Dự án 5 triệu ha rừng khó cán đích?

ThienNhien.Net – Được phê chuẩn từ năm 1997 và bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 1998, nếu theo đúng tiến độ thì Chương trình 5 triệu ha rừng đến nay đã phải hoàn tất. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình còn tồn tại nhiều bất cập, không những chỉ tiêu chưa hoàn thành mà không ít hạn chế cũng đồng thời bộc lộ.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo dự án trồng rừng tổ chức hồi tháng 4/2010, đa số các địa phương cho biết, chỉ tiêu trồng rừng sản xuất thì có thể hoàn thành nhưng chỉ tiêu rừng phòng hộ và đặc dụng thì rất khó. Số liệu thống kê tại thời điểm giữa năm 2010 cho thấy, tổng diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng cũng mới đạt 74% yêu cầu.

Nếu nhìn ở góc độ riêng lẻ từng vùng địa phương thì dường như chương trình ý nghĩa này đã thu được hiệu quả rất lớn, không chỉ giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đơn cử như vùng Bắc Trung bộ, dự án đã thu hút hơn 437 nghìn hộ tham gia với tổng số lao động gần 1,2 triệu người, trong đó thu nhập từ rừng dưới 50% chiếm 75% tổng số lao động, thu nhập trên 50% từ rừng chiếm 25%. Tại Nam Trung bộ, dự án giúp xoá đói giảm nghèo cho trên 79 nghìn hộ, chiếm gần 63% tổng số hộ nghèo trong vùng, giải quyết việc làm cho gần 427 nghìn lao động. Riêng vùng Tây nguyên, chỉ trong giai đoạn 2006 – 2010 đã có gần 81 nghìn người tham gia dự án, trong đó số người thu nhập từ rừng dưới 50% chiếm 91% và 9% số người lao động có thu nhập từ rừng trên 50%…

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gồm 2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 3 triệu ha rừng sản xuất) được đầu tư với tổng vốn khoảng 31.650 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ năm 1998 đến năm 2010, nhằm mục tiêu nâng độ che phủ rừng của cả nước lên 43%.


Tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc trồng mới rừng tại nhiều địa phương vẫn chưa thực sự gắn chặt với việc quản lý, bảo vệ rừng; tình trạng chặt phá rừng trái phép gia tăng từng ngày; các hành vi vi phạm lâm luật diễn ra phổ biến; số vụ cháy rừng xảy ra nhiều; công tác chăm sóc rừng trồng chưa chu đáo, khiến nhiều khu vực đã trở lại nguyên trạng ban đầu; việc giao rừng cho dân quản lí chưa hiệu quả, nhiều diện tích bị dân lấn chiếm… Đó là chưa kể đến hàng loạt bất cập trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho việc trồng rừng. Thống kê của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, nhiều nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương hỗ trợ đã không được địa phương phân bổ hợp lí, thậm chí còn sử dụng sai mục đích, nội dung và đối tượng đầu tư.

Hiện chưa có con số thống kê chính thức về những được – mất trong quá trình thực hiện dự án nhưng từ nhiều năm trước, một vài ý kiến đã cảnh báo về việc dự án khó có thể kịp tiến độ trong năm 2010 và rằng “5 triệu ha rừng” sẽ mãi chỉ là “chỉ tiêu trên giấy”.