Quản lý khoáng sản: Giảm bớt nghịch lý

ThienNhien.Net – Năm 2013, tài nguyên khoáng sản trở thành vấn đề nóng, tình trạng cấp phép tràn lan, khai thác mất an toàn gây ra nhiều hệ lụy. Không chỉ làm phung phí tài nguyên, phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm môi trường mà còn có cả những nỗi đau về con người không gì bù đắp được.

Khai thác thủ công thiếu an toàn sẽ gây ra nhiều hệ lụy
Khai thác thủ công thiếu an toàn sẽ gây ra nhiều hệ lụy

Về Cuối Hạ (Kim Bôi), sau vụ nổ ở mỏ than làm 6 người tử vong, con đường dẫn vào khu vực mỏ trở nên xa hơn vì nhiều khúc cua ngoằn nghoèo. Mặt đường bị băm nát, lầy lội, dưới suối, nước gần như cạn, đục ngàu. Trên mấy quả đồi là những căn nhà lá tạm bợ, xác xơ.

Ở một hầm lò khác, một nhóm công nhân cởi trần, người ướt đẫm mồ hôi, nhem nhuốc một màu đen, không đồ bảo hộ, nặng nhọc kéo những xe bò than ướt từ độ sâu 100m. Phương tiện khai thác hết sức thô sơ với một máy thổi khí, một máy phát điện chạy dầu đặt ở cửa lò đủ để thắp sáng những bóng đèn điện. Hơi nóng từ cửa hầm lò phả ra hầm hập. Dù tò mò lắm, nhưng tôi cũng không đủ can đảm để theo chân các anh thợ vào sâu hơn.

Thấy người lạ, nhóm công nhân dè dặt, hỏi gì họ cũng lắc đầu. Lân la làm quen bằng vài chén rượu, anh quản lý đội thợ có tên Bùi Văn Kha cũng dần bộc bạch: “Nhóm của tôi có vài chục người đến từ các tỉnh, thành xung quanh.

Làm khoán, được nhiều ăn nhiều, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu, ráo mồ hôi cũng hết tiền”.

Điều kiện khai thác nguy hiểm thế, sao các anh không chọn một nghề khác? Tôi hỏi. “Thời buổi kinh tế khó khăn, không làm lấy gì ăn, vẫn biết nghề nguy hiểm nhưng không làm thì nghỉ ăn”, anh Kha chia sẻ thêm và kết luận- “các anh muốn biết chi tiết nữa thì hỏi Ban quản lý”.

Biết không thể khai thác thêm, tôi quay xe đến thẳng Ban quản lý mỏ. Tiếp tôi là anh phó giám đốc trẻ măng. Bằng thái độ dè dặt, anh thông báo, các cơ quan chức năng đang làm việc, và nói: “Anh cứ để lại địa chỉ email và số điện thoại, khi nào có kết luận chính thức chúng tôi sẽ gọi”.

Ông Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an):Đây là vấn đề quốc gia, cần mổ xẻ đến cùng để quản lý nguồn tài nguyên nói chung, tài nguyên khoáng sản nói riêng một cách có hiệu quả, thực sự phát huy vai trò quan trọng, đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong hiện tại và tương lai.

Nêu lên như vậy để thấy rằng, vụ việc ở mỏ than Cuối Hạ chỉ là một trong hàng trăm vụ việc vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi trên khắp cả nước và tồn tại trong nhiều năm qua. Không chỉ có nỗi đau về người mà cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống bị hư hỏng, nguồn nước bị ô nhiễm, đất đai canh tác bị xâm thực làm ảnh hưởng đến nhiều cộng đồng dân cư. Nghịch lý đến nỗi mà nhiều người đã phải thốt lên rằng: Nơi nào càng “giàu” tài nguyên khoáng sản, thì đời sống kinh tế của cư dân càng “nghèo”.

Trong nhiều cuộc hội thảo về tài nguyên khoáng sản, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, có những địa phương, tiền thuế và phí thu được từ tài nguyên không đủ để nâng cấp một con đường bị phá hủy bởi xe chở tài nguyên. Đơn cử như Tuyên Quang, có những mỏ khai thác, chỉ đóng góp khoảng 5 tỷ đồng/năm cho ngân sách, nhưng tỉnh phải bỏ ra 30 tỷ đồng để sửa chữa con đường dẫn tới khu vực mỏ khai thác.

Ông Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) – cho rằng: Tài nguyên là tài sản quốc gia, trước đây chúng ta đổ lỗi cho chiến tranh, nhưng đất nước đã thống nhất hơn 40 năm. Hơn nữa lại có bao nhiêu cơ quan quản lý vậy mà tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản vẫn cứ tồn tại gây nhức nhối cho cả nền kinh tế và xã hội? Trách nhiệm thuộc về ai?

Ở phía cơ quan quản lý, ông Lại Hồng Thanh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Tài nguyên khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường)- thừa nhận những tồn tại hạn chế về cơ chế, chính sách, việc tổ chức thực hiện liên quan đến lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản, cấp phép, kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn yếu. Thêm vào đó là thiếu thông tin dẫn tới nhà nước không quản lý được sản lượng, nguồn thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp. Nhiều địa phương lách luật bằng cách chia nhỏ dự án.

Để quản lý tài nguyên khoáng sản bền vững, Nhà nước nên quy hoạch toàn diện tài nguyên, điều tra cơ bản đánh giá trữ lượng của từng loại. Trên cơ sở đó sẽ tính được giá trị của tài nguyên và xây dựng dự án khả thi để quản lý, khai thác hiệu quả. Thực hiện công khai minh bạch bằng cách đấu giá quyền khai thác, chọn ra những doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính, trang thiết bị kỹ thuật nhưng phải kiểm soát được trữ lượng, tình hình khai thác, nguồn thu của doanh nghiệp. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải cân bằng, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân địa phương.