Hàng loạt trạm trộn bê tông mọc trái phép trên đất lâm nghiệp tại Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp ngang nhiên cho xả bê tông rửa thùng, xả bê tông thừa vô tội vạ khiến môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, công tác quản lý của cơ quan chức năng địa phương chưa kiên quyết dẫn đến tình trạng nhờn luật.
Xã thông báo sai phạm, huyện ngó lơ?
Con đường nhỏ dẫn vào xã Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc) hàng ngày phải cõng trên lưng hàng trăm chiếc xe bồn chở bê tông. Người dân địa phương bức xúc phản ánh những chiếc xe này là để phục vụ một trạm trộn bê tông trái phép mọc trên đất lâm nghiệp trong khu vực. Trạm trộn trái phép này đã hoạt động trong thời gian dài nhưng vì không được xử lý nên ngày càng quá đáng, vô tư xả nước thải, chất thải ra môi trường.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Hồng Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vân cho biết, phản ánh của người dân là về trạm trộn bê tông Vĩnh Phúc nằm tại khu vực Trại Giềng trên địa bàn xã. Ông Thủy khẳng định xã Thanh Vân đã làm hết chức năng nhiệm vụ của mình, tiến hành xử phạt việc doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vân thừa nhận mức phạt này chỉ như “muối bỏ bể” vì thẩm quyền xã chỉ xử phạt chưa đến 5 triệu đồng đối với hành vi trên. Điều khó hiểu là dù chính quyền xã Thanh Vân đã báo cáo với UBND huyện Tam Dương nhưng vẫn không nhận được chỉ đạo để phối hợp với huyện giải quyết dứt điểm.
“Chúng tôi đã xử lý vi phạm hành chính vì hành vi xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Mức phạt cụ thể chỉ có 4,9 triệu đồng. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo cụ thể, đầy đủ lên huyện để xử lý, xã không đủ thẩm quyền giải quyết. Đến nay, chúng tôi không nhận chỉ đạo nào từ huyện. Xe bồn cả mấy chục tấn chạy trên đường liên thôn, liên xã thì người dân bị ảnh hưởng là điều dễ thấy”.
Để tìm hiểu vấn đề, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Tam Dương. Lãnh đạo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tam Dương cung cấp một số tài liệu liên quan và thừa nhận chưa từng xử lý trường hợp sai phạm trên.
Phạt chưa đủ răn đe nên nhờn luật?
Một trường hợp vi phạm khác cũng tại Tam Dương là Công ty CP Kỹ nghệ bê tông Việt Nhật (Công ty bê tông Việt Nhật). Công ty này đăng ký địa chỉ địa chỉ trụ sở tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong quá trình hoạt động, Công ty này đã xin thuê đất để lắp đặt trạm trộn bê tông tại khu đất lâm nghiệp thuộc thôn Quế, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích hơn 12.000 m2.
Sau khi kiểm tra, đối chiếu quy hoạch, ngày 12.12.2017, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã có văn bản số 4511/SXD-QHKT gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty CP kỹ nghệ bê tông Việt Nhật về việc không chấp thuận vị trí, địa điểm nêu trên, do cùng địa điểm nằm trong phạm vi dự án Khu công nghiệp Tam Dương I – Khu vực 3 và không phù hợp với tính chất dự án lắp đặt trạm trộn bê tông.
Bất chấp ý kiến của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty bê tông Việt Nhật vẫn lắp đặt trạm trộn bê tông trái phép trên đất lâm nghiệp. Dù doanh nghiệp sai phạm rõ mười mươi, chính quyền sở tại không có động thái quyết liệt xử lý khiến doanh nghiệp này nhờn luật.
Cụ thể, ngày 28.3.2018 UBND huyện Tam Dương có Quyết định xử phạt hành chính, Công ty cổ phần kỹ thuật bê tông Việt Nhật đã tổ chức thi công xây dựng trạm trộn bê tông và một số công trình xây dựng khác trên đất rừng sản xuất (Do Công ty cổ phần kỹ thuật bê tông Việt Nhật thuê ông Nguyễn Trung Hiều theo hợp đồng số 01/6CT ngày 1.6.2017).
Công trình xây dựng của Công ty cổ phần kỹ thuật bê tông Việt Nhật tại thửa đất nêu trên không có giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp. Hình thức xử phạt cụ thể 40.000.000 triệu đồng.
Người dân địa phương bức xúc khẳng định, so với lợi nhuận thu lại, mức phạt này dường như chưa đủ tính răn đe. Sau khi bị xử phạt, trạm trộn này vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật. Chiều tối hàng ngày, doanh nghiệp này cho máy móc tráng rửa, đổ chất thải lênh láng ra khu vực lân cận.
Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, đại diện trạm trộn này thừa nhận dù đã hoạt động trong thời gian dài nhưng chưa có giấy phép và mới chỉ đang làm thủ tục.