Khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên: Bất cập từ khâu quản lý – Kỳ I

ThienNhien.Net – Yên Bái là 1 trong hai địa phương có tài nguyên đá hoa trắng với trữ lượng lớn, chất lượng cao. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đó đã thực sự đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương hay chưa đang là vấn đề quan tâm của huyện Lục Yên.

Thu ngân sách từ khai thác đá hoa trắng không tương xứng với thiệt hại về môi trường (Ảnh: Báo Công Thương)
Thu ngân sách từ khai thác đá hoa trắng không tương xứng với thiệt hại về môi trường (Ảnh: Báo Công Thương)

Kỳ I: Địa phương “hoan hỉ”, ngành thuế “bức xúc”

Từ thành phố Yên Bái đi huyện Lục Yên theo quốc lộ 70 phải mất gần 3 giờ cho đoạn đường gần 80km, chúng tôi cùng các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất khoáng sản mới đến được thị trấn Yên Thế. Ông Hoàng Thanh Trọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên – cho biết: “Lục Yên hiện có 30 doanh nghiệp được cấp khép khai thác khoáng sản chủ yếu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Trong đó có 2 doanh nghiệp khai thác đá hoa trắng là Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam và Công ty Cổ phần khoáng sản Yên Bái (VPG) do tỉnh trực tiếp thu các khoản phí và thuế. Các doanh nghiệp còn lại do huyện trực tiếp thu và trung bình mỗi năm đóng góp khoảng 30% (tương đương với khoảng 20 tỷ đồng) cho ngân sách tại huyện”.

Bên cạnh góp phần tăng ngân sách cho huyện, tạo việc làm cho người dân địa phương thì lãnh đạo huyện Lục Yên cũng thừa nhận, công tác khai thác khoáng sản đã khiến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tại địa phương bị ảnh hưởng, chất lượng đường xuống cấp, cùng với đó là tiếng ồn do các mỏ khai thác đá gây ra.

Để tận thu tài nguyên khoáng sản, doanh nghiệp phải đầu tư thiết bị, máy móc, nhà xưởng, lao động, trong khi thị trường trong nước hạn chế, chi phí vận chuyển cao… Đó cũng chính là lý do khiến các doanh nghiệp không “mặn mà” tận thu tài nguyên khoáng sản.

Khác với sự phấn khởi của ông Trọng, ông Nguyễn Công Ký – Phó Trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ, dự toán (Cục thuế tỉnh Yên Bái) – bức xúc: Thu ngân sách từ khai thác khoáng sản không tương xứng với thiệt hại về môi trường, xã hội cũng như giá trị của nguồn tài nguyên mà doanh nghiệp khai thác. Bởi một số nguồn thu chính từ khai khoáng chủ yếu dựa trên quá trình đàm phán hợp đồng khai thác, đấu giá, cấp phép hoặc được tính toán dựa trên sản lượng do doanh nghiệp khai báo. Nếu các cơ quan quản lý không kiểm soát tốt các thông tin liên quan thì nhà nước có thể thất thoát nguồn thu từ tài nguyên.

Năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái thu thuế của 84 doanh nghiệp khai khoáng được 63,5 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản 35,2 tỷ đồng. Năm 2014 nguồn thu này dự kiến khoảng 77,6 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường khoảng 31 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chiếm khoảng 15% tổng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều DN cũng băn khoăn khi chỉ ra những bất cập liên quan đến thuế, phí khai thác khoáng sản. Đó là: Thuế và phí là dựa trên sản lượng thương phẩm, điều này đã không khuyến khích các doanh nghiệp tận thu tài nguyên. Nói cách khác, doanh nghiệp lấy phần “nạc”, còn phần “xương” đổ ra môi trường, đáng lẽ phần thải bỏ cũng cần phải thu thuế vì trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể đến biểu phí thuế xuất đá hoa trắng hiện nay Bộ Tài chính vẫn chỉ áp mức thuế từ 7-9%, ngang bằng đá xây dựng thông thường. Trong khi 1m3 đá hoa trắng doanh nghiệp bán với giá từ 12 triệu-16 triệu đồng/m3, nhưng phí môi trường chỉ phải nộp 90.000 đồng, nếu tính cả các loại thuế khác thì doanh nghiệp nộp khoảng 1 triệu đồng/m3. Như vậy, tính tất cả các loại chi phí, tối đa doanh nghiệp chỉ chi chưa đến 50% tổng doanh thu.

Kỳ II: Cần cơ chế giám sát có hiệu quả