Đại biểu Quốc hội: Cần một Ủy ban quốc gia giám sát xử lý về Formosa

ThienNhien.Net – ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Cần có một cơ quan để thẩm định giám sát và trả lời thỏa đáng cho cử tri: Dự án này có xứng đáng để tồn tại nữa hay không?

Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nêu rõ, việc Công ty Formosa che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã gây nhiều bất bình và bức xúc trong nhân dân và công luận.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài.

Formosa có xứng đáng tồn tại?

Trao đổi với phóng viên tại hành lang Quốc hội về những nội dung trên, ông Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TP HCM khẳng định, chúng ta đã tìm ra được những nguyên nhân, quy được trách nhiệm cụ thể trong vụ Formosa xả thải. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư Formosa chúng ta cần đánh giá nhiều yếu tố.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân
ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Đây là nhà đầu tư có lý lịch về môi trường không tốt, đáng lý ra điều đó phải được “ưu tiên” hàng đầu trong việc quan tâm và giám sát. Cho nên đây là bài học rất lớn trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là FDI trong thời gian vừa qua.

Ông Trần Hoàng Ngân khẳng định: “Chúng ta đồng ý quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi sự tăng trưởng kinh tế để hy sinh môi trường. Quan điểm đó phải được xuyên suốt trong cả giai đoạn tiếp theo. Huy động vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá”.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, dự án Formosa không còn là của riêng Hà Tĩnh nữa, mà là dự án liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, cả ngành kinh tế biển, du lịch; liên quan đến cả đất nước và nền kinh tế của Việt Nam. Cho nên khi giải quyết, Formosa phải được xem là dự án của quốc gia và do đó không thể giao cho UBND tỉnh hay Sở TNMT Hà Tĩnh giải quyết vấn đề chất thải ở đây.

Tất cả việc xử lý hậu quả và những động thái tiếp theo cần giao cho một đơn vị của một Ủy ban quốc gia, dưới sự giám giát của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Môi trường của Quốc hội. Đây là yếu tố cần phải đưa lên hàng đầu, là điều cử tri “đặt hàng đối với các Ủy ban.

“Tất cả những điều đó phải được xem xét thận trọng và có một cơ quan để thẩm định giám sát và trả lời thỏa đáng cho cử tri rằng: Dự án này có xứng đáng để tồn tại nữa hay không? Chúng ta đã có chính sách hỗ trợ cho người dân. Nhưng rõ ràng việc hỗ trợ đó không thể bù đắp được những tổn thương, kể cả cho ngành kinh tế biển, người dân, tài nguyên thiên nhiên biển hiện nay.

Nếu dừng dự án Formosa, tôi nghĩ hậu quả sẽ không lớn bằng việc để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về mặt môi trường lại tiếp tục tàn phá môi trường ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này phải thuyết phục, rõ ràng, minh bạch, có cơ sở khoa học vì sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư khác” – ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Bài học cho kêu gọi đầu tư

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau nhấn mạnh: “Trong quá trình mời gọi đầu tư cũng như phát huy nội lực phát triển kinh tế đất nước, vấn đề an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, cũng như mối đe dọa ảnh hưởng tới đời sống an sinh xã hội như môi trường cần phải được quan tâm hàng đầu. Sự cố Formosa chính là bài học trong nắm bắt và kiểm soát chặt chẽ, thận trọng hơn nữa trong quá trình mời gọi cũng như thu hút đầu tư, đặc biệt là vấn đề đầu tư khai thác tài nguyên khoáng sản”.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, cần phải rà soát lại toàn bộ các vấn đề về môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nước,  không ảnh hưởng đến môi trường. Điều này không chỉ áp với các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài mà tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên đất nước Việt Nam. Như vậy, những dự án nào không thỏa mãn những tiêu chí về môi trường thì phải ngừng ngay.

ĐB Nguyễn Hoàng Ngân cũng kiến nghị cần kịp thời sửa hoặc hoàn thiện thể chế luật pháp trong việc phân công, phân cấp quản lý môi trường. Nên thống nhất giao về một Bộ duy nhất, bởi hiện nay chất thải rắn là Bộ Xây dựng, chất thải độc hại là Bộ TNMT, chất thải y tế là Bộ Y tế quản lý giám sát. Bài học về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đã cho thấy, người dân cuối cùng vẫn bị tác động rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, ĐB tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho biết ngư dân miền Trung rất quan tâm đến cuộc sống an sinh trước mắt cũng như lâu dài, để họ được sống bằng nghề đánh bắt, cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Đối với Formosa, trước hết xác định thủ phạm có chịu trách nhiệm với hậu quả gây ra hay không? Những ai phải chịu trách nhiệm? Điều chúng tôi quan tâm là quá trình khôi phục lại nguồn lợi thủy sản, tài nguyên, bảo đảm được nghề khai thác hải sản lâu dài. Đây cũng là cảnh tỉnh chúng ta phải quan tâm đến môi trường, nguồn lợi của biển nói chung về lâu dài”.