Thanh Hóa: Hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản

ThienNhien.Net – Sau khi báo Lao Động đăng tải bài điều tra “Thanh Hóa: Dấu hiệu thất thu hàng trăm tỉ đồng từ tranh chấp mỏ” (số 195 ra ngày 26.8) phản ánh những sai phạm tại mỏ đồng Lang Chánh, phóng viên Báo Lao Động đã làm việc với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (ĐCKS), Bộ TNMT. Hàng loạt các sai phạm trong quản lý khai khoáng của tỉnh này bị phơi sáng!

Mỏ đồng tại Lang Chánh của Cty CP thương mại và xây dựng Tây Đô
Mỏ đồng tại Lang Chánh của Công ty CP thương mại và xây dựng Tây Đô

Cấp giấy phép bừa bãi

Ông Đỗ Cảnh Dương – Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐCKS – xác nhận với phóng viên là năm 2013, tổng cục có kết luận thanh tra “công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động khoáng sản tại tỉnh Thanh Hóa” (số 270/KLTT-ĐCKS ngày 5.2.2013). Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã cấp 8 giấy phép khai thác khoáng sản không đúng quy định, thậm chí bất chấp cả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, tỉnh đã cấp “1 giấy phép khai thác quặng chì – kẽm khi chưa có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 44, Nghị định 160 ngày 27.12.2005 của Chính phủ” tại mỏ Quan Sơn – Hòn Nhọn (xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh và xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia). Nghiêm trọng hơn, 1 giấy phép khai thác quặng sắt tại điểm mỏ thuộc huyện Vĩnh Lộc được cấp sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến tạm dừng việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cấp 6 giấy phép khai thác khoáng sản (5 quặng sắt, 1 quặng đồng) cho các khu vực chưa có kết quả đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 9, Điều 1, Nghị định 07 ngày 22.1.2009…

Để khắc phục sai phạm, Tổng cục ĐCKS đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu 5 Công ty đang hoạt động theo giấy phép khai thác quặng sắt và 1 Công ty đang khai thác quặng đồng là Công ty CP thương mại và xây dựng Tây Đô “dừng khai thác” để lập đề án thăm dò khoáng sản, lập báo cáo kết quả thăm dò, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. “Trên cơ sở đó lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh hoặc cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Thời gian thực hiện là 18 tháng”.

Tỉnh Thanh Hóa có bao che sai phạm?

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lại Hồng Thanh – Cục trưởng Cục Kiểm sát hoạt động khoáng sản miền Bắc, Tổng cục ĐCKS – cho biết, sau thanh tra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản khắc phục. Khi phóng viên dẫn chứng trường hợp “khai thác đồng” của Công ty Tây Đô với khẳng định của ông Nguyễn Minh Châu – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa – ngày 16.10.2014 (20 tháng sau khi có kết luận thanh tra của Tổng cục ĐCKS): “Hiện nay giấy phép khai thác khoáng sản số 1122/QĐ-UBND ngày 8.4.2010 của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho Công ty Tây Đô còn hiệu lực, đơn vị không vi phạm các quy định của pháp luật. Đơn vị tiếp tục tổ chức sản xuất theo phương án được duyệt là đúng với quy định của pháp luật” (Công văn số 4548/STNMT-TNKS) và như vậy, chỉ với trường hợp mỏ đồng của Công ty Tây Đô, tỉnh Thanh Hóa đã không hề thực hiện kiến nghị của Tổng cục ĐCKS (?!). Ông Lại Hồng Thanh cho biết: Công văn của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đã không được gửi đến tổng cục.

Nghiêm trọng hơn, ngày 12.2.2015, UBND tỉnh Thanh Hóa còn ra thông báo về kết quả cuộc họp giữa các sở, ban ngành chức năng của tỉnh về tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ ở mỏ đồng của Công ty Tây Đô, khẳng định: Việc tham mưu hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản mỏ đồng, trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1122/QĐ-UBND ngày 8.4.2010 là đúng quy định theo Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2005. Câu hỏi đặt ra là tại sao UBND tỉnh Thanh Hóa phớt lờ kiến nghị thanh tra của Tổng cục ĐCKS?