Khai thác titan ở Bình Thuận: Hủy diệt môi trường!

ThienNhien.Net – Nếu như trước đây những đồi cát chạy dọc theo bờ biển qua các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam… của tỉnh Bình Thuận được phủ xanh bởi thảm thực vật và những hàng dương xanh ngát, hệ động vật phong phú… thì bây giờ trơ trọi, loang lổ hố quặng sâu hun hút. Đó là dấu tích của việc khai thác titan.

Bất chấp hậu quả

Bình Thuận có gần 600 triệu tấn titan, chiếm 92% trữ lượng cả nước, phân bổ trong tầng cát xám và cát đỏ trên diện tích 800 km2 ven biển. Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác, chế biến titan giai đoạn đến năm 2020, xét tới năm 2030 thì Bình Thuận thuộc phân vùng 4, với mục tiêu xây dựng và phát triển thành trung tâm công nghiệp titan, khai thác chế biến titan với quy mô lớn.

Có đến 67 dự án khai thác titan ở đây, nhưng hiện mới chỉ có 3 dự án được cấp phép khai thác. Mặc dù vậy, mức độ tàn phá môi trường đã vô cùng lớn.

Do sa khoáng titan nằm sâu hàng chục mét, có nơi hàng trăm mét dưới mặt đất, nhưng các công ty khai thác chỉ có công cụ khai thác thô sơ, sau khi khai thác không hoàn thổ nên mặt đất bị cày nát, loang lổ hố. Những đồi cát xanh ngày nào trở thành vùng đất chết không cây, không con.

 (Ảnh: Phúc Lập/Nông nghiệp Việt Nam)
(Ảnh: Phúc Lập/Nông nghiệp Việt Nam)
 (Ảnh: Phúc Lập/Nông nghiệp Việt Nam)
Toàn cảnh khu đồi trọc khai thác titan (đồi màu vàng sau khi khai thác xong, khả năng sống sót của cây trồng rất thấp. Đồi trọc màu trắng là chưa khai thác) (Ảnh: Phúc Lập/Nông nghiệp Việt Nam)

Ông Lê Văn Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Bình Thuận, cho biết: “Khai thác như thế, ảnh hưởng rất nặng đến môi trường, như lớp thảm thực vật sẽ bị phá, ảnh hưởng địa hình, đến nguồn nước ngầm…”.

Theo ông Trương Văn Chi, kỹ sư mỏ địa chất, để có được những sản phẩm quặng thô titan, việc đầu tiên bóc lớp phủ bên trên là các lớp mùn, rễ cây thực vật, sau đó hút vùng cát có chứa titan lên tuyển (rửa) thô bằng nước để cho ra sản phẩm, phần thải chính là cát được đưa vào bãi thải trong, tất cả các quy trình này đều sử dụng nước ngọt để làm.

Trong khi đó, có doanh nghiệp vì lợi nhuận, dùng nước biển lọc quặng thô, hơn nữa trong quá trình lọc các chất bùn dinh dưỡng trên bề mặt bị rửa trôi, về lâu dài vùng khai thác sẽ bị nhiễm mặn không thể trồng trọt.

Sa khoáng titan sau khi được tuyển lọc (Ảnh: Phúc Lập/Nông nghiệp Việt Nam)
Sa khoáng titan sau khi được tuyển lọc (Ảnh: Phúc Lập/Nông nghiệp Việt Nam)

Được biết, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã có quyết định nghiêm cấm việc sử dụng nguồn nước mặn, nước ngầm để phục vụ khai thác quặng, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư hệ thống dẫn nước ngọt từ sông, hồ và ứng dụng kỹ thuật khai thác hiện đại hơn, phải hoàn thổ và trồng cây phủ xanh nơi đã khai thác. Song, dường như quyết định này chẳng được doanh nghiệp nào quan tâm.

Dân lãnh đủ

Ảnh hưởng từ việc khai tháng titan nặng nhất có lẽ là khu vực xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Trong tiết trời oi bức, những cơn gió trái mùa cuốn bụi đỏ từ các mỏ khai thác titan phủ đầy trên cây, mái nhà và những con đường quanh thôn.

Bà Trịnh Thị Mùi, thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý, nói: “3 – 4 năm nay, từ khi các công ty khai thác khoáng sản hoạt động thì hầu như nhà nào cũng có người bị mắc bệnh về mắt, đường hô hấp…”. Không chỉ riêng bà Mùi, mà những người trong thôn đều xác nhận về tình trạng thay đổi môi trường nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Liên, người dân thôn Thuận Minh buồn bã: “Trước khi mấy công ty về đây khai thác thì những đồi cát vẫn bình thường, giờ mất hết đồi rồi, nguồn nước cũng ô nhiễm luôn, nơi ở của các cô giáo gần đó thì bụi bay đầy nhà. Hai mẹ con tôi cũng bị viêm mũi, mà hầu như ai cũng bị”.

Vết tích của vụ tràn bờ moong hồi tháng 11/2013 của công ty khai thác khoáng sản Bình Thuận (Ảnh: Phúc Lập/Nông nghiệp Việt Nam)
Vết tích của vụ tràn bờ moong hồi tháng 11/2013 của công ty khai thác khoáng sản Bình Thuận (Ảnh: Phúc Lập/Nông nghiệp Việt Nam)

Đến trạm y tế xã Thuận Quý, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng trạm, cho biết: “Lúc trước mỗi ngày chỉ có vài người đến khám bệnh, thì nay mỗi ngày có hàng chục người đến khám, xin phát thuốc mà phần lớn là trẻ em bị suy hô hấp, viêm họng, viêm giác mạc mắt… Đó chỉ là những trường hợp nhẹ, còn nặng hơn thì người dân tự tìm đến bệnh viện trên thành phố.

Hồi xưa ở đây nhiều cây cối thì dù tới mùa gió bấc, cũng không nhiều bụi. Còn bây giờ mà gió nhìn trắng xóa cả vùng, vì chỗ đó là họng gió mà do mình khai thác cát lên làm ảnh hưởng đến môi trường. Họp tiếp xúc cử tri, lần nào dân cũng phản ánh nhưng vẫn không thấy chuyển biến gì”.

Khó khăn hơn cho người dân nơi đây là nguồn nước giếng bị ô nhiễm không thể sử dụng trong sinh hoạt. Ông Trần Liêu, người dân thôn 4, bức xúc cho rằng, do các công ty khai thác nên gió thổi cát đen bay vào nước, mặc dù sợ ngộ độc nhưng bà con vẫn phải uống do không có nguồn nước sạch, rồi mấy năm nay bị viêm mắt, viêm xoang mũi…

Trong báo cáo của tỉnh cũng ghi nhận, khu vực khai thác titan có tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, tổn thương sinh vật, ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí, gây mất ổn định cuộc sống người dân xung quanh, nhất là các khu vực xã Hòa Thắng (Bắc Bình), xã Thuận Quý, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam)… sâu xa hơn là sự biến mất của một vùng đồi vốn làm nơi chắn gió, bảo vệ hoa màu rất tốt cho nông dân.

Suối Nhum (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình), dòng suối hiếm hoi của ngọn đồi chứa đầy sa khoáng titan (màu đen dưới lòng suối là sa khoáng titan)

Trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường, các doanh nghiệp khai thác titan cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về môi trường cho địa phương, đảm bảo kĩ thuật trong quá trình khai thác. Nhưng trên thực tế, không kiểm soát được.

Ông Trần Hữu Minh Tùng, Trưởng phòng Quản lý và khai thác Khoáng sản, Sở TN-MT Bình Thuận cho biết: “Rất khó xử lý vi phạm của các công ty khai thác. Địa phương kiểm tra, thấy có dấu hiệu vi phạm nhưng không lập được văn bản chính thống để xử lý, như trường hợp UBND huyện có văn bản gửi lên báo cáo việc phát hiện công ty khai thác lén lút trong thời gian đang bị tạm đình chỉ khai thác, nhưng khi mời lên, đại diện công ty chối, vì biên bản vi phạm do tổ kiểm tra lập mà không mời được doanh nghiệp.

Do đó, để phát hiện sai phạm, phải mất không ít thời gian theo dõi”.

“Cái gì cũng có tính hai mặt, nếu không quản lý tốt mặt trái, không quản lý tốt về môi trường thì cái đầu tư cho môi trường còn lớn hơn cái lợi trước mắt. Lợi cho tỉnh, cho nhà nước thì chưa thấy, nhưng hệ lụy liên quan đến an sinh của người dân thấy rõ, trước mắt, Sở cũng cố gắng phối hợp với các ban ngành để giám sát chặt việc khai thác của các công ty này, không thể để xảy ra sự cố như vụ tràn bờ moong của công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận vừa rồi”, ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận.