Thời tiết biến đổi một cách dị thường: Không thể tránh ngập lụt!

ThienNhien.Net – Theo dự báo cuối thế kỷ XXI, khi mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 20% diện tích TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập. Điều này đồng nghĩa, thành phố sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là nước biển dâng.

Theo GS.TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh), BĐKH khiến thời tiết năm nay biến đổi một cách “dị thường” khiến thành phố hiện đối mặt với 3 vấn đề lớn từ thiên nhiên là triều cường dâng cao, nắng nóng kéo dài và lưu lượng mưa tăng. Cụ thể, nhiệt độ đã tăng giảm đột ngột hơn những năm trước (tăng giảm cực đại). Không những thế, những năm trước, cứ vào tháng 5, mưa xuất hiện và rải đều còn bây giờ đến tháng 6 nhưng nắng nóng oi bức vẫn kéo dài, khả năng xuất hiện mưa đá dày đặc rất cao. Đáng quan ngại, mực nước triều tăng đột ngột trong năm nay, trung bình đo tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) thời điểm hiện tại là 1,6m, trong khi những năm trước chỉ dao động 1,53 – 1,54m. Mực nước biển ở Vũng Tàu tăng 0,8 cm/năm nhưng trên các sông, kênh của TP Hồ Chí Minh tăng đến 1,5 cm/năm, gây ra những đỉnh triều đạt mức kỷ lục trong vòng hơn 50 năm trở lại đây trên địa bàn thành phố.

Biến đổi khí hậu đã khiến TP Hồ Chí Minh ngày càng ngập sâu trong nước (Ảnh: Hà Nội Mới)
Biến đổi khí hậu đã khiến TP Hồ Chí Minh ngày càng ngập sâu trong nước (Ảnh: Hà Nội Mới)

Theo ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), BĐKH đã tác động rõ rệt đến TP Hồ Chí Minh khi lượng mưa trung bình hằng năm tăng 0,7mm, trong khi địa hình thành phố thấp dần, có nơi chỉ cao hơn mực nước biển từ 0,5 đến 1m nên tình trạng ngập lụt do BĐKH là điều không thể tránh.

Đề cập đến các giải pháp, ông Hồ Long Phi cho rằng, giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất hiện nay là xây dựng hệ thống cống kiểm soát ngập nhưng lại không phát huy như mong đợi. Cụ thể, theo thiết kế được duyệt thì đường kính van kiểm soát ngập rộng 85mm và dùng trong chu kỳ 3 năm, nhưng với sự BĐKH thì hệ thống này chỉ có thể đáp ứng chống ngập với tần suất không quá 1 năm. Lo ngại hơn, dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng dần đi theo thời gian.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết, hiện thành phố đang nỗ lực triển khai các phương án ứng phó với BĐKH. Cụ thể, đầu tư các dự án để cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giảm phát thải carbon, giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu, tăng cường các hoạt động tiết giảm, tái chế, tái sử dụng rác thải, tăng cường trồng rừng, cây xanh, mảng xanh đô thị như: DA cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hũ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm; DA quy hoạch và hoàn thiện 3 khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải (Tây Bắc, huyện Củ Chi; Đa Phước, huyện Bình Chánh); DA đầu tư mới xe buýt đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải…

Dưới góc nhìn của nhà khoa học, ông Hồ Long Phi cho rằng thành phố cần thực hiện song song và kết hợp chặt chẽ giữa giải pháp cứng và mềm. Cứng là triển khai các bước chuẩn bị kỹ thuật để tiến hành các dự án kiểm soát triều trên diện rộng theo đúng chu kỳ sử dụng (tính được quá trình BĐKH), đồng thời, xây dựng các hồ điều tiết giữ nước trường hợp nước thượng nguồn đổ về. Mềm là thiết kế, quy hoạch và xây dựng cấu trúc không gian đô thị kết hợp nhiều mảng xanh nhằm hạn chế hiệu ứng khí thải nhà kính.

Theo kịch bản tác động của BĐKH đến TP Hồ Chí Minh, vào năm 2050 mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 30cm và khoảng 10% diện tích thành phố sẽ bị ngập. Đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển tiếp tục dâng cao 1m thì khoảng 20% diện tích thành phố bị ngập. Đồng thời, nhiệt độ trung bình tại thành phố dự báo sẽ tăng 1°C vào năm 2050 và 2,6°C năm 2100. Cũng đến năm 2050, hầu hết các quận, huyện địa bàn thành phố sẽ chịu nguy cơ ngập lụt, kể cả những nơi trước đó chưa bị ngập. Cụ thể, có đến 177/322 phường, xã với hơn 123.000ha (chiếm 61% diện tích thành phố) sẽ chịu ngập lụt thường xuyên. Đáng kể, độ sâu ngập sẽ tăng từ 21% đến 40% và thời gian ngập kéo dài thêm 12% đến 22% so với hiện nay.