ThienNhien.Net – Bị chính quyền các cấp xử phạt không biết bao nhiêu lần… nhưng gần 10 năm qua, hơn 20 cơ sở ô nhiễm xen cài trong khu dân cư của quận 12, TP HCM vẫn chưa có chỗ di dời
Sở dĩ tình trạng ô nhiễm kéo dài hơn 10 năm nay ở 2 khu phố (KP) 4 và 5 thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12 là do không tìm được chỗ di dời hơn 20 cơ sở ô nhiễm và chưa có “nhạc trưởng” đứng ra giải quyết.
Dân bức xúc lắm rồi!
Dẫn chúng tôi đi một vòng các cơ sở chủ yếu là những ngành nghề độc hại như dệt, nhuộm, giặt, chế biến thực phẩm, tái chế giấy… (theo quy định thì không được xen cài trong khu dân cư) nằm trong KP 4, ông Châu Văn Tuấn, trưởng ban điều hành KP, cho biết: “Dân bức xúc lắm rồi! Ngày 4-5 vừa qua, hơn 20 người lại kéo lên ban điều hành KP để mắng vốn việc sau lễ, các cơ sở trên đua nhau xả khói, bụi đen nghịt. Dân kêu riết cũng ngán, may là họ hiểu lý lẽ nên không làm dữ. Mỗi lần như vậy, chúng tôi nhờ UBND phường đến vận động rồi hứa hẹn với dân để họ mát dạ quay về nhà. Theo tôi, cái dân cần không phải là những lời hứa mà phải sớm có một “nhạc trưởng”, cụ thể là UBND TP, đứng ra chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cùng phối hợp xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm”.
Đến nhà bà Lê Thị Sờ, sống ngay trong khu dân cư này, chúng tôi vừa ngồi xuống thì mùi khét lẹt từ khói đốt lò xộc vào mũi. Bà Sờ cho biết các cơ sở đốt lò bằng vỏ hạt điều, cao su, mạt cưa nên rất ô nhiễm. Hầu như năm nào người dân xung quanh cũng lên tiếng, kiến nghị địa phương nhưng tình hình vẫn như cũ. Mỗi ngày đều đặn 2 lần, 5 giờ và 19 giờ là các công ty xả thải, khói bụi. “Người già, trẻ nhỏ đều mắc nhiều chứng bệnh liên quan đến hô hấp. Có nhiều hộ phải đóng cửa và đi thuê nhà ở nơi khác” – bà Sờ bức xúc.
Theo UBND quận 12, những điểm nóng này do lịch sử để lại (có trước Quyết định 200/2004 của UBND TP về công bố danh sách các ngành nghề sản xuất kinh doanh không cấp mới giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép kinh doanh), nằm trong kế hoạch di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư nên số liệu xử phạt năm sau luôn cao hơn năm trước. “Tuy nhiên, việc xử phạt không ăn thua bởi hầu hết cơ sở ở đây, từ nhỏ đến vừa, nếu di dời rất tốn kém nên họ cố duy trì được ngày nào hay ngày đó” – ông Nguyễn Toàn Thắng, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết.
Gấp rút tìm chỗ tiếp nhận
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP sáng 7-5, ông Thắng cho biết hiện chưa tìm được khu công nghiệp (KCN) hay cụm công nghiệp nào để di dời các cơ sở ô nhiễm trên, đồng thời chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ việc di dời. “Chúng tôi kiến nghị HĐND TP sớm có nghị quyết về xử lý, di dời các cơ sở ô nhiễm trong khu dân cư như đề án di dời của TP giai đoạn 2002-2007, việc di dời do Ban Chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường của TP chủ trì, có cơ chế hỗ trợ và địa điểm phù hợp”.
Theo ông Thắng, khi làm việc với các cơ sở ô nhiễm thì họ chấp nhận di dời. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng “đánh tiếng” với các KCN lân cận như Tân Phú Trung, Hòa Phú (huyện Củ Chi) thì cả hai đều chưa thể tiếp nhận. Lý do là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tại KCN không phù hợp với các ngành nghề trên hoặc do hệ thống xử lý nước thải của KCN đã quá tải, không thể tiếp nhận thêm những ngành nghề xả thải nhiều và mức độ ô nhiễm cao.
“Những KCN như Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) – nơi từng tiếp nhận các cơ sở ô nhiễm tương tự như trên – thì sao?” – chúng tôi đặt vấn đề. Ông Thắng cho biết sắp tới, UBND quận sẽ làm việc với 2 đơn vị này, cố gắng tìm nơi gấp rút di dời các cơ sở ô nhiễm trên. “Chúng tôi rất cần sự ủng hộ của UBND TP và Ban Quản lý các KCN và KCX (Hepza)” – ông Thắng nói.
Phải đeo bám, xử “điểm” một cơ sở
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP, UBND quận 12 cần đeo bám, xử “điểm” một cơ sở gây ô nhiễm, đừng để tái phạm. HĐND TP sẽ kiến nghị UBND TP sớm thành lập ban chỉ đạo xử lý, di dời các cơ sở ô nhiễm xen cài trong khu dân cư. “Ngoài ra, HĐND TP sẽ kiến nghị có buổi kiểm tra đột xuất các cơ sở trên và rút giấy phép kinh doanh nếu vi phạm” – ông Lâm khẳng định. |