triển các mối quan hệ với các cộng đồng địa phương và hỗ trợ họ trong việc xây dựng hay củng cố các cộng đồng thống nhất vững mạnh để họ có thể trở thành một đối tác, một bên liên quan có vị thế đúng nghĩa; và v) Phát triển, xây dựng mối quan hệ với các cơ quan, thực thể thực thi luật pháp cũng như các bên liên quan khác để có thể thực thi tốt vai trò cầu nối của mình.

Hiện nay, vấn đề mà NGO/CSO phải đối mặt lớn nhất để hoàn thành sứ mệnh có lẽ là i) Tính pháp lý cho vai trò đại diện của họ. Ở nhiều nơi, NGO/CSO vẫn chưa thể đại diện, thay mặt về mặt pháp luật cho người dân, cộng đồng cho đến khi vị trí của họ được thể chế hóa. Do vậy, đến nay CSO vẫn phải chấp nhận một vai trò yếu hơn là chuyển tải thông tin, nguyện vọng giữa các bên liên quan, và ii) Liệu có ý chí chính trị trong việc hỗ trợ các thay đổi hướng đến một tiến trình có sự tham gia nhằm quản trị rừng tốt hơn hay không? Các NGO/CSO giải quyết các vấn đề này có tốt hay không tùy thuộc vào năng lực của chính mình.

TS. Phan Triều Giang, Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm TP. HCM


(1) Báo cáo của bà Vũ Thị Bích Hợp (SRD) tại hội thảo xây dựng mạng lưới VNGO-FLEGT ngày 20/8/2004 tại Hà Nội

(2) Nguyễn Quang Tân và các tác giả, 2014. Báo cáo đánh giá quản trị lâm nghiệp có sự tham gia của các bên tại tỉnh Lâm Đồng năm 2014. Chương  trình UNREDD