Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông giúp quản lý hiệu quả nguồn nước

ThienNhien.Net – Ngày 18/8, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Indiana và Đại học Oregon (Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo quốc tế “Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông” với chủ đề “Hạ tầng công nghệ thông tin và tài nguyên nước vùng hạ lưu sông Mê Kông.”

Hội thảo nhằm đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên nước do sông Mê Kông mang lại cho vùng dân cư rộng lớn tại hạ lưu con sông này.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang là thách thức trên toàn cầu, việc ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành mục tiêu và hành động của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Kông như Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia…

Để đảm bảo sự thịnh vượng cho người dân sinh sống tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông, cần phát triển phương pháp tiếp cận quản lý nguồn nước bền vững trong khu vực.

Trên dòng Mê Kông (Ảnh: asiainspirations.co.uk)
Trên dòng Mê Kông (Ảnh: asiainspirations.co.uk)

Thứ trưởng Trần Việt Thanh tin tưởng rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giải quyết bài toán quản lý các nguồn tài nguyên của hạ lưu sông Mê Kông trong điều kiện biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp chia sẻ, bảo vệ và khai thác một cách khoa học nguồn tài nguyên nước.

Tiến sỹ Jennifer Schopf, Giám đốc mạng lưới quốc tế tại Đại học Indiana khẳng định tầm quan trọng của hội thảo Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông trong việc tăng khả năng đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu cho các nước trong khu vực. Hội thảo cũng hội tụ được các nhà khoa học, các chuyên gia hạ tầng công nghệ thông tin và các kỹ sư mạng để tạo ra các mối liên kết mới của dự án, cũng như khởi động những dự án nghiên cứu chưa thực hiện được.

Hội thảo cũng đề cập đến các vấn đề chính sách có ảnh hưởng tới nghiên cứu khoa học và hạ tầng mạng; giới thiệu, thuyết trình liên quan đến các nghiên cứu về tài nguyên nước; chia sẻ kinh nghiệm và trình diễn các công cụ nghiên cứu có dữ liệu lớn…