Sử dụng tài nguyên nước: Mạnh được, yếu thua

ThienNhien.Net – Xây dựng, quản lý, vận hành thủy điện và hồ chứa thủy lợi bất hợp lý đang gây nguy cơ mất an ninh nguồn nước.

Qua sự việc tranh giành nguồn nước giữa TP. Đà Nẵng với thủy điện Đăk Mi 4, như phân tích trong bài viết trước, thấy rằng, Đăk Mi 4 là một công trình đơn mục tiêu. Sử dụng tài nguyên nước của công trình này không đảm bảo hài hòa các lợi ích, gây bất an cho hàng triệu người dân vùng hạ du sông Vu Gia, làm đảo lộn cả hệ sinh thái và môi trường dòng sông này.

Sông Đăk Mi lộ trơ đáy (Ảnh: Hoài Nam/VOV online)
Sông Đăk Mi lộ trơ đáy (Ảnh: Hoài Nam/VOV online)

Tuy nhiên, không chỉ có một Đăk Mi 4 mà đa số các công trình thủy lợi, thủy điện trong cả nước đều là đơn mục tiêu! Tài nguyên nước mạnh ai nấy dùng. Thực tế này đã và đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia về tài nguyên nước đã lên tiếng mạnh mẽ hiện tượng này.

Nghịch lý sử dụng cán bộ

Tháng 11/2002, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập, chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm trách được Chính phủ giao lại cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, Nghị quyết số 02, ngày 05/8/2002 của Quốc hội khóa XI nêu rõ: “những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, cơ quan ngang bộ đã được quy định tại các luật, pháp lệnh hiện hành nhưng nay do có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức theo Nghị quyết này thì được chuyển giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ tương ứng kể từ ngày các cơ quan này được sắp xếp lại”.

Tuy nhiên, cho đến nay, nội dung vừa nêu của Nghị quyết này không được thực hiện nghiêm túc. Toàn bộ cơ quan hỗ trợ khoa học kỹ thuật cùng lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật về tài nguyên nước hùng hậu, với các chuyên gia đầu ngành được đào tạo bài bản và rèn luyện, trưởng thành trong suốt hơn nửa thế kỷ của các trường Đại học, các Viện Quy hoạch, Viện Nghiên cứu… không được chuyển sang Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước không còn ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từ đây, nảy sinh một nghịch lý: bộ cần ngành khoa học kỹ thuật tài nguyên nước thì không có, mà bộ có thì lại không thực sự cần!

Vì vậy, một nguồn lực chất xám có bề dày kinh nghiệm chưa được sử dụng hiệu quả, phụng sự cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước là Bộ Tài nguyên và Môi trường lại thiếu các cơ quan và lực lượng hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ để thực thi nhiệm vụ.

PGS. TS Lê Bắc Huỳnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Không có chuyên gia, mình nói là chuyên gia tầm thường ấy chứ, chưa nói đến chuyên gia đầu ngành, thế thì làm sao mà làm được!

Các chuyên gia ngành thủy lợi, các nhà quản lý về thủy lợi rất gắn với tài nguyên nước. Huy động được cả một hệ thống tổ chức như Viện Quy hoạch Thủy lợi phía Bắc, phía Nam hay Viện Khoa học Thủy lợi (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với kinh nghiệm nhiều năm không chỉ gắn liền với công trình thủy lợi mà còn liên quan đến hệ thống quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, với hàng nghìn người và cơ sở vật chất đầy đủ thì năng lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới lên được. Chứ còn tự làm, tự đào tạo thì hai chục năm nữa cũng chưa làm được!”

Vì lý do này nên tới nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, vẫn chưa xây dựng nổi một quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nào. Trong khi đó, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông chính là căn cứ để hoàn thiện, điều chỉnh quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành, trong đó có thủy điện, thủy lợi.

Ông Hoàng Văn Bảy, Cục Trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thừa nhận: “Đúng! Đây là quy hoạch lớn, cơ bản trên các lưu vực sông. Thực ra, các quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước các lưu vực sông lập nhiều rồi nhưng chính thức được phê duyệt thì vẫn chưa có quy hoạch nào được phê duyệt”.

Mới vì lợi ích cục bộ

Vì chưa có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nên ngưỡng giới hạn khai thác nước đối với các dòng sông chưa được xác định và công bố, dẫn đến “bùng nổ”, lạm phát công trình, đặc biệt là những công trình thủy điện trên các lưu vực sông. Trong một năm, có khi có cả chục công trình thủy điện với công suất 30 MW, dung tích hồ chứa trên 500 triệu m3 nước hoặc vài chục công trình thủy điện vừa và nhỏ được khởi công xây dựng. Nhiều nơi có tới 3 đến 5 công trình thủy điện cùng mọc lên trên một lưu vực sông.

Căn cứ theo số liệu tổng hợp về số công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, kể cả các công trình đang vận hành, đang xây dựng và trong quy hoạch thì mật độ trung bình các hồ chứa trên các lưu vực sông ở nước ta là 94 km2/hồ. Nếu chấp nhận chỉ tiêu hợp lý bố trí công trình hồ chứa là khoảng 250 – 300 km2/hồ của Hội Thủy năng Quốc tế về hướng dẫn thủy điện bền vững thì mật độ công trình hồ chứa ở nước ta là thiếu tính bền vững về môi trường và tài nguyên.

Đáng chú ý, cũng vì chưa có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nên tất cả các hồ chứa được xây dựng chỉ dựa trên các quy hoạch thuần túy chuyên ngành thủy lợi hoặc thủy điện. Nói cách khác, đó là các công trình đơn mục tiêu! Việc sử dụng nước mang tính đơn ngành. Đa số các hồ chứa, vì vậy, chỉ phục vụ lợi ích của ngành mình, địa phương mình. Các lợi ích khác, nếu có trong thiết kế nhiệm vụ, cũng chỉ được xem như “ăn theo” hoặc thứ yếu.

Vùng hạ lưu sông Ba, khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt, là một ví dụ. Yêu cầu phòng lũ cho khu vực này là rất cao. Thế nhưng, hầu hết các công trình thủy điện ở đây đều không xem xét đến dung tích phòng lũ cho hạ du, chỉ đưa ra phương thức phòng lũ bằng cách hạ thấp mực nước trước lũ xuống dưới mực nước dâng bình thường.

Bà Nguyễn Thị Phương Lâm, người trực tiếp làm quy hoạch công trình thủy điện sông Ba Hạ, cho biết, công trình này, vì lợi ích kinh tế, đã cắt giảm dung tích phòng lũ so với thiết kế ban đầu: “Như sông Ba Hạ, khi tôi làm quy hoạch thì có dành dung tích là 200 triệu m3 để giảm lũ cho thị xã Phú Yên nhưng đến giai đoạn khả thi, họ bỏ đi hết. Quy hoạch là rất quan trọng, nó xác định chức năng, nhiệm vụ của từng công trình, làm cái gì, vào lúc nào. Nhưng đến giai đoạn khả thi, các thiết kế kỹ thuật đều bị bỏ đi hết”.

Hệ quả là cứ vào mùa mưa, chuyện xả lũ trở thành nỗi ám ảnh của người dân vùng hạ du. Mùa khô, nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất lại là nỗi lo thường trực của các địa phương.

Ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, rất trăn trở và đang theo sát vấn đề này: “Các nhà máy thủy điện không nên tập trung vào việc kinh doanh để có lãi mà quên đi đời sống người dân. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục đeo bám vấn đề này vì thấy rằng đây là quyền lợi sát sườn của người dân chúng ta”.

Trong báo cáo khoa học tổng kết nhiệm vụ I-197 của Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Viện Năng lượng, cho biết, Bộ Công Thương đã có Quy hoạch thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để điều tiết dòng chảy, cắt lũ, giảm lũ, chậm lũ vào mùa mưa và bổ sung dòng chảy trên sông vào mùa khô. Quy hoạch này phục vụ các yêu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho nhân dân vùng hạ du tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, từng công trình thủy điện đã điều chỉnh nhiệm vụ, thay đổi các thông số kỹ thuật, không bố trí nhiệm vụ điều tiết cắt giảm lũ cho hạ du. Vì thế, dung tích phòng lũ các hồ chứa thủy điện bậc thang trên sông Vu Gia – Thu Bồn giảm chỉ còn hơn 145 triệu m3 so với trên 1 tỷ m3 như quy hoạch ban đầu!

GS. TS Lê Kim Truyền, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi, chỉ rõ, nước ta, đặc biệt ở khu vực miền Trung, thường xuyên đối mặt với lũ lụt, hạn hán; vậy mà đa số các công trình thủy điện vừa và nhỏ lại không bố trí nhiệm vụ cắt, giảm lũ cho hạ du là sai lầm mang tính chiến lược.

“Cắt hay không là do người phê duyệt nhiệm vụ công trình đó. Ví dụ, nhiệm vụ của tôi chỉ phát điện thì chỉ đầu tư để có thể phát điện thôi. Nhưng nếu phát điện, kết hợp với tưới kể cả phòng lũ thì anh phải thiết kế hồ chứa có cả dung tích phòng lũ. Anh làm thủy điện, chỉ mỗi lợi ích về điện thôi nhưng người dân lại thiếu nước, hay ngập lụt… Theo tôi, người quản lý như thế là chưa có cái nhìn toàn diện” – GS. TS Lê Kim Truyền phân tích.

Không thể chỉ tập trung vào phát điện

Ông Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khi còn ở cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu rằng, đã đến lúc, thái độ của chúng ta với thủy điện phải thay đổi: “Không thể chỉ tập trung vào phát điện. Cái đấy không thể chấp nhận được! Cách tiếp cận mới về thủy điện là phải có cái nhìn tổng thể, phải lấy lợi ích về xã hội, môi trường làm chính vì chúng ta thiếu điện, có thể khắc phục bằng các nguồn điện khác nhưng môi trường, đa dạng sinh học, nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống con người, nhất là những tổn thất do lũ lụt thì không thể thay thế được”.

Liệu những thay đổi này có muộn không khi trên phạm vi cả nước, về cơ bản, gần như các tiềm năng kinh tế – kỹ thuật của thủy điện đã được khai thác sử dụng? Các công trình thủy điện, chủ yếu đơn mục tiêu, đã cơ bản được bố trí, đi vào vận hành trên tất cả các lưu vực sông!

Đã vậy, chúng ta lại chưa xây dựng được một cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành liên quan để thống nhất quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng các hồ chứa này.

Có thể ví các công trình thủy điện, thủy lợi trên một lưu vực sông như một dàn nhạc giao hưởng. Nhưng vì thiếu người nhạc trưởng – thiếu sự điều hành thống nhất của một cơ quan có đủ thẩm quyền nên các hồ chứa chưa phối hợp với nhau khi vận hành, không khai thác được tối đa tiềm năng của công trình trong chống lũ, cấp nước cũng như phát điện.

PGS. TS Nguyễn Văn Thắng, Đại học Thủy lợi cho biết, ngay những năm có hạn, các công trình trên lưu vực sông cũng không có sự điều phối, chia sẻ nguồn nước, thiếu sự phối hợp giữa các ngành liên quan để chống hạn: “Các ngành, riêng rẽ, quản lý các công trình thuộc ngành mình. Ví dụ, trên sông Ba, ngành điện quản lý, vận hành hồ thủy điện làm sao phát điện tốt nhất, phòng lũ chỉ là kết hợp thôi. Ngành nông nghiệp vận hành công trình hồ chứa phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Công trình ở trên không quan tâm đến công trình ở dưới. Công trình ở dưới muốn biết cũng không thể biết công trình ở trên thế nào, vì không có ai điều phối chung”.

Rõ ràng, sử dụng tài nguyên nước như hiện nay là mạnh ngành nào, ngành nấy dùng! Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phạm Hồng Giang, điều này tất yếu dẫn đến những tranh chấp, xung đột trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước giữa các ngành dùng nước và các vùng.

Câu chuyện TP. Đà Nẵng mới đây đưa vấn đề tranh chấp nguồn nước ra trước Quốc hội là một ví dụ. Thực tế, không chỉ có tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng với Đăk Mi 4 mà tranh chấp nguồn nước còn đang diễn ra gay gắt giữa một số nhà máy thủy điện khác với các tỉnh trên các lưu vực sông Ba, sông Đồng Nai, sông Sêrêpok…

Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, trong thời gian tới, tranh chấp về nguồn nước giữa các ngành, các địa phương sẽ phức tạp và quyết liệt hơn: “Nhu cầu sử dụng nước của nền kinh tế hiện nay chưa phải gay gắt nhưng chắc chắn thời gian tới mâu thuẫn sẽ rất lớn giữa các ngành, các địa phương”.

Đáng chú ý, việc xây dựng các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện với việc quy hoạch, xây dựng và quản lý vận hành bất hợp lý như hiện nay đang làm suy giảm tài nguyên nước, gây nguy cơ mất an ninh nguồn nước.

Từ năm 2006 đến nay, nguồn nước trên các lưu vực sông nước ta vẫn có thể đủ nước cho các nhu cầu kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, sinh thái. Vậy nhưng ở hạ du các lưu vực sông có nhiều hồ chứa thủy điện, nguồn nước lại thấp hơn trung bình nhiều năm từ 50 đến 70%, có khi “đứt” dòng chảy. Không phải ai khác mà chính con người đã làm cho tình trạng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước thêm nghiêm trọng trong những năm gần đây.