Cao Bằng: "Vàng tặc" ngang nhiên hoành hành

ThienNhien.Net – Nạn khai thác vàng trái phép tại khu vực Bản Moỏng, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã diễn ra gần một năm nay. Từ chỗ chỉ dùng phương tiện thô sơ để đào lén lút, đến nay, “vàng tặc” còn ngang nhiên trang bị những phương tiện máy móc hiện đại hơn như: máy bơm nước, hút cát, máy ủi với qui mô khai thác khá lớn. Hàng nghìn m2 ruộng và dòng suối đã bị cày xới, không chỉ gây mất đất nông nghiệp mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực này.

Mới đây, như biết trước sự có mặt của đoàn kiểm tra và các phóng viên, tất cả 4 điểm khai thác vàng trái phép đều ngừng hoạt động. Tuy nhiên, tất cả phương tiện máy móc đào, đãi vẫn nằm nguyên tại hiện trường, trong đó điểm khai thác tại xóm Bản Moỏng với diện tích rộng nhất là hơn 2000 m2 đã bị cày xới thành những hố sâu từ 7 đến 10 mét, tạo ra cái bẫy vô hình, nguy cơ gây tai nạn đối với người dân đi lại qua khu vực. Đây là điểm khai thác trái phép diễn ra từ tháng 09/ 2008, do ông Diềm Văn Vụ và Hoàng Văn Cảnh làm chủ mỏ. Họ không chỉ đầu tư 6 máy bơm nước, hút cát, mà còn thuê cả máy củi, máy xúc bình quân mỗi ngày lật lên hàng chục mét khối đất, rồi chất thành đống, biến khu ruộng mầu mỡ trước đây trở thành bãi công trường ngổn ngang đất, cát và tiếng ồn.

Điều đáng nói là tại khu vực “vàng tặc” hoành hành có quốc lộ 34 đoạn từ thị xã Cao Bằng đến Bảo Lạc đi qua với nhiều người trong đó có cán bộ làm công tác quản lý các cấp nhưng tất cả vẫn làm ngơ. Dư luận địa phương đặt vấn đề liệu có ai đứng đằng sau để “bảo kê” cho việc tổ chức khai thác một cách ngang nhiên như vậy? Ngay cả ông La Văn Gia, Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Bảo Lạc cũng không biết trên địa bàn xã Đình Phùng có bao nhiêu điểm khai thác vàng trái phép và khai thác từ lúc nào?

Còn ông Diềm Văn Nguyện Chủ tịch UBND xã Đình Phùng tự công nhận với phóng viên, biết là vi phạm rồi nhưng họ cũng đều là anh em họ hàng nên khó ra tay ngăn chặn dứt điểm. ý kiến ông chủ tịch UBND xã cũng như một số người trong xóm vẫn bao biện là đào ao, chứ không phải đào vàng. Hơn nữa đây là đất ruộng đã có chủ, được nhà nước cấp bìa đỏ nên quyền sử dụng vào mục đích nào là do họ quyết định. Với cách hiểu đơn giản ruộng nhà ai, thì nhà đấy đào là trái với qui định của luật đất đai, vì theo luật này khi chuyển mục đích sử dụng từ đất canh tác sang đào ao thả cá phải đăng ký với cơ quan chức năng của địa phương. Rõ ràng việc đào, đãi vàng sa khoáng tại xã Đình Phùng là vi phạm pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường.

Cũng do cách hiểu chưa đúng về pháp luật nên nhiều người dân trong xã Đình Phùng tiếp tục mua máy bơm và một số phương tiện đào đãi hiện đại khác để mở rộng quy mô khai thác. Tại xóm Thôm Bó, có 3 hộ gồm các ông Diềm Văn Công, Diềm Văn Vương, Lý Hồng Minh khai thác bằng máy ủi, máy bơm nước từ tháng 12/2008, hiện đã thành những cái ao có chiều sâu từ 5 đến 7 mét. Nghiêm trọng hơn là các điểm khai thác vàng này đều dồn dòng nước ô nhiễm vào suối Bản Moong, con suối cung cấp nước sinh hoạt cho xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình ( Cao Bằng).

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại 4 điểm khai thác vàng, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, yêu cầu các hộ phải chấm dứt ngay việc khai thác, đồng thời phải di dời toàn bộ phương tiện máy móc ra khỏi khu vực khai thác và có trách nhiệm san lấp tất cả mặt bằng trước ngày 15 /04/2009.

Chủ tịch UBND xã Đình Phùng và Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bảo Lạc đã cam kết sẽ chỉ đạo, giám sát tiến độ di dời, khắc phục lại môi trường. Hy vọng rằng, những cam kết đó sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc./.