Bên nào nặng hơn?

ThienNhien.Net – Sau hơn 9 năm “nâng lên đặt xuống,” mới đây Dự án nhà máy thủy điện Đrang Phốk dự kiến xây dựng trong vùng lõi – nơi được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Yook Đôn nằm trên địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) lại tái khởi động. Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao một dự án thủy điện cứ phải “chui tọt” vào giữa vùng lõi của rừng để xây dựng cho bằng được, hay đây chỉ là bình phong để doanh nghiệp “làm thịt” khu rừng nguyên sinh với hàng ngàn khối gỗ quý có giá trị cao?

Năm 2007, ông Lữ Ngọc Cư – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký công văn 4670/UBND-CN đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới- TECCO (TP.HCM) khảo sát lập Dự án nhà máy thủy điện (NMTĐ)  Đrang Phốk với công suất 28MW tại tiểu khu 430, 431 và 451, thuộc phân khu bảo vệ của VQG Yook Đôn. Năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có công văn số 599/UBND-CN cho phép TECCO lập Dự án đầu tư xây dựng NMTĐ Đrang Phốk với diện tích rừng đặc dụng chuyển đổi làm NMTĐ dự kiến khoảng 63 ha.

Dự án xây dựng thủy điện này đã làm tốn không ít giấy mực của các cơ quan truyền thông và nhiều cuộc hội thảo xung quanh việc đánh giá tác động môi trường, tính đa dạng sinh học đã được mở ra để thảo luận việc nên hay không nên xây dựng NMTĐ trong VQG này. Những tưởng Dự án NMTĐ này cũng như nhiều dự án khác đã khép lại, khi các tỉnh Tây Nguyên tiến hành khảo sát đánh giá và kiên quyết loại bỏ hàng trăm dự án công trình thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cộng đồng dân cư, môi trường sinh thái…

Vậy mà không hiểu vì lý do gì, phía TECCO vẫn kiên quyết khởi động lại dự án và điều chỉnh công suất giảm xuống còn 26 MW (trước đó là 28 MW) với tổng nguồn vốn đầu tư gần 850 tỷ đồng; đồng thời luôn khẳng định đây là diện tích rừng nghèo kiệt nên việc xây dựng NMTĐ sẽ không tác động đến hệ sinh thái của VQG. Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc điều chỉnh công suất xuống thấp hơn công suất ban đầu là chiêu thức lách luật của phía doanh nghiệp để dự án không phải thông qua Quốc hội xin ý kiến.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Theo ông Huỳnh Nghĩa Hiệp- Phó Giám đốc VQG Yook Đôn, đây là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, có đa dạng sinh học cao nhất  của vườn vì có hàng trăm loài động thực vật quý hiếm thường xuyên sinh sống. Về thực vật có nhiều loại gỗ quý hiếm như Giáng hương, Cẩm, Trắc, Cà te, Căm xe… Về động vật có nhiều loài nằm trong sách đỏ như bò rừng, heo, mang, báo, voi, bò tót… “Nếu kiên quyết xây thủy điện nơi này thì, cả một hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng của cả nước sẽ biến mất”- theo ông Hiệp.  Ông Hiệp cũng cho rằng, nếu làm thủy điện sẽ phá vỡ hệ sinh thái dưới mặt nước cũng như trên đất, bởi đây là “rốn” của các loài thú do trong lớp đất có chứa lượng muối rất lớn nên thường thu hút các loài động vật về đây sinh sống, vì vậy khi đưa máy móc vào sẽ gây tiếng ồn và xua đuổi hết loài thú đi. Bên cạnh đó, khi ngăn đập nhiều loài cá quý hiếm từ sông Mekong sẽ không còn về đây sinh sản. Chưa kể quanh khu vực xây NMTĐ còn có sự đa dạng về hệ sinh thái rừng với nhiều loài gỗ quý hiếm, có giá trị cao, đây là nét đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có.

Còn theo ông Đặng Văn Quang-Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 9, người nhiều năm gắn bó với vùng lõi của VQG thì “Thủy điện không làm chỗ này thì làm chỗ khác, sao nhất thiết phải lấy vùng lõi của vườn mà xây dựng cho bằng được. Chỉ vì một thủy điện nhỏ mà đánh đổi cả một hệ sinh thái đa dạng sinh học và chỉ có duy nhất ở Việt Nam thì có đáng không?”. Cũng theo ông Quang, nếu làm thủy điện trong vườn không chỉ có 63 ha bị mất vĩnh viễn mà sau khi hoàn thành để hòa vào lưới điện họ còn phải tiến hành xây trụ, phát dọn cây dưới đường dây tải điện khi đó sẽ có thêm hàng trăm ha rừng nữa lại bị đốn hạ. Chưa kể, nhiều con đường xuyên thẳng vào vùng lõi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khác xâm nhập rừng trái phép.

Không chỉ phá vỡ tính đa dạng sinh học mà Dự án NMTĐ này còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của 108 hộ với gần 500 người dân buôn Đrang Phốk (xã Krông Na). Theo ông Y Nô H’Wing- buôn Đrang Phốk thì sau khi nghe có dự án thủy điện về xây dựng trong VGQ, buôn đã họp dân nhiều lần và kiến nghị các cấp các ngành xem xét không nên xây thủy điện này vì khi xây dựng, ngăn đập nước sẽ làm ngập hết đất sản xuất của bà con. Làm thủy điện vừa gây sức ép cho vườn, vừa ép bà con vào khó khăn thì không nên. Ông Y Thông Khăm Niê Kdăm- Chủ tịch UBND xã Krông Na kiến nghị: “Tỉnh và Trung ương nên cân nhắc việc xây dựng NMTĐ này vì làm thủy điện mà không mang lại lợi ích chung cho người dân và Nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường, phá hủy hệ sinh thái thì không nên. Trước đây khi làm thủy điện Sêrêpốk 4A, họ cũng hứa hẹn sẽ không để dòng sông đoạn qua địa phương thành dòng sông chết vậy mà giờ cả một khúc sông huyền thoại nước cạn khô đáy. Theo tôi, nếu làm thủy điện mà mang lại lợi ích cho Nhà nước, bảo vệ được quyền lợi người dân, bảo vệ được hệ sinh thái, bảo vệ được các loại động vật hoang dã, cảnh quan môi trường thì nên làm còn không đáp ứng được thì nên dừng”.

Được biết, VQG Yook Đôn có tổng diện tích hơn 115.000 ha, với 80.947 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó 93% diện tích là rừng khộp đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, được xếp vào loại A trong các khu bảo vệ có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học. Vườn có gần 500 loài động vật; trong đó, đặc biệt có 17 loài được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Hy vọng với những tâm huyết của người giữ rừng và tiếng nói của người dân những bộ, ngành có liên quan đến việc phê duyệt Dự án NMTĐ Đrang Phốk cần xem xét lại thấu đáo tác động môi trường để cân nhắc giữa thủy điện và rừng bên nào nặng hơn.