Chuyện “nhặt” ở Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Những khu rừng đặc dụng như Mù Cang Chải mang trong mình một sứ mệnh cao cả: bảo tồn và phát triển rừng và giá trị đa dạng sinh học. Tuy nhiên, sứ mệnh ấy đôi khi đã bị coi nhẹ hoặc mang ra đánh đổi. Làm thế nào để thu hút người dân và các nhà quản lý thực sự vì rừng, gắn bó với rừng để bảo vệ rừng? Đó là điều không dễ.

Đầy rẫy những khó khăn

Báo cáo  Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011 của Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ cháy rừng tại 5 xã với diện tích bị cháy là 9,7 ha. Tổng số vụ vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản trái phép 4 vụ, tổng số tịch thu 2,026 mlâm sản, chủ yếu là gỗ pơ mu nhóm IIA.

Mặc dù những con số ghi nhận trên không lớn nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Hứa Duy Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải lại tỏ ra rất lo lắng về sự an nguy của KBT. Theo ông Thắng  thì công tác bảo vệ rừng vẫn còn bộc lộ một số vấn đề đáng ngại. Những vấn đề này liên quan đến khó khăn trong quản lý bảo vệ rừng đối với kiểm lâm do địa bàn quá rộng, sự vào cuộc thiếu nhiệt tình của một số chính quyền địa phương, cán bộ địa bàn chưa nắm rõ phong tục tập quán, ngôn ngữ bản địa làm ảnh hưởng đến kết quả tuyên truyền hay chưa bao quát được thông tin địa bàn nên việc khai thác, buôn bán lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, đời sống nhân dân tại chỗ còn vô cùng khó khăn, trình độ dân trí thấp, bà con sống chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng nên gây áp lực lớn đến rừng, công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Ông Hứa Duy Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải: "Tôi rất lo lắng về sự an nguy của Khu bảo tồn"

Ông Thắng cũng chia sẻ: “Gần đây nghe được thông tin bên tỉnh Sơn La chuẩn bị xây dựng thủy điện trên một con suối lớn giáp ranh với xã Chế Tạo nằm ở vùng lõi của KBT, tôi rất lo bởi nếu làm đập ngăn dòng suối lại sẽ khiến một số diện tích rừng nguyên sinh ở Chế Tạo bị ngập. Thêm nữa, làm thủy điện chắc chắn người ta phải làm đường, đi lại thuận tiện cũng có mặt trái của nó là khiến mối đe dọa về phá rừng tăng lên. Ngay cả trong khi thi công, không ít diện tích rừng đã bị mất”.

Theo ông Thắng thì việc thành lập Hạt kiểm lâm riêng cho Khu bảo tồn Mù Cang Chải là điều cần thiết hiện nay, đề xuất này Hạt cũng đã được kiến nghị với Chi cục kiểm lâm. Diện tích rừng rộng trong khi lực lượng bảo vệ quá mỏng. Cả thảy chỉ có 16 người tại 4 chốt, bảo vệ trên 20.000ha rừng. Bên cạnh đó, kiểm lâm vẫn đang là kiêm nhiệm nên rất nhiều việc. Theo quy định, rừng đặc dụng có diện tích từ 15.000ha có quyền thành lập Hạt kiểm lâm, Mù Cang Chải hoàn toàn đạt tiêu chuẩn này.

Trách nhiệm của nhà quản lý

Kết thúc những ngày lội rừng Mù Cang Chải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Tạo, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, kiêm Giám đốc KBT Mù Cang Chải, với hy vọng tháo gỡ được một phần những trăn trở từ chuyến đi.

– Thưa ông, chúng tôi được biết Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải có nguyện vọng đã kiến nghị với Chi Cục về việc thành lập Hạt kiểm lâm riêng cho Khu bảo tồn Mù Cang Chải? Không biết đề xuất này có được xem xét?

Ông Vũ Ngọc Tạo: Trước mắt thì chưa làm được đâu. Chưa giải quyết được là vì liên quan đến tổ chức, kinh phí. Nếu ra “ở riêng” cần có nhà cửa, có xe. Mình mới có cái hướng như thế để báo cáo tỉnh. Trước tiên cần có tiền để xây một cái trụ sở riêng, Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải cũng chật. Cần có quân số và lãnh đạo, tất nhiên lãnh đạo và quân số không ít thì nhiều, có thể điều ở bên Kiểm lâm sang. Rồi trang thiết bị, phương tiện hoạt động, nếu tách ra là có một vương quốc riêng, bầu trời riêng, nếu chưa đủ sức mạnh thì cần báo cáo với chi cục. Mình đã nói với đồng chí Chi Cục trưởng là xem xét mô hình đó như thế nào. Thực chất cũng không có gì khó vì Ban quản lý trực Khu bảo tồn Mù Cang Chải thuộc Chi Cục. Bây giờ, mình chỉ điều quân, người nọ người kia lên làm Giám đốc, Hạt trưởng, tăng thêm quân cũng có thể lấy từ chi cục.

– Cùng lúc phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, Ban Quản lý Khu bảo tồn đối mặt với khó khăn ra sao?

Ông Vũ Ngọc Tạo: Theo Chi cục Kiểm lâm thì huy động được cả các lực lượng, các Hạt giáp ranh và bản thân Hạt Mù Cang Chải để làm công tác bảo tồn là tốt nhất, thực chất công tác bảo tồn cũng là công tác quản lý bảo vệ rừng, muốn nâng cấp lên để bảo tồn cho sâu xa hơn. Lúc nào cũng phải huy động hạt kiểm lâm sở tại để tăng thêm sức mạnh để làm việc. Trước mắt là cần tập trung quân ở trong Ban quản lý đã, sau đó có gì khó khăn thì huy động thêm sức mạnh ở ngoài, ví dụ như cháy rừng thì tăng cường thêm quân ở tỉnh lên, huy động thêm hạt kiểm lâm sở tại, kiểm lâm tiểu khu trong rừng đặc dụng, phòng hộ. Hiện nay Ban quản lý cũng có mạnh hơn trước về kiểm tra tình hình khai thác, săn bắn, phòng chống cháy, v.v.

– Vâng, về công việc là như vậy, còn khoảng cách thì sao. Lãnh đạo ở cách xa địa bàn tới gần hai trăm cây số?

Ông Vũ Ngọc Tạo: Tất nhiên là nó cũng có khó khăn hơn là cắm một Ban trực tiếp ở đấy, nếu quan tâm điều chỉnh điều khiển thì cũng không vấn đề gì. Nếu bây giờ có tiền thì thành lập Ban cách Hạt Kiểm lâm khoảng chục cây số tại cửa rừng. Vấn đề là quân số, phòng ban theo nhà nước quy định có thể chặt chẽ hơn. Thực ra đã giao cho đồng chí Hạt trưởng Vàng A Lử làm Phó Ban quản lý liên tục kiểm điểm, kiểm tra, đôn đốc. Thực chất chương trình bảo tồn cũng là yêu cầu của Hạt kiểm lâm sở tại.

– Văn phòng Chi cục Kiểm lâm đóng ở thành phố, ông có lên Mù Cang Chải thường xuyên không?

Ông Vũ Ngọc Tạo: Mình cũng hay lên, tháng 1 lần, có tháng 2 lần, 3 lần nhưng bình quân là 1 lần.

– Trong thời gian tới, Khu bảo tồn có dự án nào nhằm thu hút sự đầu tư trong và ngoài nước?

Ông Vũ Ngọc Tạo: Với điều kiện tỉnh nghèo chưa có gì, cho nên bây giờ mình vẫn phải kêu gọi các tổ chức nước ngoài, kêu gọi các quỹ của Trung ương. Các tổ chức nước ngoài họ phải nghe ngóng, đến tận nơi xem có gì thì mới tài trợ. Hiện tại có tổ chức Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã (FFI), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) quan tâm, hay Quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam (VCF), thế nhưng theo chương trình hợp tác VCF đến tháng 10 là hết. Trên mình đang xem xét vấn đề hợp tác chi trả dịch vụ rừng.

– Nghe nói bên Sơn La dự định xây dựng hai công trình thủy điện tiếp giáp với KBT, ông đã nắm được thông tin này chưa?

Ông Vũ Ngọc Tạo: Cái đó chỉ là tiếp giáp thôi, tỉnh Yên Bái còn đang định làm thủy điện trong lòng xã Chế Tạo, vùng lõi KBT ấy. Nhưng hiện nay vẫn đang rục rịch, chưa có kinh phí. Nếu họ làm, mình sẽ phải kiến nghị và có ý kiến. Mình đang có hướng áp dụng theo nghị định 117 của Chính phủ về quản lý rừng đặc dụng Việt Nam nhưng tỉnh nghèo nên cơ sở vật chất rất khó khăn.

– Là lãnh đạo của KBT Mù Cang Chải, ông có thể cho biết tình trạng vi phạm lâm luật trong KBT hiện nay đang diễn ra như thế nào, thưa ông?.

Ông Vũ Ngọc Tạo: Từ khi thành lập đến nay luôn tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tốt, dù bên Sơn La có cháy lan sang nhưng đã ngăn cản được. Khai thác lâm sản trong vùng cũng xảy ra nhưng không lớn, mình đã phối hợp với công an vận động bà con thu được trên 2.000 khẩu súng săn nên đã giảm thiểu nạn săn bắn dần từng bước, số lượng tịch thu này nhiều nhất so với các huyện trong tỉnh.

– Xin chân thành cảm ơn ông!