Cần hiệu quả và công khai thực sự

ThienNhien.Net – Trong những ngày này, phiên thảo luận nhóm các tổ chức xã hội sự đóng góp ý kiến cho Khung chính sách bền vững của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đang diễn ra sôi nổi tại Manila.

 

Một trong những lý do lôi cuốn sự quan tâm và tham gia ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự vào lĩnh vực này bởi IFC là một trong năm bộ phận cấu thành của Nhóm Ngân hàng Thế giới, thiết chế tài chính lớn nhất toàn cầu hiện nay.

 

IFC có ảnh hưởng rất lớn đến khu vực tư nhân các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi thông qua việc cấp các khoản cho vay và đầu tư vốn, tư vấn kỹ thuật. Đầu tư của IFC năm 2008 đạt trên 16 tỉ USD. Khoản đầu tư và cho vay lớn của IFC cũng có nghĩa sẽ có một bộ phận không nhỏ dân cư và môi trường chịu ảnh hưởng của các dự án do IFC cho vay hoặc hùn vốn.

 

Khung chính sách bền vững của IFC

 

Với sứ mệnh tuyên bố là “thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển bền vững tại các nước đang phát triển, qua đó giúp giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân”, IFC sớm đưa vấn đề môi trường vào việc xem xét các dự án từ năm 1989. Sự quan tâm này sau được nâng lên, thể chế hoá thành các quy định, chính sách cụ thể.

 

Những chính sách này liên quan trực tiếp đến các công ty, tập đoàn nhận vốn vay, đầu tư của IFC, song bên cạnh đó cũng thu hút sự chú ý giám sát của các nhà hoạt động, các tổ chức dân sự trong lĩnh vực xã hội, môi trường.

 

Năm 2006 đánh dấu sự điều chỉnh cơ bản chính sách bảo vệ của IFC, với việc thay thế chính sách cũ dựa trên khuôn mẫu của Ngân hàng thế giới bằng khung chính sách mới, bao gồm  chính sách về xã hội và môi trường bền vững, các chuẩn mực thực thi và chính sách công khai thông tin.

 

Mặc dù điều này được đánh giá cao, song các tổ chức xã hội dân sự cho rằng khung chính sách mới vẫn chưa đủ hiệu quả, mạnh mẽ và đảm bảo tính công khai để bảo vệ môi trường và quyền lợi người dân vùng dự án. Nhiều lĩnh vực đầu tư hiện nay của IFC có tác động lớn đến môi trường và người bản địa như khai thác khoáng sản, phát triển thuỷ điện, xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí ga, các nhà máy giấy và bột giấy, phát triển đồn điền dầu cọ, v.v.

 

Sau ba năm thực hiện, dưới sự thúc đẩy của nhóm các tổ chức xã hội dân sự các quốc gia nhận tài trợ, cộng đồng quốc tế nói chung và nhằm thích nghi với bối cảnh thực tiễn mới, IFC đã tiến hành chương trình tham vấn lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Khung chính sách bền vững. Chương trình kéo dài hơn một năm, với ba đợt tổ chức tham vấn lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010.

 

Jaybee Garganera, Điều phối viên quốc gia của Alyansa Tigil Mina (một tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát các dự án khoáng sản quy mô lớn ở Philippin và phản biện chính sách khoáng sản), nhận định “Điều quan trọng là IFC phải đảm bảo rằng đầu tư của họ sẽ không đẩy người dân vào cảnh tha hương. Những người dân vùng dự án cần được thông báo đầy đủ thông tin về dự án trước khi nó được triển khai”.

 

Ông Jaybee cũng cho biết hiện IFC đang chuẩn bị đầu tư dự án khai thác Nikel Amata ở tỉnh Surigao Norte của Philippin. Dự án gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người địa phương vì xâm hại tới sinh kế cũng như truyền thống lâu đời của họ. Nhóm công tác của Jaybee đang hỗ trợ người thiểu số Mamamma bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

 

Tham gia góp ý cho Khung chinh chính sách bền vững của IFC lần này có sự góp mặt của Sawit Watch, mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự của In-đô-nê-xi-a chuyên giám sát các khoản đầu tư và các công ty đại diện của In-đô-nê-xi-a. Norman Jiwan, người điều hành nhóm Sawit Watch, chia sẻ rằng họ cũng đang tham gia giám sát trường hợp một công ty nhận vốn của IFC đầu tư dầu cọ vi phạm các quy định về môi trường, trình báo cáo sai sự thật nhưng IFC đã không can thiệp một cách thoả đáng.

 

Trong ngày hôm nay sẽ diễn ra phiên hội thảo chính thức IFC thu thập ý kiến đối tác và các bên liên quan lần thứ hai.