Cà Mau sắp xếp lại rừng theo hướng hiệu quả kinh tế

ThienNhien.Net – Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, giai đoạn từ 2014-2015 hướng tới năm 2020, tỉnh Cà Mau tạo cơ chế bứt phá trong quản lý, sử dụng rừng, đất rừng theo hướng hiệu quả kinh tế trên đất rừng, đồng thời gắn với các tiêu chí phát triển văn hoá xã hội.

Theo đó tỉnh tiến hành sắp xếp lại rừng theo chủ trương chung của Chính phủ có gắn với điều kiện đặc thù của địa phương. Trước mắt tỉnh mạnh dạn giao rừng cho dân, cho doanh nghiệp để chủ động trong quản lý và tổ chức sản xuất.

Ngoài các khu rừng quốc gia được quản lý và bảo vệ theo quy định chung, các lâm phần còn lại ngoài cây tràm, cây đước là 2 loại cây rừng tiêu biểu, cho phép sử dụng đất rừng để trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế như cây keo lai, tràm bông vàng cũng như nhiều loại cây khác có khả năng trở thành cây dùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Một góc rừng U Minh Hạ (Ảnh: cpv.org.vn)
Một góc rừng U Minh Hạ (Ảnh: cpv.org.vn)

Tỉnh Cà Mau có 120.000 ha rừng, trong đó phân chia thành 2 vùng rõ rệt. Rừng tràm U Minh Hạ thuộc hệ sinh thái ngọt với diện tích 70.000 ha; rừng đước thuộc hệ sinh thái mặn có diện tích 50.000 ha. Tuy nhiên, trên thực tế thì có hàng chục ngàn héc ta rừng bị bỏ trống.

Nguyên nhân là thời gian dài chính quyền cũng như người dân nhận thức đơn giản là rừng tràm chỉ để trồng tràm, rừng đước chỉ để trồng đước. Do đó, nơi nào không trồng đước, trồng tràm thì để đất trống, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Trong khi cả 2 loại cây rừng nêu trên không có giá trị kinh tế. Việc chính quyền địa phương quy hoạch, phát triển rừng theo hướng đa dạng cây rừng trên đất rừng, đầu tư xây nhà máy chế biến cây tràm, cây keo lai xuất khẩu là bước đi mang tính đột phá, mở ra triển vọng về về rừng kinh tế.

Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Năm 2013 và quý I/2014 tỉnh đã giao 5.000 ha đất rừng cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã trồng trên 2.000 ha cây keo lai đang phát triển rất tốt. Hiện còn khoảng 15.000 ha đất trống, tỉnh sẽ tiếp tục giao cho những doanh nghiệp có yêu cầu, nếu không sẽ giao cho xã và công ty lâm nghiệp tổ chức trồng cây trầm và cây keo lai, phấn đấu đến năm 2020 không còn đất trống. Trong tương lai cây keo lai cùng với cây tràm sẽ là 2 loại cây nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.