Không cấp phép đầu tư cho ngành sử dụng nhiều hóa chất

ThienNhien.Net – Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ có chủ trương hạn chế thu hút dự án đầu tư thuộc ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường, công nghệ thấp và thâm dụng nhiều lao động, ưu tiên các dự án có công nghệ cao.

Ngày 21/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định cấm đầu tư với các nhóm ngành sử dụng nhiều hóa chất. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ không cấp phép đầu tư cho các nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực thuộc da; các dự án sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế và sản xuất hóa chất cơ bản.

Bên cạnh đó, các ngành nghề sản xuất công nghiệp khác tuy không nằm trong các dự án tạm dừng thu hút đầu tư nhưng cũng chỉ được xem xét cấp phép đầu tư vào các Khu – Cụm công nghiệp của tỉnh Đồng Nai theo quy định hiện hành mà không được đầu tư bên ngoài. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới, dự án tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Khu công nghiệp Amata tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Khu công nghiệp Amata tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã ban hành Chỉ thị về việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhằm bảo đảm việc thu hút đầu tư được thực hiện đúng quy hoạch, định hướng, đưa kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước sinh họat cũng như sử dụng hiệu quản nguồn lực đất đai, năng lượng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu, không thu hút 8 loại hình dự án, bao gồm: Chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm, thuộc da; các dự án sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao); sản xuất giấy các loại, bột giấy; chế biến bột cá; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm thượng nguồn và các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị cũng yêu cầu hạn chế đầu tư đối với các dự án: Công nghiệp xi mạ; chế biến hải sản; sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật; sản xuất phân bón; sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp: sản xuất da giày, may mặc; dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, nhiều đất, có giá trị gia tăng thấp; dự án có phát sinh chất thải lớn, đặc biệt là khí CO2; dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.

Còn tại TP.HCM, ông Vũ Văn Hòa,Trưởng Ban quản lý KCX – KCN TP.HCM cho biết, tuy UBND TP.HCM chưa ban hành danh mục ngành nghề cấm và hạn chế thu hút đầu tư nhưng chủ trương của TP.HCM trong những năm gần đây là chú trọng thu hút những dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; thu hút các tập đoàn lớn để phát triển các ngành công nghệ tiên tiến và tạo ảnh hưởng rộng kéo theo các công ty vệ tinh (ngành công nghiệp hỗ trợ) vào đầu tư trong KCX – KCN. Mục tiêu là xây dựng hệ thống KCX – KCN TP.HCM xanh, sạch, phát triển bền vững.

Ông Mai Hùng Dũng – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết từ đầu năm đến nay các dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh này chủ yếu là dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian tới Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư đối với những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, cơ cấu lại nội bộ ngành công nghiệp, theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.