Mất rừng, nhiệt độ toàn vùng Tây Nguyên ngày càng tăng cao

ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong bốn năm (2007-2011) diện tích rừng ở năm tỉnh Tây Nguyên đã bị mất gần 130.000ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên bị mất là trên 107.000ha, rừng trồng mất trên 22.000ha.

Riêng tại Gia Lai trong 6 năm (2006-2012) đã xảy ra 11.164 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 406 vụ phá rừng trái phép; 1.052 vụ khai thác gỗ và lâm sản; hơn 8.800 vụ mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm mạnh diện tích rừng tại 5 tỉnh Tây Nguyên là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp diễn ra quá mạnh; rừng bị phá hoặc cháy tràn lan; chính quyền địa phương buông lỏng quản lý và bảo vệ.

Mặt khác, diện tích rừng giảm nhanh còn do xây dựng quá nhiều công trình thủy điện, cùng với chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cây cao su. Đồng thời chưa có sự thống nhất cao giữa các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý và bảo vệ rừng.

Một cánh đồng nứt nẻ vì khô hạn ở Đắk Lắk (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Một cánh đồng nứt nẻ vì khô hạn ở Đắk Lắk (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Kiểm tra thực tế cho thấy hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên đã và đang bị chuyển đổi trồng cao su, nhưng không ít trường hợp bị lợi dụng khai thác gỗ hoặc sử dụng vào những mục đích khác.

Có địa phương lợi dụng “té nước theo mưa,” phá luôn cả rừng không nghèo. Nên nhìn bề ngoài nhiều cánh rừng vẫn xanh, nhưng đi sâu vào bên trong rừng đã bị mất những diện tích lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến đất bị thoái hóa, suy giảm mạnh hệ sinh thái và nguy cơ gây ra thảm họa lũ quét.

Do đó, để bảo vệ và phát triển rừng, Tây Nguyên rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan. Trước mắt quy hoạch cơ sở chế biến gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là phải có cơ chế chính sách phù hợp.

Vấn đề đáng báo động là biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu rõ nét tại Tây Nguyên, vài năm gần đây nhiệt độ toàn vùng tăng cao hơn hẳn những năm trước. Nắng nóng kéo dài làm khô hạn nhiều khu vực, không ít con sông bị trơ tận đáy.

Chẳng hạn như vào cuối tháng Tám là thời điểm có nhiều mưa nhất ở Tây Nguyên, nhưng một số huyện, xã ở cả năm tỉnh vẫn còn nắng nóng làm hàng nghìn ha cây trồng bị khô cháy, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Số liệu đo mưa ở Tây Nguyên cũng cho thấy lượng mưa năm của nhiều khu vực có dấu hiệu thay đổi đáng kể, theo hướng nơi nào có mưa nhiều nhiều thì lượng mưa tăng hơn, còn những nơi ít mưa càng ít hơn.

Đặc biệt, hiện tượng mưa tập trung với cường độ mạnh và lưu lượng lớn có tần suất xuất hiện cao hơn, là nguyên nhân làm cho hiện tượng thiên tai như lũ quét, sạt lở đất xuất hiện nhiều và nguy hiểm hơn.

Để ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giáo sư-tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá khuyến cáo trước hết, Tây Nguyên phải hạn chế phá rừng, đi đôi với trồng rừng và tái tạo rừng, phòng chống cháy…

Trên lĩnh vực nông nghiệp nên ứng dụng các mô hình “xanh-sạch” có hiệu quả, như cải tiến quản lý tưới tiêu cho lúa nước, chế độ phân bón…, đặc biệt là chú ý chống hạn trong mùa khô hàng năm.

Quản lý hồ thủy điện cần xem trọng hơn công tác điều tiết cấp nước mùa khô cho người, cây trồng, vật nuôi; khuyến khích nông dân sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt như công nghệ tưới của Israel.

Trong công tác phòng tránh lũ quét và sạt lở đất thì việc cần làm ngay là phải lập bản đồ nguy cơ lũ quét cho toàn vùng. Điều đáng quan tâm nhất là bảo vệ rừng-mặt đệm của lưu vực, yếu tố quan trọng liên quan đến sự tập trung dòng chảy của các lưu vực sông trên địa bàn Tây Nguyên. Đầu tư xây dựng thêm mạng lưới trạm quan trắc đo đạc, đặc biệt là các trạm đo mưa tại các vùng đã từng có mưa lớn phát sinh lũ quét và sạt lở đất.

Khi quy hoạch khu dân cư, hay bố trí thời vụ sản xuất, các loại cây trồng cần tuân thủ chặt chẽ tính an toàn, lâu bền giữa đời sống sinh hoạt và sản xuất. Không vì sự tiện lợi của nguồn nước mà bố trí khu dân cư ở nơi trũng thấp hay ven sông suối; chú trọng việc xây dựng các phương án bố trí tránh và hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra, trong đó ưu tiên hàng đầu cho việc sơ tán, di chuyển dân và tài sản ra khỏi vùng xảy ra lũ quét và sạt lở đất.