Cấp bách bảo vệ môi trường, sinh thái biển

ThienNhien.Net – Tài nguyên và môi trường biển có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng, gắn liền với chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng biển. Tuy nhiên, môi trường biển đang ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ.

Ô nhiễm từ đất liền

Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.260 km, có vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền với số lượng dân số chiếm gần 50% dân số cả nước. Đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, nguồn tài nguyên và môi trường sinh thái biển đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm.

Rác thải tràn ngập ven biển Sa Kỳ tại thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi (Ảnh: Thanh Long - TTXVN)
Rác thải tràn ngập ven biển Sa Kỳ tại thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi (Ảnh: Thanh Long – TTXVN)

Một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường biển hiện nay là do hoạt động của dân cư ven biển và các hoạt động trên biển. TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) (TN&MT) cho biết, hoạt động của dân cư ven biển đã làm phát sinh nhiều loại chất thải ra môi trường và thải đổ vào biển qua hệ thống sông ngòi, kênh rạch. Lượng chất thải này liên tục gia tăng, mạnh nhất là ở các đô thị ven biển, nơi tập trung các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và thu hút lao động từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

“Chất thải và nước thải sinh hoạt từ các dịch vụ du lịch là nguyên nhân trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước mặt ở khu vực gần các khách sạn, nhà nghỉ, nơi cung ứng dịch vụ du lịch. Ở Việt Nam, nước thải khu vực ven biển, trong đó du lịch là nguồn xả thải chính, chiếm ¼ tổng lượng nước thải trên cả nước”, TS Tài cho biết.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các vùng ven biển cũng gây ô nhiễm. Thức ăn và kháng sinh dư thừa từ quá trình nuôi, cùng với nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đã gây ô nhiễm nước vùng ven biển. Nhiều địa phương nuôi trồng tại các vùng cửa sông, cửa biển gây suy thoái hoặc giảm diện tích các hệ sinh thái tự nhiên như rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều… Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa chất độc hại trong đánh bắt hải sản cũng làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm.

Hoạt động của ngành khai khoáng cũng gây nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Nước thải ở các mỏ than ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường vùng ven biển như: Gây bồi lấp, làm mất nguồn thủy sinh, suy giảm chất lượng nước. Lượng nước thải từ các khu vực khai thác than khoảng 25 -30 triệu m3/năm có độ axít cao. Lượng chất thải rắn trong khai thác than khoảng 150 triệu m3/năm. Những bãi thải tại Quảng Ninh, nhất là khu vực gần Vịnh Bái Tử Long, gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển tại các vùng này. Đối với khai thác dầu khí, nguy cơ tràn dầu trong quá trình khai thác, sang tải, vận chuyển dầu và ô nhiễm các chất độc hại tương đối lớn.

Đồng bộ giải pháp

Ô nhiễm môi trường làm suy thoái các hệ sinh thái, dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản. Theo kết quả khảo sát, trữ lượng cá đáy biển Việt Nam năm 1984 khoảng hơn 1.840.619 tấn, đến năm 1994, chỉ còn 1.029.040 tấn. Như vậy, trong khoảng 10 năm, trữ lượng cá biển giảm 46%, dẫn đến năng suất đánh bắt giảm liên tục, giảm mạnh nhất ở khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo. Cùng với đó, nhiều loại sinh vật biển đang bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng.

Đáng chú ý là diện tích rừng ngập mặn đang bị suy giảm nghiêm trọng. TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TNMT dẫn chứng: “Diện tích rừng ngập mặn của nước ta đang giảm nhanh. Nhiều diện tích rừng ngập mặn tại Quảng Ninh, Hải Phòng bị chặt phá với mục đích khai hoang, lấn biển. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người dân phá rừng tự nhiên và rừng trồng để làm đầm nuôi tôm, khiến cho rừng bị suy thoái nghiêm trọng, diện tích khoanh nuôi chiếm 50 -80% diện tích rừng ngập mặn phân bố ở bãi triều cao”.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa thực hiện phân vùng chức năng các vùng biển nên còn xảy ra xung đột giữa khai thác, phát triển kinh tế với bảo tồn. Hệ thống chính sách, pháp luật tổ chức quản lý TN&MT còn tiếp cận đơn ngành, phân tán, chồng chéo, trùng lặp và thiếu chiến lược, quy hoạch cụ thể…

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là chiến lược được các chuyên gia đánh giá cao, giúp định hướng, khai thác tài nguyên biển theo hướng bền vững.

“Phải hiểu rõ hơn về biển, đánh giá tiềm năng, vị thế của biển, dự báo về thiên tai từ biển, qua đó phát huy những tiềm năng, lợi thế và hạn chế những bất lợi, đồng thời bảo vệ được môi trường biển. Cũng cần thực hiện ngay các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án kinh tế – xã hội vùng ven biển, trên biển; kiểm tra, giám sát và ngăn chặn các vi phạm để bảo vệ môi trường biển”, TS Nguyễn Văn Tài khẳng định.