Lỗ hổng trong quản lý khoáng sản ở Đà Nẵng – Bài 1

Ai đang làm chủ ở Khe Đương?

ThienNhien.Net – P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã thâm nhập vào những đường hầm sâu hun hút ở “thánh địa vàng” một thời – Khe Đương (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), thâm nhập vào các nhóm vận chuyển khoáng sản ở ngoại ô TP, trao đổi với cơ quan chức năng… để tìm hiểu về những lỗ hổng trong quản lý khoáng sản hiện nay.

Tiếng mìn nổ rung chấn núi rừng. Từng tốp người vẫn kéo về bãi vàng Khe Đương xã Hòa Bắc- H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) khai thác trái phép.

“Vàng tặc” ngang nhiên vào bãi lập lán khai thác (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
“Vàng tặc” ngang nhiên vào bãi lập lán khai thác (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Mất mạng như chơi

Từ chân núi lên bãi vàng Khe Đương khoảng 8km đường đá gập ghềnh, quanh co, nhiều đoạn dựng đứng không dành cho những ai yếu tim nếu đi bằng xe máy. Mà quả thực, chỉ có những “chú ngựa sắt” rất thiện chiến cùng tay lái lì lợm của dân bản xứ mới có thể “bò” lên được bãi.

Sáng 6-8, khi chúng tôi vừa tiếp cận tới đầu bãi đã được “chào đón” bằng một đợt mìn nổ vang trời. Hình ảnh đập ngay vào mắt là những lán trại tạm bợ, xiêu vẹo nằm treo leo trên vách núi, cảm giác có thể lăn xuống vực bất cứ lúc nào. Hàng chục người địa phương vẫn đang hì hục đào bới, đãi đất tìm vàng bên vách núi.

Khi chúng tôi đưa máy ảnh, một vài người vội ập đến ngăn cản. Người đàn ông tóc dài, dáng người xương xẩu đe nẹt sẽ đập máy ảnh nếu cố tình chụp. Một người khác da ngăm đen, mặt vã vượi mồ hôi, mang trên mình bộ đồ lấm lem đất có vẻ bình tĩnh hơn, nói: “Chúng tôi dân ở đây, đói khổ quá mới lên mót ít sái về kiếm cơm.

Vàng thì Cty Trường Sơn khai thác hết rồi còn gì đâu. Không có chụp chiếc gì cả”. Khi P.V chui vào đường hầm, một giọng hăm dọa gầm lên: “Trong đó gài mìn rồi, coi chừng không ra nổi”. Bỏ ngoài tai, chúng tôi men theo đường hầm do Cty Trường Sơn để lại vào sâu bên trong vài chục mét là các hầm xương cá ngang dọc y như một… thành phố trong lòng núi.

Tại đây, chúng tôi tiếp tục bắt gặp những người dân đang hì hục đào đất chuyển ra ngoài đãi. Đường hầm tối sâu hun hút, nước chảy tong tong, nhiều đoạn đá tróc từng mảng, hiểm nguy có thể ập xuống tức thì. Hiểm nguy là thế song với “vàng tặc” thì chẳng cần quan tâm.

Trong đường hầm cũ do Cty Trường Sơn nổ mìn để làm này đã xuống cấp trầm trọng, Cty đã bỏ không khai thác, tuy vậy cứ đi một đoạn lại gặp người dân chui vào khai thác. Vào lúc cao điểm khi vài trăm người kéo lên Khe Đương, trong đường hầm lúc nào cũng 30-40 người, tuy nhiên thời điểm hiện tại đã giảm đáng kể.

Nguyễn Văn Đ. – nhân viên Cty Bông Sen Vàng, đơn vị được UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho khai thác tại bãi vàng Khe Đương thay Cty Trường Sơn (bị rút giấy phép) dẫn chúng tôi đi xem “vàng tặc”. Mặc dù Đ. cùng hàng chục “chiến hữu” của Cty Bông Sen Vàng đã lên cắm chốt trên này gần tháng nay, song anh cũng hết sức lo ngại. Những ánh mắt gằm gằm nhìn chúng tôi y như “vật thể lạ”.

Vấn đề đáng ngại không phải người dân khai thác trái phép mà chính là chủ nậu. Để “mục sở thị”, chúng tôi đã len vào rừng tìm tới tận lán trại của đầu nậu T. Khi Đ. và chúng tôi vừa tới lán, T. liền cất cao giọng hỏi: Mày đi đâu? Rồi T. quay sang chúng tôi, mày là ai, cầm máy ảnh làm gì?

Sau khi được giải thích là người của Cty Bông Sen Vàng lên ghi hình làm tư liệu lập báo cáo về trữ lượng của bãi, lúc đó T. mới dịu giọng. T. bảo ngồi uống nước, đưa thuốc cho hút, trong khi 4 “đệ tử” khác của T. thì nhìn chúng tôi trừng trừng, vẻ mặt lạnh như dao. T. nói với Đ. ngày mai sẽ cho nổ mìn đánh sập đường hầm cũ của Cty Trường Sơn để lại vì nếu để người dân cứ vào khai thác, sớm muộn cũng có người chết. T. cũng trấn an, ngày mai sẽ có đoàn kiểm tra lên truy quét, dân địa phương không đáng lo. T. ra oai: Mày thấy chưa, dân lên mấy trăm người, tao nói một tiếng họ về hết, bữa nay còn đáng bao nhiêu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Cty Trường Sơn ngừng khai thác, T. tự đứng ra khai thác tại Khe Đương. Một số nhân viên của Cty Bông Sen Vàng lên tiếp quản lại máy móc từ Cty Trường Sơn cho biết, hằng ngày việc nổ mìn khai thác trên bãi vẫn diễn ra. Thậm chí máy nổ của Cty Bông Sen Vàng đưa lên “vàng tặc” còn tự đổ dầu để sử dụng khai thác vàng trái phép. “Mình không cho họ dùng họ để yên à”- một nhân viên nói.

Đường hầm đã xuống cấp nguy hiểm tới tính mạng nhưng vẫn không ngăn được “vàng tặc” (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Đường hầm đã xuống cấp nguy hiểm tới tính mạng nhưng vẫn không ngăn được “vàng tặc” (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Dẹp có khó không?

Sau khi Cty Trường Sơn chấm dứt hoạt động khai thác vàng tại Khe Đương, TP Đà Nẵng có chủ trương giao cho Cty Bông Sen Vàng tiếp quản khai thác với điều kiện trồng 22 ha rừng. Các thủ tục đều đã được Cty Bông Sen Vàng hoàn tất, được TP chấp thuận, tuy nhiên theo quy định mới của Luật khoáng sản phải có ý kiến phê duyệt của Bộ TN&MT.

Vì lý do đó nên việc cấp phép cho Cty Bông Sen Vàng chậm trễ. Mặt khác, sau khi Cty Trường Sơn chấm dứt khai thác, trong khi chờ chủ mới, thì người dân đã ồ ạt kéo lên Khe Đương khai thác vàng trái phép.

Vào đợt cao điểm khoảng gần 1 tháng trước có tới hơn 300 người kéo lên Khe Đương sau khi rộ lên tin đồn một phu vàng trúng lớn. Sau khi các lực lượng TP tiến hành truy quét, tình hình có dịu xuống. Tuy vậy hiện nay vẫn còn gần 50 người hằng ngày vẫn lên Khe Đương khai thác.

Lãnh đạo Cty Bông Sen Vàng cho biết, vì chưa có giấy phép nên Cty chỉ cử người lên tiếp quản máy móc do Cty Trường Sơn bàn giao lại. Còn việc người dân vào khai thác trái phép thì Cty không có lý do gì để ngăn cản.

Trước thực trạng phức tạp tại Khe Đương, TP Đà Nẵng đã giao cho Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, truy quét, phá hủy các hầm, lò, lán trại, đường công vụ và các máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc khai thác trái phép tại khu vực mỏ vàng Khe Đương.

Tuy nhiên, việc truy quét cũng theo từng đợt, xong “vàng tặc” lại hoạt động bình thường. Thực tế sáng 6-8, khi chúng tôi lên bãi vàng Khe Đương không gặp bất cứ một chốt chặn kiểm soát nào của ngành chức năng và cũng không có bóng dáng ngành chức năng kiểm tra tình trạng khai thác vàng trái phép.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Đà Nẵng, tình trạng người dân vào khai thác trái phép tại bãi vàng Khe Đương là rất nguy hiểm bởi vì hầu hết các hầm lò cũ của Cty Trường Sơn để lại đều đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, cần được sớm phá hủy.

Lãnh đạo Cty Bông Sen Vàng cho rằng việc, việc dẹp “vàng tặc” tại đây không khó bởi vì hầu hết là người dân địa phương, ngành chức năng địa phương biết tên, biết mặt cả. Vấn đề khai thác vàng không đáng ngại bằng nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng tới tính mạng người dân.