Phát hiện thêm hai loài hoa trà mới ở Lâm Đồng và Đồng Nai

ThienNhien.Net – Thêm hai loài thực vật mới cho khoa học được phát hiện ở khu vực tỉnh Lâm Đồng có tên Camellia curryana Camellia longii vừa mới được công bố trên Tạp chí Thực vật học Nordic số 32 tháng 2/2014.  Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Vườn thực vật hoàng gia Úc và Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển – Viện Sinh thái học Miền Nam.

Theo nhóm tác giả thì hiện nay tại Việt Nam ghi nhận được khoảng 20% loài thuộc chi Camellia. Trước đây, người ta tin rằng sự tập trung lớn nhất của loài Camellia ở Việt Nam có thể được tìm thấy ở các tỉnh phía Bắc, với ước tính từ 14 đến 20 loài. Tuy nhiên một số cuộc khảo sát được thực hiện trong thời gian gần đây đã mở rộng đáng kể số lượng các loài Camellia ở phía Nam Việt Nam và cũng đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng khu vực miền núi của các tỉnh phía Nam có thể có sự phong phú loài tương đồng như là phía Bắc. Kết quả công bố của bài báo này là một tài liệu đáng tin cậy để củng cố nhận định trên.

Bên cạnh đó kết quả này cũng là sự tôn vinh mà tác giả dành tặng cho ông Anthony Stephen Curry, một đồng nghiệp cũng là người nghiên cứu về chi Trà nhiều năm qua và TS. Vũ Ngọc Long – Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam, người đã có công phát hiện và thu mẫu đầu tiên.

Hình ảnh loài Camellia longii ngoài tự nhiên vùng rừng Cát Lộc (Ảnh: Vũ ngọc Long)
Hình ảnh loài Camellia longii ngoài tự nhiên vùng rừng Cát Lộc (Ảnh: Vũ ngọc Long)

Về loài Camellia longii Orel & Luu sp. nov.

Cách đây hơn 2 năm, ngày 13/7 /2011 trong một chuyến đi khảo sát hiện trạng môi trường đa dạng sinh học khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6-A Rừng Cát Lộc, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, TS. Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam đã nhìn thấy 1 loại hoa trà trông rất khác lạ, đang nở hoa rất đẹp trong rừng sâu. Lúc đầu nhìn hình thái của hoa bên ngoài trông rất giống với loài C. piquetiana. Ngay sau đó những mẫu thu được đã được TS Lưu Hồng Trường phân tích giải phẫu so sánh. TS. Trường khẳnh định đây là một loài thực vật mới khác hẳn với loài C. piquetiana và đã mô tả đặt tên mới là Camellia longii.

Mô tả hình thái: là cây gỗ nhỡ lâu năm, cao 2.5-4 m. Lá dài 27-31 cm, rộng 6-9 (10.5) cm; phiến lá mỏng, hơi dai, biến đổi, hình elip hẹp đến hình thuôn hẹp. Cuống hoa dài tới 2 cm, rộng 4-5(6) mm. Hoa cô độc, hình elip không đều cho tới hình trứng, không mùi, dài 4.5-5.5 (6) cm, đường kính 3.5-5.5 cm. Nhị hoa nhiều.

Vật hậu học: Loài mới được thu thập hoa trong tháng chín và tháng mười một. Hạt không tìm thấy.

Phân bố: C. longii được biết đến với vị trí phân bố nằm trong biên giới phía bắc thuộc vườn quốc gia Cát Tiên (Cát Lộc), tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Loài mới được tìm thấy trong khu vực gần với thôn 4, xã Phước Cát 2, nằm rải rác trong khu rừng thường xanh, phát triển mạnh trong đất tương đối giàu dinh dưỡng, ẩm ướt, trong điều kiện ánh sáng thấp.

Hình ảnh chụp loài Camellia curyana ngoài tự nhiên vùng núi bidoup Núi Bà (Ảnh: Anthony Curry)
Hình ảnh chụp loài Camellia curyana ngoài tự nhiên vùng núi bidoup Núi Bà (Ảnh: Anthony Curry)

Về loài Camellia curryana Orel & Luu sp. nov.

Mô tả: Cây lâu năm, cao tới 2.5 m, nhánh thưa thớt. Cuống lá dài tới 10 mm, rộng 2-3 (4) mm. Lá có răng cưa không đều, dài 10 – 12 cm, rộng 4 – 5(6) cm, phiến lá dày, dai, hình elip tới bầu bục, đôi khi không đối xứng giống hình cái liềm; đỉnh lá thay đổi, nhọn đến tù; bề mặt lá phía trên nhẵn, xanh đậm và sáng bóng, mặt dưới xanh sáng hơn và nhám; gân chính của lá rộng tới 3-4(6) mm, màu vàng xanh và sáng, gân lá phụ hình lông chim. Hoa gần như không cuống, tròn không đều, không hương; hai vòng hoa, trắng kem ở ngoài và gần gốc có màu vàng. Trái trưởng thành nứt ra làm 3 phần hoặc theo chiều dọc chia làm 2.

Phân bố: C. curyana được tìm thấy duy nhất ở vị trí nằm trên đồi dưới chân một ngọn núi không tên trên cao nguyên Đà Lạt, chi tiết nguồn gốc chính xác của loài được giữ lại vì lý do bảo tồn.

Sinh thái, phân bố và tình trạng bảo tồn: phân bố rải rác ở khu rừng nhiệt đới ẩm, phát triển mạnh trong đất nghèo, tương đối ẩm ướt, điều kiện ánh sáng thấp. Một điều đáng lưu ý là tác giả không tìm thấy tiêu bản nào của loài ở bất kỳ bảo tàng mẫu vật tại Việt Nam. Mặc dù khảo sát được lặp đi lặp lại khá kỹ xung quanh khu vực địa phương nhưng chỉ có 20 cây trưởng thành được ghi nhận. Với tình hình này, nhóm tác giả cân nhắc và đề nghị đưa loài vào hạng mục cực kỳ nguy cấp của IUCN.

TS. Vũ Ngọc Long – Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam