Bước lùi của thế giới trong bảo tồn?

ThienNhien.Net – Việc thành lập các khu bảo tồn nhằm duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống cho nhiều loài sinh vật là một thành tích không thể chối cãi của công tác bảo tồn trên thế giới. Tuy nhiên, công tác bảo tồn ở một số khu vực hiện không tiến triển, thậm chí còn bị tụt lùi.

Theo một báo cáo* mới đây được công bố trên tạp chí Nature, chỉ có 20 – 50% diện tích đất và biển được bảo tồn trên thế giới gần đạt mục tiêu, số còn lại bị cản trở do thiếu kinh phí, quản lý kém và sự thiếu nhất quán của chính phủ.

131114_baotonbuoclui
Vườn Quốc Gia Yellowstone là khu vực bảo tồn hiện đại đầu tiên trên thế giới (Ảnh: Julie Larsen Maher © WCS)

Các quốc gia tuân thủ Công ước Đa dạng sinh học (CBD) đã cam kết bảo vệ 17% diện tích đất và 10% đại dương cho đến năm 2020. Cho đến nay, 12-15% diện tích đất đã được bảo vệ, tương đương một vùng lớn hơn Trung và Nam Mỹ cộng lại. Tuy nhiên việc bảo vệ đại dương từ lâu vẫn dậm chân tại chỗ với chỉ 3% diện tích được bảo vệ cho đến nay.

Điều đáng lo ngại là ngay cả các vườn quốc gia cũng không bảo vệ được toàn diện nhiều hệ sinh thái. Thống kê cho thấy, hơn 60% trong tổng số 300 vùng sinh thái trên cạn không bảo vệ được 17% diện tích. Tình hình còn tệ hơn với các hệ sinh thái đại dương: chỉ có 20% các vùng sinh thái đại dương bảo vệ được khoảng 10% diện tích và gần một nửa còn lại còn ít hơn 1%. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều loài đang bị bỏ rơi.

“Theo một phân tích toàn cầu mới đây, 17% các loài chim, động vật lưỡng cư và động vật có vú nguy cấp không thể tìm thấy trong các khu bảo tồn riêng rẽ và 85% số loài không đảm bảo số lượng để có thể tồn tại lâu dài.”

Một chú cóc mũi hếch (Rhinella dapsilis) được tìm thấy trong Vườn Quốc Gia Yasuni ở vùng Amazon thuộc Ecuado. Hoạt động khoan dầu đã diễn ra trong khu vực bảo tồn nhiều thập kỉ, đến nay chính phủ Ecuado lại tiếp tục mở rộng địa bàn khai thác trong VQG. (Ảnh: Jeremy Hance)
Một chú cóc mũi hếch (Rhinella dapsilis) được tìm thấy trong Vườn Quốc Gia Yasuni ở vùng Amazon thuộc Ecuador. Hoạt động khoan dầu đã diễn ra trong khu vực bảo tồn nhiều thập kỉ, đến nay chính phủ Ecuador lại tiếp tục mở rộng địa bàn khai thác trong VQG. (Ảnh: Jeremy Hance)

Các khu vực bảo tồn không thể tối đa hóa tiềm năng của mình do thiếu sự hỗ trợ của chính phủ, thiếu nguồn lực, kinh phí nhỏ giọt, thậm chí bị các hoạt động phát triển khác lấn át. Nhiều khu bảo tồn ở các quốc gia đang phát triển chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Tham nhũng, xung đột, dân số tăng quanh khu vực bảo tồn, khai thác và săn bắt trái phép là những thách thức quá lớn với các khu bảo tồn có kinh phí hạn chế và thiếu nguồn nhân lực.

Đặc biệt, những câu chuyện này không chỉ diễn ra ở các quốc gia đang phát triển. Các nhà khoa học cho biết: “Các khu bảo tồn không đủ kinh phí hoạt động ngày càng trở nên phổ biến thậm chí ở một số nước giàu nhất như Úc, Hoa Kỳ và Canada”, và điều này không chỉ xảy ra với khu vực ít được biết đến, mà cả một số khu vực nổi tiếng.

Trong khi đó, theo nhận định của ông James Watson, Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS): ” Thay đổi trong cách đánh giá, tài trợ, điều phối và quản lý những khu vực này không phải là điều bất khả thi hay thiếu thực tế. Chỉ cần một phần nhỏ tổng chi thế giới hàng năm cho quốc phòng là có thể làm được điều đó”. Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm chúng ta cần từ 45 đến 75 tỷ USD để hỗ trợ toàn diện cho các khu vực bảo tồn, tương đương 2,5% chi phí quân sự hàng năm của thế giới.

Độ che phủ san hô ở khu bảo tồn Hải dương Great Barrier Reef của Úc bị suy giảm trầm trọng trong vòng chưa đầy 30 năm qua, chưa kể số lượng các loài và điều kiện môi trường sống cũng đồng loạt giảm trên khắp khu vực. Tương tự như vậy, Vườn quốc gia Galapagos và Khu Bảo tồn Hải Dương của Ecuador – một trong những khu bảo tồn nổi tiếng nhất thế giới cũng gặp phải những vấn đề phổ biến như sự xâm lấn của các loài ngoại lai, giảm sút số lượng sinh vật biển do khai thác và suy giảm điều kiện sinh thái.

131114_baotonbuoclui3
Khu bảo tồn Hải Dương Glovers Marine Reserve ngoài vùng biển Belize. (Ảnh: Caleb McClennen/WCS)

Thách thức nữa cần phải kể đến là xu hướng Suy thoái, Thu hẹp, và Xóa bỏ Khu vực Bảo tồn (PADDD), thậm chí ở các các nước phát triển. Điều này có thể thấy ở hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí trong Vườn quốc gia Uganda Murchison Falls; khai thác mỏ uranium trong khu vực Bảo tồn Selous Game ở Tanzania… Trong khi đó, lợi ích từ các khu bảo tồn rất rõ rệt, dù chỉ nhìn từ doanh thu của ngành du lịch. Chẳng hạn, Ở Úc, ngân sách năm 2012-2013 cho Khu bảo tồn Hải Dương Great Barrier Reef là khoảng 50 triệu Đô La Úc, trong khi du lịch rạn san hô hàng năm đóng góp hơn 5,2 tỷ Đô La Úc cho nền kinh tế Úc … Năm 2009, chính phủ Canada chỉ hỗ trợ 800 triệu Đô La Canada  cho bảo tồn để nhận lại 4,6 triệu Đô La Canada và 64.000 việc làm…

Bên cạnh những thách thức được đưa ra, Báo cáo cũng cung cấp những khuyến nghị cho các chính phủ nhằm đạt được mục tiêu bảo tồn như tăng kinh phí cho các khu bảo tồn, tuân thủ các cam kết và hiệp ước quốc tế, phối hợp đồng bộ giữa các ngành… Báo cáo cũng kêu gọi tiếp tục mở rộng các khu bảo tồn, đặc biệt là các khu vực ít được quan tâm. “Sự phát triển của các khu bảo tồn toàn cầu trong hơn 100 năm qua được coi là thành tích lớn nhất trong bảo tồn… Điều quan trọng hiện nay là các nước phải thừa nhận lợi nhuận mà nguồn đầu tư cho các khu bảo tồn có thể mang lại và nhận ra rằng những khu vực này là nền tảng của tương lai sự sống trên trái đất…” – Bà Julia Marton-Lefèvre, Giám đốc IUCN, cho biết.


* James E. M. Watson, Nigel Dudley, Daniel B. Segan, & Marc Hockings. (2014) The performance and potential of protected areas. Nature.