Bảo tồn, phát triển bền vững rừng đặc dụng Hương Sơn

ThienNhien.Net – Sáng 12/3, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng năm 2014; Kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Hương Sơn (1994 – 2014).

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của rừng.

Kho dự trữ thiên nhiên đa dạng

Giám đốc BQL rừng đặc dụng Hương Sơn Nguyễn Duy Giáp cho biết, với diện tích 4.705ha (trong đó, vùng chính khu rừng 3.760ha, vùng đệm 945ha), rừng đặc dụng Hương Sơn được xem là “kho dự trữ thiên nhiên” đa dạng với núi, hồ, hang động, rừng cây, muông thú… Thành phần thực vật rừng có 917 loài, thuộc 597 chi của 192 họ (trong đó, 28 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ). Hệ động vật rừng có 290 loài, 85 họ, 26 bộ thì có tới 40 loài động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Không chỉ có chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gene quý hiếm, bảo vệ môi trường Thủ đô, rừng đặc dụng Hương Sơn còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao thông qua các hoạt động phát triển rừng và du lịch sinh thái.

Xác định vai trò quan trọng của rừng đặc dụng Hương Sơn, dưới sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, sau 20 năm, công tác quản lý và phát triển rừng đặc dụng Hương Sơn đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tỷ lệ trồng và chăm sóc rừng đạt 540ha, chủ yếu là các loài cây công nghiệp như nhãn, sấu, lát, keo… Trồng mới 120.000 cây cảnh quan, bóng mát, cây đặc sản, đặc hữu quý hiếm, cây lấy gỗ, lấy củi làm chất đốt ở vùng đệm để giảm áp lực vào vùng lõi. Hoàn thành trồng mới 3,5ha vườn thực vật để bảo tồn nguồn gene quý hiếm. Cơ bản phủ xanh đất trống đồi trọc. Để làm tốt công tác quản lý, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã thành lập 15 tổ bảo vệ rừng tại gốc, với khoảng 50 cán bộ, hàng ngày làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Đây cũng là lực lượng xung kích trong phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại cây. Nhờ đó, 20 năm qua, chưa có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra, rừng sinh trưởng, phát triển mạnh. Độ che phủ của rừng tăng từ 37,4% (năm 1994) lên 48,3% (năm 2013), góp phần bảo vệ và phát triển cảnh quan, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn nguồn gene và tính đa dạng sinh học…

Phát triển tiềm năng kinh tế rừng

BQL rừng đặc dụng Hương Sơn luôn quan tâm đến công tác xây dựng mô hình lâm nghiệp và chuyển giao kỹ thuật lâm sinh nhằm khai thác tiềm năng phát triển kinh tế rừng. Hiện, đơn vị đã xây dựng được 10 mô hình lâm nghiệp, trong đó có 3 mô hình trồng rau Sắng chùa Hương với diện tích 5ha; 3 mô hình trồng cây Mơ Hương Tích rộng 3ha… Thông qua kết quả xây dựng mô hình lâm nghiệp đã giúp các hộ dân làm nghề rừng tại địa phương giải quyết được việc làm, tăng thu nhập.

Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với các cấp chính quyền huyện Mỹ Đức hoàn tất xây dựng 920m đường lâm sinh, 3,5ha vườn thực vật sinh thái, 4 trạm bảo vệ rừng và hàng chục biển, bảng thông báo nội quy bảo vệ rừng tại những tụ điểm tập trung đông người và các cửa rừng… Đầu tư hỗ trợ kinh phí phát triển cộng đồng dân cư cho 13 thôn thuộc 3 xã vùng đệm của rừng đặc dụng Hương Sơn là Hùng Tiến, An Tiến và An Phú, mỗi thôn 40 triệu đồng/năm…

Theo Giám đốc Nguyễn Duy Giáp, nhằm bảo tồn những giá trị của rừng đặc dụng Hương Sơn, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 690/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Hương Sơn đến năm 2020. Đây là biện pháp cần thiết nhằm nâng cao tính đa dạng sinh học, tăng khả năng phòng hộ, hướng tới gìn giữ những giá trị lâu bền của rừng đặc dụng. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất trang thiết bị làm việc phục vụ nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng còn thiếu thốn.

Hơn nữa, rừng đặc dụng Hương Sơn gắn liền với quần thể Di tích lịch sử chùa Hương, hàng năm, có khoảng 1,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước vào rừng tham quan thắng cảnh, du lịch lễ hội… Do vậy, áp lực xâm hại đến tài nguyên rừng rất lớn, nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng cũng rất cao. Chính vì vậy, cùng với nỗ lực của cán bộ, nhân viên BQL rừng đặc dụng Hương Sơn, rất cần sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ban, ngành liên quan để tiềm năng tài nguyên rừng đặc dụng Hương Sơn được gìn giữ, phát huy góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên rừng quốc gia.