Các đập thủy điện trên thượng nguồn xóa dần làng nổi vùng Biển Hồ

ThienNhien.Net – Biết bao thế hệ người dân Campuchia truyền từ đời này qua đời khác đã tạo lập cuộc sống khá sung túc trong các khu làng nổi trên vùng Biển Hồ rộng lớn nhờ vào nguồn cá dồi dào mà dòng sông Mê Kông đem đến. Giờ đây, các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn đang làm đảo lộn hệ sinh thái của dòng sông, khiến nguồn cá cạn kiệt dần, và hệ quả là cuộc sống của hàng ngàn người dân làng nổi trên vùng Biển Hồ đang bị đe dọa.

Khúc sông rộng lớn trước cổng Hoàng Cung Phnom Penh thường được gọi là sông Bốn Mặt do có bốn dòng chảy hội tụ tại đây. Một dòng chảy từ hướng Bắc đổ xuống là dòng chính của sông Mê Kông. Dòng chảy thứ nhì được gọi là sông Bassac chảy ngược vào Biển Hồ lúc mùa mưa. Hai dòng chảy còn lại thì chảy về Việt Nam theo hướng Đông Nam tạo thành hai con sông Tiền và Hậu.

Trên dòng sông Bassac và kéo dài đến tận Biển Hồ ở hướng Tây Bắc Campuchia là quê hương của hơn chục ngàn cư dân đã định cư lâu đời ở xóm làng nổi trên mặt nước. Nhà của họ là những chiếc xuồng, chiếc ghe, cái bè tre đóng trên nước. Họ sống quây quần thành từng xóm chài. Trên xóm nổi có cả những dịch vụ giống như ở đất liền như tiệm hớt tóc, quán karaoke, quán nhậu, trường học và những tiệm tạp hóa bán bánh, trái cây, rau xanh di chuyển qua lại bằng những chiếc ghe nhỏ.

Làng nổi trên Biển Hồ, Campuchia (Ảnh: ThienNhien.Net)
Làng nổi trên sông Bassac, Campuchia (Ảnh: ThienNhien.Net)

Nguồn sống chính yếu của cư dân làng nổi là đánh bắt cá, nuôi cá bè, làm cá khô. Họ lấy cá bắt được dưới sông hồ rồi mang ra chợ bán để mua gạo và các thực phẩm cần thiết cho sinh hoạt gia đình. Họ hầu như không còn biết rõ kỹ thuật trồng cấy lúa hay trồng bắp đậu như nông dân trên đất liền.

Theo số liệu của Ủy ban sông Mê Kông vào năm 2006, ngư dân trong Biển Hồ đánh bắt được hàng năm khoảng từ 200.000 đến 218.000 tấn cá, chiếm đến phân nửa số lượng cá mà các ngư dân trên đất liền trong toàn lãnh thổ Campuchia kiếm được. Trích dẫn số liệu này để thấy rằng đời sống truyền thống của dân Biển Hồ có cả một quá khứ sung túc so với sự thay đổi đi xuống như hiện nay. Tiêu biểu cho sự thay đổi lớn này là cuộc sống trong cộng đồng ngư dân làng nổi tại Chhnork Trou nằm trên đầu nguồn Biển Hồ. Theo lời anh Yorng Sarath, 25 tuổi, chủ nhân một gia đình gồm bốn miệng ăn thì lượng đánh bắt cá của nhà anh đã giảm thấy rõ, trước đây trung bình anh kiếm được 5 kg cá một ngày, nay thì chỉ kiếm được khoảng 1 kg, không thể sống được.

Khu vực làng nổi Chhnork Trou có khoảng 2.000 gia đình, nhưng vài năm gần đây đã có khoảng 400 gia đình rời làng nổi để vào đất liền lập cuộc sống mới. Nguyên nhân của sự giảm sút một cách báo động về lượng cá ở Biển Hồ, theo khảo sát của các chuyên gia môi trường Mê Kông, là do ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn, dân số vùng Biển Hồ gia tăng nhanh và vấn nạn phá hủy môi trường sống. Bên cạnh đó, cuộc sống trên đất liền có nhiều sức hút giới trẻ hơn như các trường học mới, trò chơi game, quán cà phê Internet, cuộc sống đa dạng không đơn điệu như trên sông nước và nhu cầu kiếm thêm công ăn việc làm khiến cho dân số làng nổi sụt giảm dần.

Dù hiện nay đời sống đổi thay, mức sống người dân Campuchia qua số thống kê mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ nghèo đói giảm từ 52,2% xuống còn 20,5% trong vòng 7 năm qua. Tuy nhiên, cũng theo kết luận của Ngân hàng Thế giới thì số người nghèo đói vẫn còn nhiều, hố sâu ngăn cách giữa người nghèo và giàu ngày càng mở rộng. Vì theo định chế tài chính này, khi cần đất để xây dựng các khu đô thị mới thì lại có nhiều người bị cưỡng bức di dời nên mất đất, mất nhà khiến họ rơi vào cảnh nghèo khổ hơn.