Kiểm lâm giải cứu gỗ lậu?

ThienNhien.Net – Theo hồ sơ vụ việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang đã biến hàng trăm khối gỗ lậu thành gỗ hợp pháp bằng những bảng kê lâm sản theo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết cơ quan chức năng đang làm rõ việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang bị tố cáo giải cứu 3 vụ mua bán, vận chuyển gỗ trái phép với số lượng gần 125 m3.

Mời thợ cưa làm… giám định viên

Theo hồ sơ phóng viên có được, tối 21-11-2013, trinh sát Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra xe tải 63C- 02328 chở gỗ do tài xế Phạm Văn Thuận (ngụ huyện Cai Lậy) điều khiển. Ông Thuận xuất trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ là bảng kê lâm sản có xác nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk nhưng ghi rõ phương tiện vận chuyển là xe 63C-00789.

Tài xế Thuận khai chở 35 m3 gỗ bằng lăng, bình linh và sến từ Gia Lai về Cai Lậy giao khoảng 6 m3, sau đó lên TP HCM bán nhưng không ai mua nên quay về huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thì bị công an phát hiện. Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Tiền Giang đã chuyển vụ việc cho chi cục kiểm lâm tiếp tục xử lý với đánh giá: Bộ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc do tài xế Thuận cung cấp không phải hồ sơ của lô gỗ vận chuyển trên xe 63C-02328.

Khi tiếp nhận xe gỗ, ông Nguyễn Thanh Trúc, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động – Phòng chống cháy rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang, liền lập biên bản kiểm tra, kết luận “gỗ đo thực tế trên xe 63C-02328 với số lượng 163 hộp không phù hợp hồ sơ lâm sản do tài xế cung cấp” – tức xác định số gỗ này là lậu. Song, sau đó, ông Trúc giúp chủ số hàng này – bà Huỳnh Thanh Tuyền, ngụ huyện Cai Lậy – bằng cách mời 3 thợ cưa đến để… giám định loại gỗ.

Trong biên bản xác định gỗ, ông Trúc đưa ra kết quả có 22 hộp gỗ sến để phù hợp với lý lịch lâm sản mà tài xế đã cung cấp và 55 hộp gỗ căm xe không nguồn gốc. Sau đó, ông Trúc lập biên bản bà Tuyền vi phạm với chỉ 3,791 m3 gỗ lậu rồi tham mưu cho chi cục trưởng chi cục kiểm lâm ra quyết định phạt bà 40 triệu đồng và tịch thu số gỗ này. 32,408 m3 gỗ lậu còn lại được giải cứu một cách ngoạn mục.

Hai xe chở gỗ bị CSGT Trạm Trung Lương bắt giữ ngày 15-6-2013 (Ảnh: Minh Sơn/Nld.com.vn)
Hai xe chở gỗ bị CSGT Trạm Trung Lương bắt giữ ngày 15-6-2013 (Ảnh: Minh Sơn/Nld.com.vn)

Làm xiếc trên lóng gỗ

Trước đó, ngày 14-5-2013, Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra và tạm giữ xe 66S-6282 chở hơn 37 m3 gỗ bằng lăng xẻ hộp không rõ nguồn gốc rồi chuyển chi cục kiểm lâm xử lý. Chủ hàng là ông Phạm Ngọ Tuấn (Đồng Tháp) đã đến công an xuất trình bản sao chứng minh nguồn gốc gỗ mua của Công ty S.Đ ở tỉnh Gia Lai. Theo kết quả kiểm tra của chi cục kiểm lâm, xe chở 111 lóng gỗ bằng lăng (37,028 m3) không có ký hiệu đầu lóng và quy cách (dài, rộng…) không khớp với bảng kê lâm sản của Công ty S.Đ.

Trong khi đó, làm việc với công an, ông N.T.Q, Giám đốc Công ty S.Đ, xuất trình bảng kê lâm sản bán ra là những lóng gỗ đều ghi ký hiệu. Trong bảng tường trình, ông Q. nêu rõ: “Chúng tôi vẫn chưa xác định được lâm sản trên xe 66S-6282 có phải là số gỗ chúng tôi xuất bán cho ông Tuấn hay không”.

Sau đó, không rõ lý do gì mà ngày 17-7-2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang tiếp tục đo đếm lại từng lóng gỗ. Lập tức, bảng kê lâm sản thể hiện số gỗ bằng lăng bị bắt giữ trước đó đều có ký hiệu, chỉ 3,9 m3 là không nguồn gốc. Ông Tuấn được trả số gỗ còn lại và chỉ bị xử phạt 40 triệu đồng.

Trong một vụ khác, ngày 14-6-2013, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với chi cục kiểm lâm kiểm tra trại cưa gỗ của ông Nguyễn Văn Năm (huyện Cai Lậy) và lập biên bản tạm giữ 95 hộp gỗ bằng lăng (hơn 23,5 m3) không rõ nguồn gốc để điều tra. Hôm sau, CSGT Trạm Trung Lương tiếp tục bắt giữ 2 xe cẩu chở gỗ cho ông Năm (136 hộp – hơn 42,5 m3). Tài xế chỉ xuất trình bảng kê lâm sản của ông Năm nhưng không có xác nhận của kiểm lâm nên CSGT giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang làm rõ nguồn gốc số gỗ này.

Như vậy, tổng số gỗ không rõ nguồn gốc mà chi cục kiểm lâm tạm giữ của ông Năm là hơn 66 m3. Tại cơ quan công an, ông Năm cho biết số gỗ này là của ông Trần Văn Nhuận (huyện Cai Lậy). Ông Nhuận đã nhờ ông Năm xuất hóa đơn đỏ bán số gỗ này cho bà Nguyễn Thị Lệ (thị xã Gò Công) để hợp thức hóa khi đi đường. Trong khi đó, ông Nhuận khai số gỗ này là của ông Hoàng Xuân Trung ở TP HCM.

Kiểm tra thực tế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang lập bảng kê lâm sản thể hiện tất cả số gỗ này đều không có ký hiệu đầu lóng. Tuy nhiên, sau đó, ông Trung mang bảng kê lâm sản đến công an nộp nhưng lại có ký hiệu đầu lóng gỗ. Điều này chứng tỏ số gỗ mà chi cục kiểm lâm tạm giữ của ông Năm không phù hợp với bảng kê lâm sản do ông Trung cung cấp cho cơ quan chức năng.

Đến ngày 12-8-2013, ông Trung đến chi cục kiểm lâm tự nhận trong số gỗ bị bắt giữ có 39 lóng (12,3 m3) là lậu. Từ đó, cơ quan kiểm lâm và công an thống nhất xử lý ông Trung hành vi vận chuyển 12,3 m3 gỗ lậu, đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang phạt 75 triệu đồng. 54,2 m3 gỗ còn lại được chi cục kiểm lâm trả cho ông Trung.

Tại cơ quan công an, ông Năm khai rõ số gỗ nêu trên không có nguồn gốc và ông cũng không mua bán, chỉ xuất hóa đơn đỏ bán hàng khống để hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, cuộc họp giữa PC46 Công an tỉnh Tiền Giang và chi cục kiểm lâm ngày 13-8-2013 lại thống nhất không xử lý ông Năm về hành vi bán hóa đơn đỏ, vì “là người cung cấp thông tin phục vụ kiểm tra bắt giữ lô gỗ”!

Phải bị xử lý hình sự

Theo giới kinh doanh gỗ, các loại gỗ lậu được vận chuyển từ Tây Nguyên về ĐBSCL đều sử dụng lý lịch lâm sản theo kiểu một lý lịch có thể vận chuyển hàng chục chuyến xe. Khi bị phát hiện, tài xế hoặc chủ hàng vẫn xuất trình được lý lịch lâm sản nhưng nếu cơ quan chức năng kiểm tra từng lóng gỗ thì sẽ thấy ngay gian dối.

Trong khi đó, Nghị định 99/2009 của Chính phủ quy định rõ hành vi mua bán, kinh doanh, vận chuyển gỗ không có nguồn gốc hợp pháp với tổng khối lượng trên 20 m3 thì phải bị xử lý hình sự.