Xây dựng Luật Bảo vệ môi trường: Cần học tập kinh nghiệm quốc tế

ThienNhien.Net – Việc hoàn thiện bản dự thảo “Luật Bảo vệ môi trường” của Việt Nam cần được đặt trong bối cảnh các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tham khảo kinh nghiệm xây dựng luật môi trường từ các nước trong khu vực và thế giới.

Nhằm tham khảo thêm những ý kiến đóng góp từ các tổ chức quốc tế và trong nước cho việc hoàn thiện dự thảo luật môi trường, Hội thảo đối thoại chính sách: “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật Bảo vệ môi trường” đã được Bộ Tài nguyên – môi trường, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP tại Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay (18/2).

Cuộc đối thoại này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và kịp thời, đặc biệt trong lúc vẫn còn xảy ra những vụ ô nhiễm công nghiệp, khai thác khoáng sản, những thách thức trong phát triển đa lĩnh vực và biến đổi khí hậu.

Đây là những yếu tố đang ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống và phương kế sinh nhai của người dân địa phương, thu hút mối quan ngại của cộng đồng trước những thách thức nghiêm trọng về môi trường cần phải được giải quyết tại Việt Nam.

Ông Koos Neefies, cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu của UNDP nói về sự liên quan giữa Luật Bảo vệ môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu (Ảnh: ĐT/BizLIVE)
Ông Koos Neefies, cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu của UNDP nói về sự liên quan giữa Luật Bảo vệ môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu (Ảnh: ĐT/BizLIVE)

Ông Bakhodir Burkanov, Phó Giám đốc UNDP Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được phần lớn các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của mình trước kỳ hạn đề ra là năm 2015 và đã có những đóng góp đáng đáng kể vào việc thiết lập mục tiêu phát triển sau năm 2015.

Tuy nhiên, Việt Nam rất có khả năng không đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thứ bảy về môi trường bền vững, đặc biệt là ở lĩnh vực cung cấp nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh, đa dạng sinh học, cũng như mục tiêu thiên niên kỷ thứ sáu về HIV/AIDS.

Ông Bakhodir Burkanov cho biết: “Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP đánh giá cao Việt Nam đã đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường các chương riêng về tổ chức xã hội dân sự và biến đổi khí hậu”.

UNDP sẽ cung cấp những kỹ thuật cũng như những kinh nghiệm quốc tế để Việt Nam hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.

Cụ thể, UNDP sẽ cung cấp 8 nghiên cứu để cung cấp cho ban soạn thảo. Đồng thời, hỗ trợ Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội trong quá trình xây dựng luật.

Theo ông Burkanov, vấn đề nổi cộm trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam chính là tính liên kết của các chính sách còn kém, thậm chí chồng chéo nhưng lại không bổ sung được ý nghĩa cho nhau.

Ảnh hưởng của phát triển kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đòi hỏi Việt Nam cần có những chính sách khác nhau giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa được đồng bộ.

Chính vì vậy, nội dung quan trọng nhất dự thảo luật cần quan tâm chính là sự tham gia của người dân, vì họ chính là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Nếu luật này đủ mạnh sẽ huy động được sức của người dân tham gia vào hoạch định chính sách môi trường đồng thời tích cực giám sát và thực hiện các luật này.

Kinh nghiệm từ các nước có luật mạnh và thực thi tốt trên thế giới là những nước có các luật khuyến khích được sự tham gia của người dân.

Về sự liên quan giữa Luật Bảo vệ môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu, ông Koos Neefies, cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu của UNDP cho rằng: “Lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang còn thấp, nhưng Việt Nam đang trong quá trình phát triển và lượng phát thải này chắc chắn sẽ tăng lên. Chính vì vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam đề cập đến các vấn đề của biến đổi khí hậu là rất đúng thời điểm”.

“UNDP hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào một chương của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường”, ông Koos Neefies nói.

Ông Koos Neefies cho biết thêm: Hiện nay, có rất nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu. Ví dụ như Quỹ môi trường toàn cầu đã hỗ trợ cho các nước tham gia công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc trong đó có Việt Nam nguồn kinh phí khoảng 2 triệu USD mỗi năm cho các hoạt động giảm phát thải nhà kính.

Ngoài ra, Ngân hàng thế giới cũng dành một nguồn tiền để hỗ trợ cho các hoạt động kỹ thuật liên quan đến biến đổi khí hậu và Việt Nam cũng đã được tiếp cận.

So với các nước cùng điều kiện, Việt Nam đang được tiếp cận một lượng lớn nguồn vốn so với các nước cùng điều kiện. Tuy nhiên, nó vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu thích nghi và đối phó với biến đổi ngày càng tăng ở Việt Nam.

“Chính phủ và các tổ chức Việt Nam nên nghĩ đến các nguồn lực trong nước một cách hiệu quả hơn để đủ tăng cường các hoạt động đối phó và thích nghi với biến đổi khí hậu”, ông Koos Neefies nói thêm.