Cải thiện năng lực thực thi pháp luật để bảo vệ voi và tê giác

ThienNhien.Net – Buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác đạt con số kỷ lục kể từ đầu những năm 1990 còn buôn bán trái phép ngà voi tăng gần 300% trong giai đoạn từ 1998-2011. Đó là những con số đáng buồn được đưa ra trong Báo cáo llegal trade in ivory and rhino horn: an assessment to improve law enforcement (Buôn bán bất hợp pháp ngà voi và sừng tê giác: đánh giá để cải thiện năng lực thực thi pháp luật) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) phối hợp thực hiện mới được công bố.

Bìa báo cáo
Bìa báo cáo

“Buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã không chỉ đe dọa tê giác, voi và các loài động vật hoang dã khác mà còn đe dọa an ninh quốc gia, quốc tế cũng như đời sống của người dân địa phương”, Ông Eric Postel, Trợ lý quản trị của USAID khẳng định.

Các dữ liệu về tịch thu hàng lậu chỉ ra rằng các hành vi buôn bán động vật hoang dã chủ yếu là diễn ra giữa châu Á và châu Phi.

Tại Trung Quốc và Thái Lan, ngà voi rất được ưa chuộng dùng làm đồ trang sức hoặc khảm vào các mặt hàng trang trí, trong khi giới thượng lưu Việt Nam coi sừng tê giác như một loại thuốc có thể chữa bệnh và giải độc cho cơ thể.

Theo báo cáo, tê giác và voi đang đối mặt với nạn săn bắn bất hợp pháp xảy ra trên khắp châu Phi. Số lượng các loài này đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Điển hình như số voi rừng Trung Phi giảm khoảng 76% trong năm 2012, còn số lượng voi ở Khu bảo tồn Selous Game (Tanzania) giảm từ 70.000 năm 2007 xuống còn 13.000 cá thể vào cuối năm 2013.

Năm 2013 là năm kỷ lục về số lượng tê giác bị săn bắn với con số lên tới 1004 cá thể chỉ tính riêng tại Nam Phi, một con số tăng đột biến so với 13 cá thể bị giết vào năm 2007.

Hồ sơ theo dõi số lượng ngà voi bị tịch thu trên toàn thế giới từ năm 2011 đến 2013 đã gióng lên hồi chuông báo động về việc gia tăng tần suất các vụ tịch thu ngà voi với quy mô lớn (500 kg trở lên) kể từ năm 2000.

Ngà voi và sừng tê giác được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường châu Á nhưng hoạt động khai thác phần lớn diễn ra ở châu Phi. Các băng nhóm có tổ chức ngày càng sử dụng các kỹ thuật tinh vi để săn bắt, đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu để ngăn chặn và bắt giữ.

Theo ông Nick Ahlers, người đứng đầu dự án Wildlife TRAPS: “Không có giải pháp riêng rẽ nào có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng săn bắn trái phép đang diễn ra ở châu Phi. Những tên tội phạm bậc thầy – người vạch ra các kế hoạch và thu lợi nhuận từ việc buôn bán này – đang ngày càng trở nên tinh vi hơn đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật cần nỗ lực hợp tác để đập tan các tập đoàn tội phạm liên quan tới hành vi thương mại bất hợp pháp này”.

Sừng tê giác thường được vận chuyển từ châu Phi qua châu Á qua đường hàng không. Từ năm 2009, phần lớn các vụ vận chuyển ngà voi lại liên quan tới các cảng biển ở châu Phi. Không quá 5% số container tại các cảng biển bị kiểm tra, do đó việc thực thi pháp luật liên quan tới buôn bán động vật hoang dã chủ yếu phụ thuộc vào các thông tin tình báo.

Do đó báo cáo kiến nghị cần phát triển các đơn vị tình báo đặc biệt, phối hợp cùng nhau để phá vỡ các mạng lưới tội phạm có tổ chức bằng cách xác định các đối tượng quan trọng, theo dõi các luồng tài chính và tiến hành nhiều vụ bắt giữ hơn. Việc nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực thi pháp luật và giám sát quy trình tư pháp cũng rất quan trọng tại các khu vực trọng yếu ở châu Phi và châu Á.

Với những phân tích sâu sắc, báo cáo đã đồng thời xác định được những lỗ hổng về năng lực và các vấn đề mấu chốt mà các quốc gia cần phải can thiệp để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã. Báo cáo cũng là cơ sở quan trọng giúp USAID có định hướng để triển khai một loạt các công cụ và biện pháp can thiệp để hạn chế đáng kể vấn nạn toàn cầu này.