Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đe dọa sức khỏe cư dân vùng Mê Kông

ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đã phát hiện ra những điểm nóng chứa các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy tại một số đoạn thuộc lưu vực sông Mê Kông và cho rằng đây sẽ là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người dân và đời sống của các loài động, thực vật thuộc lưu vực này.

Nghiên cứu chỉ rõ, tổng lượng chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong trầm tích đất ngập nước của lưu vực Mê Kông nhìn chung không cao; tuy nhiên đã xuất hiện một số điểm có nồng độ các chất trên vượt quá ngưỡng rủi ro sinh thái cho phép.

“Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc định hướng phát triển và triển khai công tác bảo tồn ở lưu vực Mê Kông trong tương lai. Theo đó, nhiệm vụ sắp tới sẽ tập trung vào phân loại và phân bố các vùng đất ngập nước trong lưu vực sông Mê Kông, khảo sát tình trạng ô nhiễm kim loại nặng và theo dõi mực nước dâng ở khu vực bờ biển Đông Nam Á” – ông Scott Wilson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đất ngập nước Quốc gia – USGS, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ.

Nguồn: MRC
Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cư dân vùng Mê Kông (Nguồn: MRC)

Đúng như tên gọi, các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy vốn không dễ dàng bị vi khuẩn phân hủy nên có thể tồn tại dai dẳng ngoài môi trường từ năm này qua năm khác. Trong quá trình tồn tại, chúng có khả năng gây nhiễm độc ở người và các sinh vật khác. Đặc biệt, nếu cơ thể người bị phơi nhiễm thì quá trình sinh sản, phát triển và hệ thần kinh, nội tiết, miễn dịch, hành vi của con người đều có thể bị rối loạn.

Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ thuốc trừ sâu nông nghiệp, các chất ô nhiễm công nghiệp và các phụ phẩm khác đi vào nguồn nước và tích tụ dần trong mô mỡ của cá, động vật lưỡng cư, rắn và các loài chim nước – nguồn thực phẩm chính của cư dân địa phương.

Thông qua thử nghiệm 531 mẫu động vật lấy từ gần 450 khu vực đất ngập nước thuộc 5 quốc gia Đông Nam Á, nhóm nghiên cứu nhận thấy, những mẫu động vật được lấy từ một số điểm nóng như Biển hồ Tonle Sap có mức độ tích tụ độc tố cao.

Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm cho thấy một điều rằng việc sử dụng DDT – một loại chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đã bị cấm ở 5 quốc gia trên đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tại một số điểm nóng trong lưu vực, nồng độ DDT vẫn vượt quá ngưỡng rủi ro sinh thái cho phép.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tiến hành khảo sát nồng độ và vùng phân bố của endosulfan, loại hóa chất hữu cơ độc hại bị Mỹ và nhiều nước khác cấm sử dụng, cùng các chất chuyển hóa của nó. Nguy cơ từ các chất ô nhiễm này tại lưu vực sông Mê Kông đang đặt ra đòi hỏi phải có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn để biết được chính xác tác động có hại của chúng đối với sức khỏe người dân, đồng thời đề xuất giải pháp phòng ngừa và hạn chế hiệu quả.

Nghiên cứu do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khởi xướng, giao Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ phối hợp với Mạng lưới các trường đại học lưu vực Mê Kông và Quỹ Sếu Quốc tế thực hiện.