Chuồn chuồn kim cánh xanh

ThienNhien.Net – Chuồn chuồn kim cánh xanh có tên khoa học là Neurobasis chinensis (Linnaeus, 1758), là loài chuồn chuồn cánh màu đẹp nhất và phổ biến nhất mà chúng ta có thể dễ bắt gặp ở hầu hết các con suối, tại hầu hết các thời điểm trong năm ở các vùng đồi núi của Việt Nam.

Đặc điểm bên ngoài của loài này rất dễ nhận biết. Con đực có cơ thể màu xanh ánh kim; đôi cánh trước trong suốt và có màu vàng nhạt, đôi cánh sau có màu xanh óng ánh, đặc biệt khoảng 1/3 đầu mút cánh có màu đen, và có thể quan sát rõ khi chúng mở cánh.

Con đực của loài Chuồn chuồn kim cánh xanh
Con đực khi mở cánh

Con cái thì có màu sắc khác hẳn, toàn bộ cơ thể có màu vàng nhạt hoặc có màu xanh ánh kim nhạt; đôi cánh trước trong suốt, đôi cánh sau có màu đỏ cam, đặc biệt ở giữa và đầu mút phía mép ngoài cùng của đôi cánh có hai đốm hình bầu dục màu trắng sữa, là đặc điểm đặc trưng của nhóm này.

Con cái của loài Chuồn chuồn kim cánh xanh

Chuồn chuồn kim cánh xanh Neurobasis chinensis là loài chuồn chuồn cánh màu đầu tiên trên thế giới được mô tả trong một tài liệu khoa học. Tuy vậy, lịch sử phân loại của chúng lại rất thú vị. Năm 1750, nhà tự nhiên học người Anh George Edwards đã xuất bản tập 3 của Cuốn sách “A natural history of birds” và ở trang 112 của cuốn sách này, để minh họa cho môi trường sống của một loài chim với chú thích loài chim này sống ở Trung Quốc, tác giả đã vẽ kèm theo hình một con chuồn chuồn màu xanh .

Mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy mẫu vật thật nhưng ông tổ của ngành phân loại học Carl Linnaeus đã lập tức mô tả và đặt tên loài này là chinensis, có nghĩa là một loài chuồn chuồn ở Trung Quốc. Đây có lẽ là trường hợp hy hữu nhất trong lịch sử ngành phân loại học bởi tác giả mô tả một loài mới thông qua một bức hình minh họa trong sách, chứ không dựa trên mẫu vật thật. Điều này hoàn toàn khác so với những loài mới được mô tả sau này, bởi theo luật danh pháp quốc tế thì phải dựa trên mẫu vật chuẩn (holotype) cùng với thông tin đầy đủ về địa điểm, thời gian thu thập loài đó ngoài tự nhiên.

Hình minh họa trong cuốn sách của George Edwards và ảnh của loài Chuồn chuồn kim cánh xanh được phóng to (bên phải)

Cho đến nay, ngoài Trung Quốc, loài chuồn chuồn kim cánh xanh cũng được ghi nhận ở hầu hết các nước Đông Nam Á và cả Ấn Độ.