“Cuộc chiến” lục bình trên dòng Vàm Cỏ

ThienNhien.Net – Trên suốt chiều dài 151km của sông Vàm Cỏ Đông, có khoảng 5 triệu m2 mặt sông bị lục bình che phủ. Đây chính là chỉ dấu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng!

Chỉ dấu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng! (Ảnh: nongnghiep.vn)
Ghe lớn kẹt cứng giữa sông vì lục bình dày đặc (Ảnh: nongnghiep.vn)

Chỉ dấu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng!

Từ nhiều năm nay, sông Vàm Cỏ Đông, một trong 2 con sông quan trọng nhất trong việc điều tiết thủy lợi, giao thông đường thủy của tỉnh Tây Ninh gần như bị tê liệt bởi lục bình chiếm trọn mặt sông. Chính quyền tỉnh này đã tốn không ít công sức, tiền bạc để giải quyết, nhưng chưa có giải pháp nào khả thi.

Méo mặt vì lục bình

Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Tây Ninh, trên suốt chiều dài 151km của sông Vàm Cỏ Đông, bắt đầu từ xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, qua các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng, có khoảng 5 triệu m2 mặt sông bị lục bình che phủ. Hệ lụy gây ra không hề nhỏ.

Kẹt cứng lục bình

Đứng trên cầu Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành lúc ánh nắng chiều đã dịu, nhìn sang 2 bên sông Vàm Cỏ, chúng tôi không nhìn thấy nước sông, thay vào đó là màu xanh ngắt, phủ kín mặt sông của lục bình. Và, giữa màu xanh ngút mắt ấy, chẳng thấy chiếc ghe, xuồng nào.

Đi bộ xuống gầm cầu, gặp mấy người đàn ông đang ngồi nhàn tản sát trụ cầu, trước mặt họ là mấy chiếc ghe nằm im lìm dưới lớp lục bình ken đặc, tôi bước đến hỏi thăm. Người đàn ông trung niên, giới thiệu tên Hùng nói: “Ngồi tán dóc vậy thôi chứ tụi tui đang rầu thúi đây ông ơi. Nhìn thấy màu xanh của lục bình là ớn tận cổ. Nó mà không trôi đi cho nhanh là đói hết”.

Lục bình ken đặc, không còn nhận ra đây là dòng sông
Lục bình ken đặc, không còn nhận ra đây là dòng sông (Ảnh: nongnghiep.vn)

Hỏi ra mới biết, họ là những người chuyên chở thuê nông sản như lúa, khoai mì, mía dọc sông Vàm Cỏ Đông. “Lục bình thế này, không ai dám thuê chở, vì giá vận chuyển cao hơn, thời gian lại lâu hơn. Mà họ có thuê, chúng tôi cũng không dám chạy, vì dầu máy có khi tốn gấp 2 mà chưa chắc đã chạy nổi”, người đàn ông ngồi cạnh giới thiệu là tài công tên Nguyễn Đức Nhân, nói.

Anh Hùng cho biết, nếu không có lục bình, một ngày anh có thể chạy 6-7 chuyến ghe, mỗi chuyến được trả 300 ngàn tiền công (chưa trừ chi phí). Còn có lục bình thì số chuyến giảm xuống còn 2-3. Nghe tôi hỏi: “Nếu chạy giữa sông mà bị kẹt thì sao?”, anh Hùng cười: “Thì ngồi ca hát chơi, hoặc mấy anh em tụ tập lai rai đợi lục bình trôi thì chạy tiếp chứ biết làm gì”.

Như chứng minh cho lời nói, anh Hùng chỉ tay sang phía sông bên kia cầu, nơi có chiếc ghe lớn bị lục bình vây kín, trên ghe, mấy người đàn ông cởi trần đang ngồi nhậu dưới ánh chiều tà.

Đi dọc bờ sông một đoạn ngắn, tôi gặp chiếc ghe của anh Lê Đình Hải, một người dân ở xã Thành Long, đang “chết cứng” giữa đám lục bình. Anh Hải kể, hôm trước anh đi thăm ruộng ở bên kia sông, lúc về đến giữa sông thì kẹt cứng vì lục bình ào về.

Xuồng nhỏ kẹt cứng giữa sông
Xuồng nhỏ kẹt cứng giữa sông (Ảnh: nongnghiep.vn)

Gọi điện thoại cho anh em ra ứng cứu, nhưng rồi mấy cái ghe cùng kẹt thành chùm giữa sông cả mấy tiếng đồng hồ. “Mặt sông thoáng thì chỉ mất chục phút để qua sông, còn lục bình dày đặc thế này phải mất cả vài tiếng không chừng. Nếu ghe yếu, chạy không nổi phải nằm đợi lục bình trôi hết mới đi được”, anh Hải nói.

Cách đó không xa là chiếc ghe khá lớn của anh Ngọc đang neo, đợi lục bình giãn ra mới dám đi tiếp. Anh Ngọc than: “Nếu không có lục bình, ghe tui có thể chạy 15 km/giờ. Nhưng lục bình thế này, phải mất 2 ngày và tốn dầu gấp vài lần”.

Tại khu vực sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành đến xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, lục bình cũng phủ kín mặt sông. Ông Trần Văn Trí, nông dân xã Long Thành Nam, cho biết, mấy năm trước còn cố gắng luồn lách tránh những mảng lục bình khổng lồ để qua sông canh tác, nhưng bây giờ thì không còn chỗ nào trống để lách nữa.

“Tôi và mấy người trong xóm có ruộng bên sông đã hùn tiền mua dây sắt 8 ly và thùng lớn kéo ngang sông chặn lục bình để có khoảng trống chèo xuồng cho nhanh. Nhưng nó sinh sôi nhanh quá, cáp cũng không chịu nổi, đành chịu thua”, ông Trí nói.

Cảng Bến Kéo, một cảng sông lớn nhất Tây Ninh cũng bị lục bình vây kín
Cảng Bến Kéo, một cảng sông lớn nhất Tây Ninh cũng bị lục bình vây kín (Ảnh: nongnghiep.vn)
Chỉ dấu ô nhiễm môi trường

“Nguyên nhân khiến lục bình phát triển với tốc độ chóng mặt như vậy là do những nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột mì, mủ cao su ở 2 bên bờ sông xả thải ra, gây ô nhiễm. Lục bình có đặc điểm là nước càng ô nhiễm càng phát triển mạnh. Vào mùa mưa nước lớn, chảy mạnh, lục bình theo dòng trôi xuống hạ nguồn nên ghe thuyền còn đi lại được. Mùa khô, nước cạn, ô nhiễm càng nặng, lục bình càng sinh sôi nhanh hơn”, ông Trịnh Văn Lo, Phó Giám đốc Sở GT- VT tỉnh Tây Ninh.

Không chỉ ghe nhỏ mới bị nạn lục bình, những ghe vài chục tấn cũng chung số phận. Cách cảng Bến Kéo, xã Long Thành Nam không xa, một chiếc ghe khá lớn đang gầm gừ hết cỡ, khói phun mù mịt, nhưng vẫn không thoát khỏi đám lục bình bao vây. Những người dân hiếu kỳ đứng xem trên bờ cho biết: Chiếc ghe đó chở hàng từ cảng Bến Kéo về miền Tây, bị kẹt từ trưa đến giờ. Chắc hết dầu luôn quá.

“Sông chết”

Với nông dân chuyên vận chuyển bằng ghe xuồng đã vậy, hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi thủy sản trên sông cũng lâm cảnh khốn khổ. Nhiều người đã và đang tìm nghề khác mưu sinh.

Không chỉ di chuyển khó khăn, các loại tôm cá cũng không thể sống dưới lớp lục bình dày đặc như vậy. Anh Nguyễn Đình Văn, từng có ngót 30 năm mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá dọc sông Vàm Cỏ Đông nhận định: “Hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề chài lưới trên dòng sông này, đoạn nào nhiều cá tôm tôi biết rất rõ.

Ngày xưa lục bình cũng có, nhưng chỉ làm cho dòng sông đẹp hơn thôi chứ chẳng ảnh hưởng gì mấy. Còn bây giờ, cá tôm sống không nổi. Lục bình che kín mặt sông, mỗi cụm lục bình lại có một chùm rễ rất to, chiếm hết lòng sông nên thiếu oxy, không còn không gian cho cá nữa”.

Trên sông Vàm Cỏ đoạn qua xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Khải, một hộ dân nuôi cá trên sông, ông cho biết: “Lục bình tràn về ngày càng nhiều. Đã thế, người ta còn căng dây ngang sông chặn lục bình ở đoạn sông phía dưới nên trên này càng ứ lại nhiều hơn. Cá nuôi chết hết. Vụ cá này tui trắng tay rồi.

Nguyên nhân chính khiến lục bình phát triển với tốc độ chóng mặt là do hàng chục cơ sở chế biến khoai mì, mủ cao su, đường, ven 2 bờ sông xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm nguồn nước (Ảnh: nongnghiep.vn)
Nguyên nhân chính khiến lục bình phát triển với tốc độ chóng mặt là do hàng chục cơ sở chế biến khoai mì, mủ cao su, đường, ven 2 bờ sông xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm nguồn nước (Ảnh: nongnghiep.vn)

Tôi đi ghe, từ đây về nhà chừng 300 mét, nhưng phải gần tiếng mới về tới nhà. Mà máy ghe phải mạnh chứ máy yếu không gồng nổi. Lục bình dày đặc như thế này đã mấy ngày nay, không ai di chuyển, làm ăn gì được. Tôi có 2 đứa con trai, trước giờ cũng bám vào sông Vàm Cỏ kiếm sống, nhưng giờ tụi nó đi thành phố làm thuê, làm công nhân”.

Gặp chúng tôi, ông Lâm Văn Thắng, một lão nông ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, trầm ngâm: “Lục bình hiện diện trên sông hay kênh rạch xung quanh đây là chuyện bình thường, từ bao đời nay vẫn vậy chứ không phải bây giờ. Chỉ khác cái là khoảng chục năm trở lại đây, lục bình phát triển nhanh chóng mặt.

Trước kia, đi ghe từ đây xuống Phước Chỉ, Trảng Bàng, chỉ mất 15 phút. Bây giờ, lúc nước thấp, lục bình dày kín thì bó tay. Nếu còn len lỏi được, cũng mất 2-3 tiếng”.

Dọc sông Vàm Cỏ Đông, có rất nhiều nhánh kênh, rạch nhỏ từ các khu dân cư đổ ra sông chính như hình xương cá. Được biết, hệ thống giao thông thủy của Tây Ninh dài hơn 600km, nhưng lượng hàng hóa vận chuyển qua đường này không đáng kể, chỉ khoảng 3%. Hiện nay, lục bình khiến giao thông gần như ngưng trệ, ngay cả cảng Bến Kéo, cảng lớn nhất ở Tây Ninh, cũng hoạt động cầm chừng, phụ thuộc vào lục bình trên sông.