Cận cảnh thánh địa vàng: Xin làm phu vàng

ThienNhien.Net – Chủ bãi vàng trái phép có tên P nhận chúng tôi vào làm. Mức lương 4 triệu/tháng, ăn uống chủ lo, thời gian làm việc theo sự sắp xếp của P.

Tại những điểm khai thác vàng ở thôn 8, xã Phước Hiệp (Phước Sơn, Quảng Nam) hằng ngày phu vàng phải chui rúc trong những căn hầm chống cọc tạm bợ, lối đi chật hẹp, làm việc trong bóng tối.

Trong hầm vàng thiếu không khí, nóng nực nên phu vàng thường không mặc áo (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Trong hầm vàng thiếu không khí, nóng nực nên phu vàng thường không mặc áo (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Bỏ mạng tại rừng sâu

Trên đường truy tìm các bãi vàng thải bùn sa khoáng đổ ra sông Trà La, chúng tôi phát hiện 3 ngôi mộ mới chôn cất.

Thấy vậy, chúng tôi dừng chân lại tìm hiểu thì có một người cầm trên tay gói bánh đến thắp hương. Hỏi về những ngôi mộ, người này trả lời: “Mai mình vào hầm làm rồi, giờ ra thắp hương mong các chú ấy phù hộ cho anh em vào trong núi bình an vô sự”.

Ba phu vàng nằm lại chốn rừng sâu  (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Ba phu vàng nằm lại chốn rừng sâu (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Kể về những người nằm dưới mồ, phu vàng này buồn bã: “Ba anh em họ quê ở ngoài Bắc, trước Tết Nguyên đán đang khai thác vàng ở đây thì bị một quả núi sập xuống. Sau hơn 2 tháng đào bới mới tìm thấy thi thể. Đáng lẽ, người thân đưa về quê mai táng nhưng bị vùi trong đất, đá lâu ngày quá, thi thể đã phân hủy, do đó họ được chôn lại đây”.

Trong thời gian vừa qua ở các bãi vàng tại tỉnh Quảng Nam có nhiều phu vàng tử nạn. Vào tháng 4/2013, tại bãi 39 (xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn) xảy ra sập hầm khiến 3 phu vàng tử vong. Ngày 5/5/2013, tại bãi vàng Ngách Chụm thuộc khu vực Núi Kẽm (thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, Phú Ninh) phát hiện 3 người chết ngạt trong hầm. Ngoài ra, ngày 26/9/2013, tại huyện Đông Giang, Quảng Nam cũng xảy ra sập hầm vàng khiến 2 người chết, 1 người bị thương nặng. Mới đây, ngày 3/2/2014, tại ngách AM bãi vàng Bồng Miêu (thôn Phước Bắc, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) phát hiện 1 phu vàng chết do bị ngạt khí.

Sự việc xảy ra vào khoảng 21 giờ ngày 10/1/2014. Hôm đó, bất chấp đêm tối, một nhóm phu vàng gồm 4 người vẫn cố len lỏi trong hầm vàng sâu hun hút tại bãi Cao, thuộc thôn 8, xã Phước Hiệp làm công cho một chủ bãi vàng có tên là Sáu “râu”. Bãi vàng này không có giấy tờ hợp pháp.

Ba người không may mắn bị chết gồm anh Bùi Văn Thảo (SN 1989), Hà Anh Tuấn (SN 1994) và Bùi Văn Hưng (SN 1985) cùng trú tại thôn Suối Con, xã Kim Bôi (Kim Bôi, Hòa Bình). Rất may, một người còn lại thoát chết.

Sự việc xảy ra, ông chủ Sáu “râu” định giấu cơ quan chức năng thế nhưng 3 mạng người nằm gọn trong một quả đồi, để tìm được thi thể là điều không dễ. Do đó, Sáu “râu” đã trình báo chính quyền địa phương để nhờ đưa máy múc vào tìm kiếm. Vậy nhưng nơi xảy ra sập hầm, đồi núi khó đi lại nên máy múc không tiếp cận được nên đành trông chờ vào sức người.

Tham gia tìm kiếm có hàng chục phu vàng. Trong vòng 1 tháng trời, một khối lượng đất khổng lồ được dọn đi. “Đợt đó, ông Sáu “râu” cũng nản việc tìm kiếm. Ông Sáu định bỏ mặc số phận 3 phu vàng chôn vùi trong đống đất đá. Thế nhưng, người nhà nạn nhân không đồng ý, họ đề nghị ông Sáu cấp tiền đi lại, ăn ở và trả tiền công 150.000 đồng/ngày để điều động hơn 20 người từ về Kim Bôi, Hòa Bình vào đây thay nhau đào đất, xẻ đá tìm kiếm”, phu vàng này cho biết.

Phu vàng đang làm việc trong hầm (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Phu vàng đang làm việc trong hầm (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Đúng sáng ngày 22/3/2014, sau hơn 2 tháng đào bới thì đã phát hiện 2 thi thể của anh Bùi Văn Thảo và Hà Anh Tuấn. Tiếp 2 ngày sau thi thể cuối cùng là Bùi Văn Hưng được đưa lên.

Do để quá lâu ngày nên thi thể của họ đã phân hủy, bốc mùi hôi thối. Vậy nên, người thân đành chọn mai táng họ tại đây.

Đen thì chết thôi

Sau 2 ngày lang thang ở bãi vàng thôn 8, xã Phước Hiệp, chúng tôi quyết định xin làm phu vàng để ghi lại cảnh lao động dưới hầm sâu. Và rất may mắn, có một chủ bãi vàng trái phép có tên P nhận chúng tôi vào làm. Mức lương 4 triệu/tháng, ăn uống chủ lo, thời gian làm việc theo sự sắp xếp của P.

Phu vàng tời sa khoáng dưới hầm sâu lên để vận chuyển ra lọc lấy vàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Phu vàng tời sa khoáng dưới hầm sâu lên để vận chuyển ra lọc lấy vàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

P quê ở TP. Tam Kỳ, trước đây từng làm cai vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh). Liên quan đến vụ tranh chấp lãnh địa, P dính án 4 năm tù, sau khi mãn hạn, P tiếp tục con đường cũ. Đáng lẽ ra, địa bàn hoạt động của P là ở mỏ vàng Bồng Miêu, thế nhưng thời gian gần đây cơ quan chức năng tổ chức truy quét thường xuyên nên P mới mò lên đây kiếm ăn.

P được một ông chủ khác nhường lại cho bãi này và mới bắt đầu khai thác được hơn 20 ngày. Đội quân làm việc cho P chỉ có 4 người, nay thêm 2 người chúng tôi là 6.

Sau một đêm nghỉ ngơi, chúng tôi được đưa vào hầm làm vàng. Là lính mới nên chúng tôi có nhiệm vụ kéo sa khoáng từ dưới hầm sâu lên. Căn hầm chật chội, tối mù mịt, chúng tôi phải đội đèn pin trên đầu để vào hầm. Nhìn từ phía ngoài hầm chỉ có một lối đi nhưng đi vào chừng 10 m thì có hàng chục hầm nhỏ, có những hầm đi xuống sâu gần 100 m.

Những căn hầm cọc chống đỡ tạm bợ (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Những căn hầm cọc chống đỡ tạm bợ (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Bốn phu vàng làm việc tại đây rất chuyên nghiệp, trong hầm tối đen, ánh đèn pin không đủ sáng vậy mà họ chiếu lên vách hầm phát hiện nơi nào có sa khoáng, nơi nào không. Sau đó họ dùng cuốc, xà beng đục, cuốc từng lớp dần dần. Có vách lấy được mấy khối nhưng có vách được vài xô.

Sau 2 giờ đồng hồ ở trong hầm, tất cả phu vàng kéo ra cửa hầm uống nước, hút thuốc. Tôi bắt đầu trò chuyện với C (chừng 35 tuổi, quê ở huyện Phú Ninh) làm việc từ hôm P “khởi công” bãi vàng.

PV trong hầm vàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
PV trong hầm vàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

C cho biết, trước đây từng làm phu vàng cho nhiều bãi, có thời gian đi làm tự do. Mới đây, tại bãi vàng Bồng Miêu, C chứng kiến cảnh công an truy đuổi, đánh một số vàng tặc trọng thương nên C cũng sợ. Sau đó, C về quê “quy ẩn” một thời gian thì P kêu đi lên đây làm.

Tôi bảo C: Em mới đi làm lần đầu nên chưa có kinh nghiệm, không biết hầm này có chắc chắn không? C cười: “Đi làm vàng mà lo sập hầm à? Đời làm vàng coi nhẹ sập hầm lắm, phải xác định từ trước, thằng nào đen thì chết thôi. Có đợt tau đi làm tại một bãi vàng, hôm đó chạy ra ngoài hút thuốc, còn hai thằng ở trong bị sập hầm chết. Nghề đào vàng đã ngấm vào máu rồi, giờ muốn dứt cũng không được, nhiều lần người thân khuyên chuyển qua nghề khác nhưng làm được vài hôm thì quay lại bãi vàng thôi”.

Nhờ đoàn liên ngành truy quét, PV thoát khỏi bãi vàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Nhờ đoàn liên ngành truy quét, PV thoát khỏi bãi vàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Trở lại hầm vàng, chúng tôi tiếp tục công việc, tất cả 7 con người đều chui rúc trong lối đi chật hẹp. Hết cúi chuyển qua ngồi, đứng… Các thao tác thay đổi liên tục để đào bới sa khoáng đưa ra ngoài. Kết thúc một ngày làm việc, người mệt lừ nhưng đêm hôm đó chủ bãi P chào đón hai phu vàng mới rất chu đáo. P cho quân đi mua 4 lít rượu để anh em giao lưu, phần nữa, ở bãi vàng có quy luật rồi, cứ bữa ăn có chén rượu, lon bia uống mới ngon cơm.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, P thông báo, hôm nay có đoàn liên ngành vào truy quét, anh em nghỉ việc. Lúc nào lực lượng đến bãi thì mỗi người một hướng chạy vào rừng núp. Nhân cơ hội này, chúng tôi lấy cớ đi mua ít đồ dùng cá nhân và bám rừng chuồn khỏi bãi vàng.