Bóc tách đất rừng ở Khánh Vĩnh: Còn nhiều băn khoăn

ThienNhien.Net – Huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đang có phương án giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất từ nguồn đất bóc tách của Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương. Thế nhưng, nhiều người dân không khỏi băn khoăn vì diện tích đất được nhận quá ít.

Người dân thiếu đất sản xuất

Từ cuối năm 2013, khu rừng nằm cạnh tuyến đường nối trung tâm xã Khánh Hiệp với xã Khánh Bình, đoạn qua xóm Y Bão, Hòn Lay, xã Khánh Hiệp đã được chặt, dọn hết các loại cây lớn, nhỏ, chỉ còn đất trống. Ông Võ Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết, khu vực này có diện tích hơn 80ha, trước đây được trồng rừng, nay cây rừng được khai thác, sau đó sẽ chia đất cho người dân thiếu đất sản xuất trong xã.

Ông Y Don, có nhà ở gần khu rừng này cho biết, năm 1996, gia đình có 2ha đất, sau khi được các cấp, ngành vận động, gia đình đã cùng 34 hộ trong thôn Hòn Lay góp đất để tham gia dự án Chương trình trồng rừng 327. Theo cam kết của chương trình, 3 năm đầu được nhận 5 triệu đồng tiền công chăm sóc/ha/năm. Thế nhưng, gia đình ông chỉ nhận được 2 năm rồi thôi. Sau đó, rừng được bàn giao cho Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương. Từ đó, gia đình ông cùng nhiều hộ dân góp đất tham gia Chương trình 327 lâm vào cảnh thiếu đất sản xuất buộc phải đi làm thuê, làm mướn. “Mỗi ngày đi làm thuê như phát rẫy, chặt mía, trồng keo chỉ được khoảng 100.000 đồng. Ngày có, ngày không nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Đã nhiều lần chúng tôi có ý kiến về vấn đề này nhưng chưa được giải quyết” – ông Y Don than thở.

Hiện nay, phong trào phát triển kinh tế vườn rừng tại huyện Khánh Vĩnh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. 1ha đất trồng keo, sau 4 – 6 năm người trồng có thể thu về từ 50 – 70 triệu đồng, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, do không có đất nên nhiều hộ dân phải đứng ngoài cuộc. Ông Võ Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 120 hộ thiếu đất sản xuất. Nguyên nhân chính là do các gia đình trẻ tách hộ, một số hộ có đất đã bán, còn lại là những hộ đã góp đất để tham gia dự án trồng rừng 327. Chính việc thiếu đất sản xuất kéo dài đã gây khó khăn cho địa phương trong việc phát triển kinh tế – xã hội”.

Cây keo được giá, nhưng nhiều người dân Khánh Vĩnh không có đất sản xuất để phát triển kinh tế vườn rừng.(Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Cây keo được giá, nhưng nhiều người dân Khánh Vĩnh không có đất sản xuất để phát triển kinh tế vườn rừng.(Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Vẫn còn băn khoăn

Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương cho biết, trong năm 2013, Công ty đã bóc tách trên 283ha từ diện tích đất của Chương trình 327 giao lại cho địa phương để chia lại cho người dân. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán cây khai thác trên diện tích đất này sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.

Từ nhiều năm nay, tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất đang diễn ra phổ biến tại huyện Khánh Vĩnh. Tháng 12-2013, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo tổ chức giao 319,5ha đất cho 639 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất (đợt đầu). Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Khánh Vĩnh tiếp tục kiểm tra, rà soát đầy đủ, chính xác chủ sử dụng trên 955ha đất đã được bóc tách còn lại để xây dựng phương án tiếp tục giao đất cho người dân. Theo Ông Lê Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, huyện đang lên phương án giao đất cho người dân trên tinh thần vừa bảo đảm quyền lợi cho dân vừa bảo vệ được rừng.

Ông Trần Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết, diện tích được bóc tách ít mà số hộ thiếu đất quá nhiều, nên khi chia đều mỗi hộ chỉ được 5.000m2. Diện tích này bao gồm cả suối, phần đồi có độ dốc cao nên người dân rất khó trong việc chọn lựa loại cây canh tác phù hợp. Bên cạnh trình độ canh tác còn lạc hậu, diện tích nhỏ, canh tác không hiệu quả rất dễ dẫn đến tình trạng người dân bán đất, từ đó lại tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu đất. UBND xã Khánh Bình dự kiến sẽ cấp chung từ 5 – 7 hộ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tránh hiện tượng người dân sang nhượng đất. Tuy nhiên, làm sao để vừa giữ được đất cho người dân cũng như phát huy hiệu quả là một vấn đề rất nan giải.

Người dân thiếu đất sản xuất cũng có nhiều băn khoăn, ý kiến khác nhau. Nhiều người đã góp đất tham gia Chương trình 327 cho rằng, sau khi bóc tách, họ phải được nhận lại phần đất của họ đã đóng góp. Nếu chia cho người nghèo thì họ chỉ chấp nhận nhường từ 20 – 30% diện tích trong số tổng diện tích đã đóng góp. Đây cũng là nguyên nhân khiến những người dân góp đất tham gia Chương trình 327 khiếu nại kéo dài từ nhiều năm nay.