Đánh chặn cát tặc ở địa bàn giáp ranh

ThienNhien.Net – Do lực lượng chức năng “đánh” mạnh cát tặc, nguồn cát khan hiếm, cung không đủ cầu, khiến cho giá cát trở nên đắt đỏ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến“cát tặc” hoạt động mạnh  với những chiêu trò, mánh khóe tinh vi hơn trước.

Nhiều tàu hút cát có công suất lớn bị đưa về tạm giữ tại Cảng Sơn Tây, Hà Nội

Sau sự vụ nhiều cán bộ cũng như Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh bị “cát tặc” đe dọa vì quyết dừng dự án khơi thông đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm trên địa bàn tỉnh, toàn bộ các dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) chấp thuận cho các doanh nghiệp thực hiện cũng bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Bởi thế, nguồn cát trở nên khan hiếm, giá thành đắt đỏ. Trước tình trạng nguồn cung không đủ cầu, nhiều đối tượng đã “tranh thủ” gia nhập những doanh nghiệp, công ty được các tỉnh lân cận, giáp ranh Hà Nội cấp phép để khai thác cát trái phép trên tuyến sông chảy qua địa bàn Hà Nội, đặc biệt là tuyến sông Hồng.

Dạt về vùng giáp ranh, núp bóng công ty

Ngày 22-5, nhóm phóng viên ANTĐ có mặt dọc theo đê tuyến sông Hồng từ cửa khẩu Km54+245 (thuộc địa bàn phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên đến Cảng Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Sông Hồng những ngày này trở nên bình yên hơn cả. Thỉnh thoảng vang lên tiếng máy nổ giòn, đều từ những chiếc tàu chở hàng xuôi – ngược, không còn tiếng gầm rú của những con “thủy quái” sục sạo lòng sông.

Ấy vậy mà chỉ cách đó vài ngày, lợi dụng trời mưa bão, hàng chục con tàu hút cát công suất lớn vây kín một khúc sông Hồng (đoạn thuộc địa bàn giáp ranh giữa xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội và xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) chờ cơ hội hút trộm cát.

Đây là đoạn sông bên kia bờ thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho khai thác tận thu cát từ địa phận thôn 3 đến thôn 5 xã Trung Hà và được khai thác đến cốt 2,5m. Chính vì thế, nhiều tàu hút có trọng tải hàng trăm tấn đã thi nhau thả những chiếc vòi hút dài gần chục mét xuống lòng sông “ăn cát”.

“Việc quản lý hoạt động khai thác cát, đặc biệt ở địa bàn giáp ranh là hết sức phức tạp. Đơn cử, TP Hà Nội không cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào khai thác cát, sỏi nhưng các tỉnh lân cận lại cấp phép. Như vậy đã tạo ra sự thiếu nhất quán dẫn đến việc quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, để không tái phát sinh tụ điểm khai thác cát trái phép, sau khi triệt phá, các Phòng nghiệp vụ CATP cũng như Sở TN-MT, Sở NN&PTNT… cần phải tăng cường công tác kiểm tra”.

Thượng tá Phùng Quang Hiển  (Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường – CATP Hà Nội)

Khoảng 11h40 ngày 19-5, các trinh sát Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội do Thiếu tá Nguyễn Ngọc Cầm, Đội trưởng phụ trách phối hợp với Công an huyện, Phòng TN-MT huyện Phúc Thọ cùng với Trung tâm Biên giới và Địa giới (thuộc Cục Đo đạc bản đồ Việt Nam) tiến hành áp sát, ập đến kiểm tra những chiếc tàu đang thản nhiên khai thác cát.

Tại thời điểm kiểm tra, hàng chục chiếc tàu đang gầm rú hút cát, nhả khói đen kịt một vùng trời. Khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng điều khiển tàu, tháo chạy sang địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng như dạt vào khu vực Công ty Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô. Mặc dù vậy, 5 chiếc tàu hút cát có sức chứa hàng trăm tấn cũng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ cùng gần 600m3 cát.

Lợi dụng địa bàn giáp ranh

Cụ thể, đó là tàu hút số hiệu BN-1393 do Nguyễn Văn Định (SN 1974, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển, phụ tàu là Nguyễn Ngọc Thành (SN 1967, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương); tàu hút QN-6090 do Trần Văn Thành (SN 1970) điều khiển, phụ tàu là Vũ Văn Chứ (SN 1978), cùng ở Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; tàu hút BN-1317 do Nguyễn Quang Tùng (SN 1986) điều khiển, phụ tàu là Trân Văn Sơn (SN 1980), cùng quê Bắc Giang; tàu hút BN-1488 do Đỗ Văn Tùng (SN 1985, trú tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) điều khiển, phụ tàu là Trịnh Đức Thuật (SN 1983, ở Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và tàu hút BN-0064 do Nguyễn Văn Tùng (SN 1996, ở Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) điều khiển, phụ tàu là Nguyễn Văn Toàn (SN 1974, ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng liên quan khai nhận, sau khi nhận lệnh của chủ tàu, lái và phụ tàu liền cho tàu đến địa điểm trên để người của Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô đo khoang tàu rồi hút cát. Khi cát đầy khoang thì tính tiền rồi cho tàu chở cát về địa điểm “ông chủ” chỉ đạo.

Anh Đỗ Văn Tùng, lái tàu mang số hiệu BN-1488 cho biết, tất cả việc mua bán do chủ tàu và bên phía công ty được cấp phép thỏa thuận với nhau, lái và phụ tàu không hay biết. Được biết, giá mỗi khối cát được hút lên tàu, bên phía công ty thu 40.000đồng/m3 nhưng đều không có hóa đơn chứng từ.

Tất cả những tàu tham gia hút cát được thông báo rằng, việc hút cát núp bóng ở địa điểm công ty có phép và địa bàn giáp ranh các tỉnh, thành phố thì cơ quan chức năng khó xử lý. Do vậy, các tàu hút cứ vô tư hút cát trộm. Tuy vậy, khi bị bắt, người của công ty không hề bảo lãnh hay can thiệp gì.

Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường – CATP Hà Nội cho biết, từ vụ việc trên, có thể thấy, hiện nay các đơn vị được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp thuận nạo vét duy tu luồng lạch và tận thu sản phẩm đã bị dừng hoạt động nên tìm cách móc nối với những công ty giáp ranh địa bàn Hà Nội được cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) để khai thác cát trái phép. Việc lợi dụng địa bàn giáp ranh và núp bóng công ty được phép khai thác đã khiến cho cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, bắt giữ và xử lý.

Không để hình thành tụ điểm

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 25-5, Công ty Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy phép số 1346/GP-UBND cho khai thác cát sông Hồng (khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) thuộc xã Trung Hà, huyện Yên Lạc trong thời hạn 12 năm, với diện tích 32,57 ha. Mức sâu khai thác đến cốt 2,5m; trữ lượng công suất khai thác sản lượng 30.000 m3/năm; trữ lượng khai thác 803.935 m3 và công suất khai thác 84.000 m3/năm.

Tuy nhiên mới đây, người dân xã Trung Hà phản ánh đến UBND tỉnh Vĩnh Phúc, một số cơ quan Trung ương và báo chí về việc trong quá trình công ty này khai thác cát khiến cho ven sông Hồng đã bị sạt lở khoảng 50% diện tích đất ở và đất canh tác từ nhiều năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đức, người dân ở thôn 4, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian gần đây (từ thôn 3 đến thôn 5 của xã) có tới cả trăm con tàu với công suất lớn neo đậu, trong đó có nhiều tàu của người dân Vĩnh Phúc. Còn ông Đỗ Văn Giáp, một trong những người đứng đơn đại diện tập thể Hội Cựu chiến binh xã Trung Hà khẳng định, việc khai thác cát của các tàu mà người dân phản ánh là có cơ sở bởi họ ghi được nhiều hình ảnh về hoạt động khai thác cát của các tàu này.

Thượng úy Trần Mạnh Tiến, Đội phó Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế và ma túy (CAH Phúc Thọ) cho biết, tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn huyện giáp ranh với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc và thị xã Sơn Tây… Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho 4 công ty khai thác cát dưới lòng sông. Để quản lý chặt tình trạng khai thác cát trái phép, nhất là lợi dụng địa bàn giáp ranh, năm 2015, UBND huyện Phúc Thọ; Sở Nội vụ, Sở TN-MT Hà Nội phối hợp với UBND 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc và các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất địa giới hành chính.

“Để đạt hiệu quả công tác quản lý, đấu tranh phòng, chống cát tặc, CAH Phúc Thọ thường xuyên triển khai các kế hoạch, phương án tuần tra kiểm soát trên địa bàn. Do vậy, thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát xảy ra trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã giảm hẳn. Tuy nhiên, việc các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh vẫn là vấn đề nan giải nên đề nghị các cơ quan chức năng cần thống nhất trong vấn đề cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản, chủ yếu là cát”, Thượng úy Trần Mạnh Tiến nhấn mạnh.