Cận cảnh con đường gỗ lậu – Kỳ 2

Kỳ 2: Tan hoang những thảm rừng nguyên sinh

ThienNhien.Net – Nghỉ lại một đêm nơi tập kết thu gom gỗ lậu, sáng sớm 19-9, chúng tôi tiến sâu về phía những cánh rừng mà từ đó các đối tượng lâm tặc đã kéo gỗ ra. Bằng kinh nghiệm nghề kiểm lâm, ông Lê Trung Thọ – cán bộ phụ trách Thanh tra – Pháp chế Hạt Kiểm lâm Nông Sơn, Quảng Nam xác định: cứ lần theo vết đường kéo gỗ sẽ tới nơi khai thác.

Vượt qua khúc suối có tên “Ngã ba khe” là nơi hội tụ của hai con suối là Khe Nấm và Khe Mây, chúng tôi oằn mình, lầm lũi vượt lên con dốc dựng đứng, tiến về phía những cánh rừng thuộc địa phận H. Phước Sơn thì bất ngờ gặp một bãi gỗ hơn 30 phách gỗ gõ mật, dổi… được lâm tặc tập kết ngay ngắn. Ông Thọ dùng máy định vị, xác định bãi gỗ chỉ cách tọa độ 0808545 – 1720658 một đoạn, tức là điểm giáp ranh giữa địa phận rừng hai huyện Nông Sơn và Phước Sơn khoảng 100m. Tuy nhiên, vì hiện trường bãi gỗ tập kết nằm trên địa phận Phước Sơn nên đoàn công tác chỉ chụp ảnh, chứ không thể dùng sơn đánh số thứ tự và cũng không thể đưa vào danh sách tang vật vụ án được.

Tiến sâu hơn theo vệt đường kéo gỗ, lần lượt rải rác nhiều điểm tập kết gỗ lại hiện ra trước mắt chúng tôi, điểm nào gỗ  cũng được xếp ngay ngắn, từ 10 – 15 phách gỗ vuông vắn. Tại tọa độ 0808 359-1720287, độ cao 311m so với mực nước biển, chúng tôi phát hiện một gốc cây đường kính đo được hơn 1,7m xung quanh ngổn ngang hiện trường chặt hạ, cưa xẻ, gốc cây được xác định là loại gõ mật, loại gỗ đặc biệt quý hiếm. Lâm tặc đã cắt, chọn những khúc đẹp nhất của cây để cưa thành phách kéo đi, những phần còn lại cũng có khối lượng rất lớn đang được lâm tặc cắt thành từng khúc theo quy cách để cưa xẻ lấy gỗ.

Các cán bộ kiểm lâm cho biết, khu vực chúng tôi đang đứng là một trong những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại ở sườn phía Đông Trường Sơn thuộc Quảng Nam. Trên thực tế, để tìm ra một cây gõ mật, ở nhiều địa phương miền núi Quảng Nam hiện rất khó và xem xét số lượng gỗ các đối tượng lâm tặc đã cưa xẻ cho thấy số lượng gõ mật ở khu vực này còn khá nhiều. Điều này chứng tỏ mấy năm gần đây, những cánh rừng này mới bắt đầu được lâm tặc để mắt tới và khai phá.

Gỗ được xẻ thành phách tập kết trên địa phận rừng Phước Sơn (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Gỗ được xẻ thành phách tập kết trên địa phận rừng Phước Sơn (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Tiếp tục lần theo dấu vết, tại tọa độ 0808194-1719950, độ cao 322m, ngược lên một suối cạn còn ngổn ngang vết tích đào bới của các đối tượng khai thác vàng trái phép, bất ngờ hiện ra trước mắt chúng tôi là cả một cánh rừng bị chặt hạ ngổn ngang như vừa trải qua một trận bom oanh tạc. Một cây gỗ chò nâu đường kính gốc 1,46m đã chặt hạ, cưa xẻ, gỗ thành phẩm lẫn bìa phách tươi đỏ ngổn ngang, lâm tặc mới chỉ cưa xẻ được 2/3 cây gỗ, khúc còn lại dài hơn 20m có đường kính hơn 1m đang xẻ dở dang. Theo phán đoán, chắc nghe vụ việc bị phát hiện nên lâm tặc đành bỏ lại cây gỗ quý giá này. Cách đó không xa, một cây gỗ xoan đào đường kính hơn 1m đã bị cắt hạ, chuẩn bị lên đà xẻ, một cây khác đã được xẻ thành hơn chục phách chưa kịp kéo ra khỏi hiện trường.

Cũng tại khu vực này, 5 cây gỗ dổi hương đường kính trên dưới 1m đã bị chặt hạ nằm nhưng lâm tặc chưa kịp xẻ thành phẩm… Cả cánh rừng nguyên sinh bị chặt hạ không thương tiếc, lâm tặc chỉ cắt lấy những phần gỗ đẹp, thẳng, phần lõi của cây, còn lại vứt bỏ. Những cây gỗ lớn bị chặt hạ đổ ngã đè gãy nát hàng chục cây gỗ nhỏ có đường kính 40-50cm, trông thật xót. Chỉ trong buổi chiều 19-9, chúng tôi đã xác định tại hiện trường gần 20 gốc cây các loại đã bị chặt hạ, cưa xẻ, ước tính cả số lượng gỗ đã khai thác và số gỗ còn lại hiện trường lên đến trăm mét khối…

 Một trong hàng chục cây gỗ có đường kính hơn 1,5m bị chặt hạ.(Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Một trong hàng chục cây gỗ có đường kính hơn 1,5m bị chặt hạ.(Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Xác định tọa độ, nhìn trên bản đồ cho thấy hiện trường các đối tượng khai thác gỗ lậu thuộc địa phận xã Phước Hòa và tiếp giáp xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn. Khắp các cánh rừng rộng lớn, những vệt đường kéo gỗ còn mới nguyên màu đất vàng sánh, những cây cọc tiêu cắm ven đường để ngăn gỗ kéo khỏi rơi xuống vực còn tươi rói. Chúng tôi hỏi các cán bộ kiểm lâm: “Tại sao lâm tặc khai thác gỗ ở địa phận Phước Sơn mà lại chuyển về đường Nông Sơn…?”.

Câu trả lời đơn giản: “Nếu chuyển về Phước Sơn, quãng đường sẽ xa gấp 3-4 lần, còn chuyển về đường Nông Sơn, lâm tặc chỉ cần kéo gỗ vượt qua địa phận Phước Sơn là thả dốc xuống địa phận Nông Sơn, sau vài tiếng đồng hồ là có thể chất gỗ lên ô-tô, hoặc chờ mưa xuống, nước suối dâng cao kéo gỗ theo đường nước về tiêu thụ một cách dễ dàng. Ông Lê Trung Thọ cho biết: “Theo tôi được biết, Hạt Kiểm lâm Phước Sơn cũng đã triển khai lực lượng kiểm tra khu vực rừng bị khai thác trái phép này. Ngay sau chuyến kiểm tra của Đoàn Liên ngành Nông Sơn, Hạt Kiểm lâm Nông Sơn sẽ có văn bản thông báo cho Hạt Kiểm lâm Phước Sơn”…

(còn nữa)