Dựa vào dân để giữ rừng Sơn La

ThienNhien.Net – Với gần 900.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn nửa diện tích là đất rừng nằm đan xen với địa bàn sản xuất nên việc bảo vệ rừng ở Sơn La phải dựa vào nông dân – những chủ rừng từ bao đời nay.

Ông Lò Thế Thi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La, cho biết: Cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát, trực 24/24 giờ, việc nâng cao nhận thức về rừng, ý thức bảo vệ rừng cho người dân được chúng tôi đặc biệt chú trọng.

Giữ rừng là một tiêu chí thi đua

Theo ông Thi, riêng trong quý I/2014, ngoài những biện pháp như: Phối hợp với báo, đài; phát hành tài liệu, băng, đĩa tới cơ sở để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm Sơn La đã phối hợp với Hội nông dân (nông dân) và các tổ chức hội, đoàn thể địa phương tổ chức 218 hội nghị tuyên truyền, bảo vệ rừng, thu hút 13.872 lượt người tới dự, trong đó chủ yếu là nông dân – những chủ rừng thực thụ. Chính nông dân là lực lượng bảo vệ rừng sâu sát nhất, thường xuyên nhất và hiệu quả nhất nếu ý thức của họ được nâng cao.

Nông dân huyện Phù Yên khi đốt nương có người giám sát, chia nhỏ điểm đốt và tránh giờ cao điểm nắng nóng để ngăn chặn cháy rừng (Ảnh: Dân Việt)
Nông dân huyện Phù Yên khi đốt nương có người giám sát, chia nhỏ điểm đốt và tránh giờ cao điểm nắng nóng để ngăn chặn cháy rừng (Ảnh: Dân Việt)

Phù Yên là một trong những huyện có diện tích rừng khá lớn của tỉnh. Ông Cầm Văn Thiết – Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết: Các cấp Hội nông dân không chỉ phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân giữ rừng mà còn đưa hiệu quả giữ rừng vào tiêu chí thi đua của cá nhân, đơn vị.

Đơn vị nào bảo vệ rừng không tốt, cá nhân nào còn vi phạm luật bảo vệ rừng sẽ mất điểm thi đua, không được xét danh hiệu văn hóa. Nhờ đó, số vụ vi phạm về cháy rừng do làm nương rẫy, xâm phạm đất rừng, lấy gỗ bừa bãi giảm hẳn so với những năm trước. Đặc biệt, khi phát hiện có lửa đe dọa rừng, nông dân tự giác tổ chức canh gác, phòng, chống cháy rừng.

“Giữ rừng như giữ cái đầu mình”

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Sơn La, trong tháng 2 và 3 vừa qua – thời gian cao điểm nhất trong năm về công tác phòng chống cháy rừng (PCCR), toàn tỉnh Sơn La có tới 490 điểm cháy nhưng chỉ có 6 vụ cháy gây thiệt hại đến rừng ở mức độ nhẹ, còn 484 điểm cháy khác là do dân đốt nương, rẫy.

“Không chỉ phối hợp với các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động 100% hội viên, nông dân giữ rừng mà còn đưa hiệu quả giữ rừng vào tiêu chí thi đua của cá nhân, đơn vị” – Ông Cầm Văn Thiết

Ông Nguyễn Văn Kỳ- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, tâm sự: Mấy chục năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy ý thức và trách nhiệm giữ rừng của nông dân Sơn La cao như hiện nay. Năm 2013 là năm nắng nóng, gió Lào ở Sơn La kéo dài nhưng số vụ cháy rừng giảm rất mạnh.

Ở Mai Sơn, có vài vụ cháy nhỏ do người dân đốt nương gây ra. Họ đã tự giác tổ chức lực lượng chữa cháy và dập lửa, thiệt hại không đáng kể. Ngay sau đó, những nông dân gây ra cháy rừng đã tự giác đến kiểm lâm nhận lỗi, nhận phạt. Đó là điều xưa nay chưa từng có ở Sơn La.

Với những nông dân nghèo ở bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, thì: “Việc giữ rừng như giữ cái đầu mình thôi. Mất rừng là bị lũ quét về phá bản, bị hạn hán mất mùa. Con ong không về làm mật, ngô không ra bắp, lúa chẳng có bông…

Người dân bản Nhọt nhiều năm nay không còn phá rừng mà tham gia trồng rừng, giữ rừng, không cho kẻ xấu về lấy gỗ, săn thú nữa. Nếu có cháy xảy ra, dù không phải rừng của bản mình cũng chung tay dập lửa. Chi hội nông dân ở đây theo dõi sát việc làm của từng hộ, đến kỳ sinh hoạt, họp bản sẽ phê bình ai chưa làm tốt, biểu dương ai tích cực giữ rừng…” – già bản Đinh Văn Lân tâm sự.