Tiểu vùng Mê Kông hợp tác thúc đẩy Cộng đồng kinh tế ASEAN

ThienNhien.Net – Diễn đàn Hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong nhằm thúc đẩy hợp tác, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế cùng có lợi giữa Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam cùng hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).

Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: Huy Thắng/Chinhphu.vn)
Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: Huy Thắng/Chinhphu.vn)

Diễn đàn Hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong 2014 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 – Cơ hội và thách thức” vừa được tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/10.

Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch Hội Phát triển kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia cho biết Diễn đàn sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ thông tin, tăng cường giao thương và phát triển kinh tế, nắm bắt nhiều thông tin hữu ích để có bước chuẩn bị tốt nhất trong thời gian đầu hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.

Mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2015 là phải tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn đầu tư-kinh doanh từ bên ngoài.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Khoan lưu ý thêm khi tham gia cộng đồng ASEAN, Việt Nam cần định vị cộng đồng ASEAN nằm ở đâu, quan hệ hội nhập như thế nào. Bên cạnh đó, chúng ta cần thiết kế một kế hoạch tổng thể hội nhập để cam kết, lộ trình làm sao cho hài hòa. “Rút kinh nghiệm từ việc tham gia WTO, chúng ta cần chuẩn bị nội lực kỹ; đồng thời, cần đổi mới thể chế để tận dụng cơ hội khi hội nhập mở ra và nâng sức cạnh tranh của các DN”, ông Vũ Khoan nói.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh: Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung vào một số giải pháp như: Tiếp tục khẳng định chủ trương tích cực và chủ động hội nhập kinh tế ASEAN sâu rộng. Việt Nam đang đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh quá trình cải cách nền kinh tế; đồng thời, thực hiện quyết liệt và triệt để cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc hình thành doanh nghiệp, gia nhập thị trường; các thủ tục liên quan đến xây dựng, đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tuyển dụng lao động… bảo đảm giảm tối đa chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), mối quan hệ kinh tế giữa các nước ASEAN đang có xu hướng được đẩy mạnh.

Tính đến nay, các nhà đầu tư thuộc khu vực ASEAN đã đầu tư tại 55/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, với 2.431 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 51,8 tỷ USD, chiếm 14,2% số dự án FDI và trên 21,4% tổng vốn FDI tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân 1 dự án của ASEAN đầu tư là 21,3% triệu USD/dự án, cao hơn so với mức bình quân chung là 14,45% triệu USD/dự án.

Đứng đầu các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam lần lượt là Singapore, MyanmarThái Lan…

Ở chiều ngược lại, tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang 9 nước trong khu vực ASEAN 515 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 9,67 tỷ USD. Trong đó, Lào, Campuchia, Malaysia là 3 quốc gia hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam nhất.

Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, có thể khẳng định rằng đầu tư của các nước ASEAN tiếp tục giữ vị trí quan trọng tại Việt Nam. Không những thế, ASEAN còn là cửa ngõ, cầu nối quan trọng để thu hút FDI từ các đối tác lớn khác vào Việt Nam.